Ngồi ‘ghế nóng’ thay ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Mãi trả lời chất vấn những gì?
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVNÔng Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVN
Đăng ký
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, tăng trưởng kinh tế thành phố thấp nhất trong 35 năm qua - 6,78%. Tuy nhiên, năm 2022, có thể sẽ tăng trưởng hình chữ V.
Lãnh đạo TP.HCM cũng trả lời chất vấn về hàng loạt vấn đề nóng như y tế cơ sở, an ninh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, nhà ở cho công nhân, huy động nguồn vốn, cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh mạng, xử lý tín dụng đen, vay nặng lãi…
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp nhất trong 35 năm qua
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nhận nhiều chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X.
Đây là lần đầu tiên ông Phan Văn Mãi trả lời chất vấn trên cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM sau kế nhiệm ông Nguyễn Thành Phong, được điều động làm Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Mãi cho biết, TP.HCM thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19”. Ông Mãi nhấn mạnh, hầu như mọi nguồn lực ưu tiên cho phòng chống dịch, lo cho sức khỏe, sinh mạng của người dân.
Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp khiến hầu hết hoạt động kinh tế phải tạm dừng, dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu gặp nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt được. Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, đại dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ những vấn đề bất cập đối với cơ cấu nền kinh tế liên quan đến lĩnh vực lao động, phân bổ dân cư, nhà ở, việc làm, môi trường sống của người lao động thành phố.
Theo ông Phan Văn Mãi, từ quý 4 năm 2021, dù đã mở cửa dần kinh tế nhưng thành phố vẫn đang chịu áp lực nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế quý 4 vẫn chưa lấy lại đà phục hồi, một số hoạt động dịch vụ phải cân nhắc, chưa thể mở cửa trở lại.
Thực tế, thành phố vẫn kiểm soát được dịch bệnh, nhưng biến chủng mới (Omicron) xuất hiện đe dọa thành quả chống dịch. TP.HCM vẫn đang theo dõi sát, đánh giá tình hình, kịp thời xử lý những bất thường, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập.
© AP Photo / Huu KhoaToàn cảnh một ngã tư vắng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Toàn cảnh một ngã tư vắng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
© AP Photo / Huu Khoa
Người đứng đầu UBND TP.HCM bày tỏ, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, đòi hỏi chúng ta không được lơ là, chủ quan, cần tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện hài hòa giữa các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
“Mức tăng trưởng kinh tế - 6,78% là chưa từng xảy ra trong 35 năm qua”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Mặc dù vậy, theo ông Mãi, còn có một số điểm sáng như tổng thu ngân sách đạt 101,3% so với dự toán, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ổn định. Theo người đứng đầu UBND TP.HCM, để vực dậy nền kinh tế, đạt tăng trưởng như điều kiện bình thường là thách thức bao phủ với kinh tế thành phố trong năm 2022 – 2023.
“Việc đưa tốc độ tăng trưởng từ -6,78% lên 6 - 6,5% trong một năm là nhiệm vụ rất khó khăn”, ông Phan Văn Mãi băn khoăn.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, sự giúp đỡ của Trung ương, các địa phương, thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, kỳ vọng tăng trưởng hình chữ V là khả dĩ.
Tại kỳ họp, Chủ tịch Mãi đưa ra 3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm thời gian tới gồm tìm ra phương hướng quản trị thành phố trong tình hình mới, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông trong quản trị, vận hành và tìm ra động lực mới để tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Lãnh đạo thành phố cho hay, chặng đường phía trước của thành phố sẽ còn nhiều khó khăn, cần tầm nhìn dài hạn, triển khai linh hoạt. TP.HCM đã xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2022 dựa trên quan điểm bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
“Ngoài ra, đây còn là sự quyết tâm chính trị đưa TP HCM trở lại vị trị, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước”, ông Mãi phát biểu.
