Có hay không việc công nhân Việt Nam ở Serbia bị chủ lao động Trung Quốc bóc lột?
© AFP 2023 / Oliver BunicCông nhân Việt Nam ở nhà máy công ty sản xuất lốp xe cho Shandong Linglong Tire Co, Zrenjanin
© AFP 2023 / Oliver Bunic
Đăng ký
Những ngày qua, thông tin hàng trăm công nhân, người lao động Việt Nam tại Serbia, làm việc ở nhà máy công ty sản xuất lốp xe cho Shandong Linglong Tire Co, Zrenjanin, bị chủ lao động Trung Quốc bóc lột, không đảm bảo điều kiện sống, tiền lương gây xôn xao.
Mới nhất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu giải quyết vụ lao động Việt Nam đình công phản đối chủ Trung Quốc tại Serbia.
Các tổ chức phi chính phủ cũng đề nghị giới chức Serbia nhanh chóng có hành động khẩn cấp, điều tra hành vi buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động và bảo vệ người lao động nhập cư.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu giải quyết vụ lao động ở Serbia
Sputnik trước đó đã thông tin đến độc giả phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đang xác minh thông tin lao động Việt bị chủ Trung Quốc bắt nhốt khiến họ phải đình công ở Zrejanin, Serbia.
Nhiều ngày, sau khi báo chí nước ngoài và Việt Nam phản ánh, thông tin về việc có hơn 400 lao động Việt, là công nhân làm việc tại nhà máy China Energy Engineering Group (CEEC), được thuê để sản xuất lốp xe Trung Quốc (Shandong Linglong Tire Co) ở thành phố Zrejanin, Serbia đình công phản đối chủ doanh nghiệp bóc lột, đối xử tệ bạc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội của Việt Nam đã có phản hồi.
Cụ thể, chiều 24/11, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết đã yêu cầu 3 doanh nghiệp cung ứng lao động khẩn trương giải quyết vấn đề liên quan đến thông tin lao động Việt Nam tại Serbia làm việc trong điều kiện không đảm bảo và các phát sinh liên quan.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia cũng như thông tin báo chí phản ánh tình trạng người lao động Việt Nam làm việc tại Dự án nhà máy lốp Zrenjanin, ở Zrenjania (Serbia) đang phải làm việc và sinh hoạt trong điều kiện không đảm bảo.
Chủ sử dụng lao động của các nhân công người Việt trên là China Energy Engineering Group Tianjin Electric Power Construction Co. Ltd., Ogranak Beograd Branch.
© AFP 2023 / Oliver BunicCông nhân Việt Nam
Công nhân Việt Nam
© AFP 2023 / Oliver Bunic
Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia cũng cho biết, tình trạng lao động Việt Nam tại nước sở tại bỏ trốn đã tác động xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam ở đây.
Tiếp nhận thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản gửi đến 3 doanh nghiệp cung ứng lao động, bao gồm: Công ty CP quốc tế Kazen, Công ty TNHH tư vấn giáo dục và nghề nghiệp CEC, Công ty TNHH quốc tế Song Hỷ Gia Lai. Văn bản yêu cầu các đơn vị này khẩn trương giải quyết vụ việc liên quan.
“Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty phối hợp với chủ sử dụng lao động xác minh, làm rõ thông tin báo chí và Đại sứ quán Việt Nam tại Rumania kiêm nhiệm Serbia về các vấn đề đã nêu”, thông báo nêu rõ.
Cùng với đó, các bên có trách nhiệm triển khai biện pháp khắc phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ngoài ra, các đơn vị cũng được yêu cầu rà soát tình hình lao động làm việc tại Serbia của doanh nghiệp, trong đó có tình hình hiện tại của người lao động, lập danh sách lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc.
© AFP 2023 / Oliver BunicCông nhân Việt Nam ở nhà máy công ty sản xuất lốp xe cho Shandong Linglong Tire Co, Zrenjanin
Công nhân Việt Nam ở nhà máy công ty sản xuất lốp xe cho Shandong Linglong Tire Co, Zrenjanin
© AFP 2023 / Oliver Bunic
Cùng với các nội dung báo cáo trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp có phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Được biết, Công ty CP quốc tế Kaizen có địa chỉ tại số 18, đường Nguyễn Thị Định, khối 14, Phường Quang Trung, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Công ty TNHH quốc tế Song Hỷ Gia Lai đặt tại 140 Sư Vạn Hạnh, Phường Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Công ty TNHH tư vấn giáo dục và nghề nghiệp CEC, nằm ở số 62, ngõ 331 đường Bát Khối, Phường Long Biên, Hà Nội.
Có tình trạng lao động Việt đình công ở Serbia?
Theo thông tin từ sơ bộ cơ quan chức năng và truyền thông, có 428 lao động được cung ứng bởi 3 doanh nghiệp này đang làm việc tại Serbia.
Các lao động làm các công việc như làm thợ hàn, thợ mộc, thợ buộc sắt, thợ đặt đường ống, đốc công…
Bình quân thu nhập của người lao động dao động từ 700 đến 1000 USD. Hầu hết số lao động trên đã sang Serbia từ tháng 3 năm 2021 và sau đó.
Thanh Niên dẫn lời bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, bước đầu doanh nghiệp cho biết, có tình trạng lao động đình công tại nơi ở của người lao động.
