Cái bắt tay của Novaland và VinaCapital phù hợp với chiến lược năng lượng Việt Nam
© Ảnh : PixabayNăng lượng mặt trời
© Ảnh : Pixabay
Đăng ký
Novaland và VinaCapital vừa bắt tay hợp tác ứng dụng năng lượng tái tạo tại các dự án NovaWorld với tuyên bố đồng hành cùng chiến lược thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng của Chính phủ.
Từ con số không, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường năng lượng mặt trời hàng đầu Đông Nam Á và thế giới. Quốc gia cũng sở hữu tiềm năng rất lớn về điện gió.
Không chỉ tại COP26, đối với Quy hoạch Điện 8, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra chiến lược cắt giảm điện than, tăng cơ cấu các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hướng đến phát triển bền vững.
Novaland và VinaCapital ký thỏa thuận về năng lượng tái tạo
Ngày 7/12, Novaland và VinaCapital đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo tại các dự án mang thương hiệu NovaWorld.
Sự kiện diễn ra tại Novaland Gallery, 2Bis Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.HCM.
Theo biên bản ghi nhớ giữa Novaland và VinaCapital, hai bên sẽ cùng nghiên cứu, phối hợp tạo điều kiện để cư dân tại các khu đô thị của Novaland sử dụng năng lượng điện xanh ổn định trong thời gian dài.
Cùng với chiến lược thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng của Chính phủ, những năm gần đây, năng lượng sạch cũng đang được thúc đẩy để đưa vào chiến lược dài hạn của khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Dựa trên tinh thần ấy, Novaland cho biết, sẽ trở thành một trong những tập đoàn bất động sản tiên phong cam kết sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng bền vững, được lãnh đạo thế giới hướng đến.
“Cái bắt tay” giữa Novaland và VinaCapital cũng là điểm khởi đầu trong kế hoạch tăng cường sử dụng năng lượng xanh ở hệ thống các khu đô thị của Novaland, cùng với đó doanh nghiệp cũng hướng đến việc tối ưu hóa lợi ích của khách hàng.
Thỏa thuận hợp tác giữa Novaland và VinaCapital cũng để thể hiện sự đồng lòng ủng hộ chương trình COP 26 - Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu bằng các biện pháp thực tiễn và có hiệu quả cao, cũng như góp phần thực hiện mục tiêu phát thải Net-Zero (mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.
Vì sao Novaland chọn hợp tác với VinaCapital?
Kể từ năm 2019, Novaland giới thiệu thị trường hai dự án thương hiệu NovaWorld là NovaWorld Phan Thiet (Phan Thiết, Bình Thuận) và NovaWorld Ho Tram (Hồ Tràm) tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cả hai dự án bất động sản cao cấp này đều có quy mô 1.000 ha. Cùng với chuỗi tiện ích du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giải trí đẳng cấp quốc tế, các dự án NovaWorld giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm “second home” đa mục đích sử dụng và khả năng sinh lợi bền vững.
Đơn vị đầu tư cũng đặc biệt chú trọng ưu tiên ứng dụng giải pháp công nghệ xanh, an toàn cho môi trường, hướng đến đồng hành cũng các cam kết hành động của Chính phủ.
Trao đổi về thỏa thuận hợp tác, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Novaland nhấn mạnh, trong quá trình vận hành doanh nghiệp và dự án, tập đoàn luôn hướng đến các tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (mà Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm cao).
“Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với VinaCapital trong mảng năng lượng điện tái tạo sẽ là bước đi lâu dài, mang lại nhiều hiệu quả cũng như giá trị gia tăng cho hai bên và cho cộng đồng nói chung”, ông Bùi Xuân Huy thông tin về quyết định hợp tác với VinaCapital.
Về phần mình, danh tiếng của VinaCapital được khẳng định tại thị trường Việt Nam từ lâu.
Được thành lập vào năm 2003, VinaCapital là tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam với tổng giá trị trên 3,7 tỷ USD, chuyên về các loại hình tài sản như thị trường vốn, đầu tư công ty tư nhân, bất động sản, đầu tư mạo hiểm và trái phiếu, công nghệ.
“VinaCapital có kinh nghiệm đầu tư 18 năm ở Việt Nam, và đã và đang quản lý nhiều quỹ, tài khoản ủy thác và dự án đầu tư vào nhiều loại tài sản, bao gồm cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu tư nhân, trái phiếu, bất động sản, công nghệ thông tin”, phía VinaCapital nhấn mạnh.