Về cải cách hành chính, thiếu hụt lao động, y tế cơ sở
Bà Tô Thị Bích Châu chất vấn lãnh đạo thành phố về việc trạm y tế lưu động do Phó Chủ tịch UBND phường đứng đầu, có nơi lại giao cho y tế tư nhân, cơ chế tài chính, chính sách của UBND TP.HCM đối với trạm y tế lưu động như thế nào để các quận chủ động.
Đại biểu Châu cũng chất vấn ông Mãi về cải cách hành chính, liên thông giữa các sở, ngành, địa phương.
“Có những văn bản địa phương gửi liên quan đến thắc mắc, kiến nghị của người dân nhưng chờ đợi lâu không được trả lời. UBND TP chỉ đạo gì về hạn chế này?”, bà Châu hỏi.
Giải đáp vấn đề y tế cơ sở, ông Phan Văn Mãi cho biết, trọng tâm của TP.HCM là củng cố y tế cơ sở. Lãnh đạo thành phố đã làm việc với Bộ trưởng Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm, xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số.
Theo ông Mãi, TP.HCM sẽ giải quyết được vấn đề nhiều người quan tâm, đó là nhân sự của các trạm y tế chưa đáp ứng được quy mô dân số trong điều kiện dịch bệnh bùng phát (như trong thời gian qua). Ông Mãi bổ sung thêm rằng, thành phố đã chủ động chuẩn bị khi phát hiện bất cập nhưng với chủ trương của Bộ Y tế thì có thể đẩy nhanh xây dựng dự đề án.
“Ngoài trạm y tế cơ hữu, trước mắt, thành phố sẽ xây dựng trạm y tế lưu động để huy động lực lượng từ bên ngoài như quân y, y tế tư nhân để chung sức trong vận hành trạm y tế lưu động”, ông Mãi nói.
Liên quan đến nội dung cải cách hành chính, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh đây là vấn đề thành phố rất quan tâm để đảm bảo tư cách trung tâm kinh tế năng động.
Theo Chủ tịch Mãi, thời gian qua, TP.HCM đã có kế hoạch cải cách hành chính rất cụ thể về trách nhiệm. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp nhưng quá trình thực hiện chưa đạt như yêu cầu.
“Vấn đề là tiếp tục giữ nguyên kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt. TP.HCM tiếp thu để thời gian tới tổ chức thực hiện tốt hơn”, ông Mãi khẳng định.
Cụ thể, năm nay, thành phố thực hiện chủ đề xây dựng chủ đề xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, hình thành nhiều tổ công tác để thực hiện công tác cải cách hành chính, cho thấy hiệu quả. Thời gian tới thành phố sẽ phát huy mô hình này.
“TP.HCM cũng thấy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dữ liệu, hồ sơ để theo dõi, không bị bỏ sót, bỏ lọt các vụ việc lâu ngày nhằm kịp thời theo dõi, nhắc nhở, đánh giá kết quả của từng cơ quan, cá nhân trong việc theo và xử lý các vụ việc, hồ sơ”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Tú nêu ý kiến liên quan đến chính sách hỗ trợ của thành phố cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn cũng như giải pháp phòng ngừa lỡ dịch bệnh quay trở lại sẽ không vướng phải những hạn chế như thời gian qua.
“Khi dịch bệnh bùng phát, các lực lượng đã làm hết lòng, hết mình, nhưng có vấn đề vẫn chưa tròn như mong muốn. Qua đó, thành phố rút ra bài học kinh nghiệm gì? Cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM nêu giải pháp thực hiện các dự án quan trọng”, bà Việt Tú chất vấn.
Trình bày vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, ông Mãi cho hay, lãnh đạo thành phố chia sẻ những khó khăn ở thời điểm này, tuy nhiên, điều họ cần nhất ở chính quyền là “sự thấu hiểu” và “kịp thời tháo gỡ vướng mắc”. TP.HCM sẽ nỗ lực thực hiện nội dung này. Bàn thêm về khó khăn của doanh nghiệp, ông Mãi cho rằng, nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến lao động.