Theo bà Hà, nguyên nhân đình công là do bị mất điện 2 ngày nên người lao động bức xúc, cộng với thông tin sai sự thật từ bên ngoài.
“Chủ sử dụng sau đó đã giải quyết, bố trí nơi ở mới đầy đủ điện nước và người lao động đã làm việc trở lại”, Trưởng phòng Truyền thông thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay.
Vì sao lao động Việt ở Serbia đình công phản đối chủ Trung Quốc?
Trước đó, theo thông tin của báo chí nước ngoài và Việt Nam cho hay, ngày 17/11, hàng trăm lao động Việt ở Serbia đình công phản đối nhà máy Trung Quốc không đảm bảo điều kiện sống.
Các lao động Việt Nam được thuê làm việc cho chủ China Energy Engineering Group (CEEC) xây dựng nhà máy cho công ty sản xuất lốp xe Linglong tại Zrenjanin đã không được cung cấp hệ thống sưởi, điện hay nước nóng. Cơ sở vật chất hạ tầng và điện nước thiếu thốn.
Báo chí nước ngoài trước đó phản ánh, hôm 17/11, có hàng trăm lao động Việt Nam tại Serbia đình công vì cho rằng nhà máy Trung Quốc không đảm bảo điều kiện sống, không cung cấp hệ thống sưởi, điện hay nước nóng. Cơ sở vật chất hạ tầng và điện nước thiếu thốn.
“Chúng tôi đang sống như trong tù. Hộ chiếu bị người Trung Quốc giữ ngay khi xuống sân bay”, một lao động Việt chia sẻ với AFP.
Hai tổ chức phi chính phủ là ASTRA và A11 trước đó có báo cáo về đề nghị cầu các cơ quan chính quyền Serbia có hành động khẩn cấp nhằm hỗ trợ lao động Việt Nam cũng như người nhập cư đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Theo ASTRA, có nhiều dữ liệu cho thấy những công nhân này có thể là nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.
Bà Viola von Cramon, thành viên Nghị viện châu Âu lên tiếng đề nghị chính quyền Serbia sớm vào cuộc.
“Không thể chấp nhận được một quốc gia tiềm năng trở thành thành viên EU lại để mặc tình trạng này trên lãnh thổ và giữ im lặng trước các trường hợp có thể là lao động cưỡng bức ở châu Âu”, bà Cramon bình luận trên Twitter.
Completely unacceptable that #Serbia 🇷🇸 tolerates the construction and maintenance of a factory that is reportedly staffed using human trafficking and forced labour on its territory.
— Viola von Cramon (@ViolavonCramon) November 19, 2021
Decent work and human rights must be respected and upheld for all!https://t.co/wcATxo0pV6
Bộ Ngoại giao Serbia sau đó đã bác bỏ cáo buộc của bà Viola von Cramon về "chế độ nô lệ hiện đại" và "sử dụng buôn người để bóc lột sức lao động". Đồng thời khẳng định các quan chức nhà nước cao nhất và cơ quan có thẩm quyền đã phản ứng khẩn cấp sau loạt phản ánh trên phương tiện truyền thông xuất hiện về tình hình của công nhân Việt Nam tại một trong những nhà máy ở Serbia.
MFA #Selakovic assessed the accusations of Viola von Cramon about "modern slavery" and "using human trafficking for labour exploitation" as another attempt to satanize #Serbia.
— MFA Serbia (@MFASerbia) November 20, 2021
"We expect constructive criticism from Ms. von Cramon and any other MEP..." 🧵 https://t.co/aKpN7m205b
Được biết, Shandong Linglong Tire Co của Trung Quốc không trực tiếp tuyển dụng lao động Việt mà thông qua một nhà thầu phụ Trung Quốc. Do đó, công ty này khẳng định họ chỉ có nghĩa vụ trả tiền theo điều khoản hợp đồng.
“Không có chuyện lao động Việt ở Serbia bị hành hung”
Theo SCMP, hôm 23/11, nhiều công nhân tại nhà máy lốp xe Trung Quốc ở Serbia đã được trao trả lại hộ chiếu khi nhiều tổ chức phi chính phủ cùng các nhà hoạt động kêu gọi giới chức địa phương cũng như cơ quan hành pháp ở EU điều tra về hành vi buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.
Trước đó, ngày 18/11, như Sputnik đã thông tin, bà Lê Thị Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản hồi chính thức về việc báo chí phản ánh tình trạng người lao động Việt Nam bị giới chủ sử dụng lao động Trung Quốc ở Serbia bắt nhốt, bóc lột.
Theo đó, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết, bước đầu Đại sứ quán Việt Nam tại Romania xác định không có chuyện bị hành hung hay đánh đập.
“Đại sứ quán cho biết đã nhận được một số thông tin trên báo chí Serbia và đang nỗ lực xác minh thông tin, liên hệ với các công ty tại Serbia và các công ty phái cử lao động cùng cơ quan liên quan sở tại. Thông tin ban đầu cho biết không có chuyện hành hung hay đánh đập”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán phải tiếp tục nắm thông tin và theo sát tình hình, liên hệ cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, có các hành động cần thiết.
“Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia hiện đang liên tục cập nhật diễn biến sự việc, liên hệ cơ quan chức năng nước sở tại và có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích, an toàn cho lao động Việt Nam tại Serbia”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.