Do đó, việc Novaland lựa chọn bắt tay với VinaCapital là “có cơ sở”.
Hiện nay, ngoài quỹ đầu tư dạng đóng mang tên VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) được niêm yết trên sàn giao dịch chính của thị trường chứng khoán London, VinaCapital còn quản lý các quỹ mở, tài khoản ủy thác và 6 quỹ đầu tư nội địa.
Cùng với đó, tập đoàn này hợp tác cùng tập đoàn Warburg Pincus thành lập liên doanh đầu tư khách sạn Lodgis Hospitality Holdings; tập đoàn Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, chuyên đầu tư vào các dự án khởi nghiệp giàu tiềm năng ở Việt Nam.
Trước đó, chúng tôi cũng đã thông tin về việc tập đoàn GS Energy thành lập liên doanh VinaCapital GS Energy Pte. Ltd. để đầu tư và phát triển dự án nhà máy điện LNG tại tỉnh Long An công suất 3.000MW.
Đối với thỏa thuận hợp tác này, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital thể hiện rất nhiều kỳ vọng.
Theo ông Don Lam, công nghệ chính là chìa khóa giúp giải quyết nút thắt quan trọng trong ngành năng lượng.
“Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu xu hướng trên thế giới nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ sáng tạo có thể áp dụng tại Việt Nam như công nghệ pin lưu trữ và lưới điện thông minh, đồng thời tích cực theo dõi sự phát triển của các nguồn năng lượng mới”, ông Don Lam khẳng định.
Theo lãnh đạo VinaCapital, việc hợp tác này là một trong những minh chứng thể hiện cam kết của các doanh nghiệp tư nhân trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm thải khí carbon.
Cùng với đó, việc cung cấp năng lượng tái tạo cũng là cách tạo điều kiện để các cư dân của các dự án góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Các kế hoạch và chương trình cụ thể được hai đơn vị triển khai tương ứng mục tiêu của mỗi giai đoạn, thông qua việc ký kết các thỏa thuận và hợp đồng riêng biệt trong thời gian tới.
Được biết, trước nhất, năng lượng tái tạo sẽ được ứng dụng và phát triển tại các dự án đô thị du lịch mang thương hiệu NovaWorld.
Tận dụng tiềm năng về năng lượng sạch của Việt Nam
Như đã biết, VinaCapital là một trong những nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam và đang hướng đến mục tiêu phát triển 2GW điện tái tạo trong vòng 5 năm tới.
Sputnik Việt Nam cập nhật hồi tháng 10 vừa qua, SkyX Solar, đơn vị thành viên của VinaCapital, đã nhận khoản đầu tư chiến lược từ EDF Renewables, một trong những đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tờ Nikkei của Nhật khi ấy đưa tin cho biết, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital dự kiến rót 100 triệu USD đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam (quốc gia có thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ ba thế giới).
VinaCapital cho biết Tập đoàn EDF Renewables của Pháp đã quyết định đầu tư vào công ty SkyX Solar (đơn vị thành viên của VinaCapital), đồng thời là đơn vị chủ quản của nhà máy điện mặt trời áp mái SkyX Solar.
Theo các thông tin được công bố, SkyX đang vận hành hơn 30MW điện mặt trời áp mái tại Việt Nam và cam kết đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200MWp năng lượng mặt trời.
EDF Renewables và VinaCapital kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn điện carbon thấp với các giải pháp tiêu chuẩn thế giới cho khách hàng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam thời gian tới đây.
Nhấn mạnh việc thị trường nội địa của Việt Nam đã phát triển từ con số không vươn lên trở thành thị trường năng lượng mặt trời hàng đầu Đông Nam Á trong vòng vài năm trở lại đây, VinaCapital hướng đến đồng hành cùng chiến lược quốc gia trong giảm thiểu điện than, tăng cơ cấu năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam dừng một số nhà máy điện than, có kế hoạch cụ thể cắt giảm các nguồn điện than, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Thỏa thuận hợp tác của các doanh nghiệp tư nhân như Novaland và VinaCapital chứng minh, chiến lược của Việt Nam thực sự tạo được động lực, sức hút, chứ không chỉ là “nói xuông” mà thiếu hiệu quả thiết thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 đã kêu gọi tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của mình.
Nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Theo đó, các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đối với Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng nhờ có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
“Trrong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố.
Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng đề cập lập trường của Việt Nam, rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững để không để ai bị bỏ lại phía sau.