“UBND TP.HCM đã làm việc với các hiệp hội và các tỉnh, thành nơi có đông người lao động rời thành phố trở về quê khi giãn cách. Qua đó, đã tổ chức tiêm vaccine, hỗ trợ chỗ ở, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm rất tích cực cho người lao động”, ông Mãi nhắc lại.
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo, việc kết nối cung cầu lao động diễn ra ở nhiều cấp độ. Hiện, TP.HCM đã giải quyết vấn đề này khá tốt thời gian qua. Tất nhiên, cũng chưa phải giải quyết hết tất cả, thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ cùng các ngành chức năng giải quyết tốt vấn đề này hơn nữa.
“Chưa tròn với bà con”
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý muốn lãnh đạo thành phố nêu rõ về giải pháp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
“Thành phố có những bước chuẩn bị, giải pháp nào để thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội cho người lao động, người dân sống trên kênh rạch khó khăn như hiện nay”, bà Ý hỏi.
Trả lời chất vấn đại biểu về an sinh xã hội, ông Mãi thừa nhận, đây là vấn đề lớn và thàn phố đã nỗ lực làm nhiều nhưng đến nay vẫn là “chưa tròn với bà con”.
Theo ông Mãi, từ chính lần đầu tiên thực hiện giãn cách, đời sống bà con rất khó khăn, TP.HCM có chính sách hỗ trợ bà con gặp khó khăn từ rất sớm. Nhưng khi bàn xong chính sách và cấp phát thì số lượng người khó khăn ngày càng tăng lên.
“Đến khi dịch vào cao điểm, lượng người gặp khó khăn rất nhiều, lúc này, TP bị động, lúng túng trong xác định đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ... Việc này gây nhiều khó khăn cho cơ sở trong tổ chức thực hiện”, Chủ tịch Mãi thừa nhận.
Đến nay, theo vị lãnh đạo, vẫn còn bà con còn thắc mắc về việc có người chưa được lập danh sách, cách hỗ trợ với hình thức khác nhau.
“Dịch bệnh nhanh, khó lường, chúng ta chưa chuẩn bị kịch bản an sinh xã hội nên bị động, lúng túng. Do đó, quá trình thực hiện còn hạn chế”, lãnh đạo thành phố thừa nhận.
Ông Phan Văn Mãi cam kết, thời gian tới, TP.HCM sẽ bố trí đủ ngân sách để thực hiện các gói đã ban hành. Các ngành chức năng thành phố và quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát để cấp phát cho người dân nhằm đảm bảo trường hợp khó khăn tiếp cận được gói an sinh, giúp bà con phần nào giải quyết được khó khăn. Theo ông Mãi, dù mức hỗ trợ chưa nhiều nhưng là tình cảm, tấm lòng, sự chăm lo của thành phố.
Đối với nguồn vốn giảm nghèo bền vững, Chủ tịch Mãi cho rằng trong quá trình cho ý kiến, Ban cán sự UBND TP.HCM xác định đây là chương trình cần tập trung. Thành phố cũng phải tiếp tục duy trì chương trình này. Vấn đề bố trí nguồn vốn có gặp vướng mắc về pháp lý, Ban cán sự thống nhất bố trí trong kế hoạch vốn nhưng bố trí hằng năm.
“Cố gắng quý 1 năm 2022 hoàn thiện pháp lý, không để việc này chậm trễ làm bà con chờ đợi”, ông Mãi hứa.
Trả lời chất vấn về giải pháp ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, theo Chủ tịch UBND TP, đầu tiên phải tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận các nguồn vốn thương mại, chính sách. Ngoài ra, về vấn đề quản lý nhà nước cũng phải nghiên cứu biện pháp lâu dài để ngăn chặn tội phạm tín dụng đen.
Đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, ông Mãi cho hay TP.HCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thiện sớm triển khai đề án nhà ở giá rẻ để người lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được dưới hình thức thuê hoặc mua. Lãnh đạo thành phố sẽ kêu gọi, huy động nhiều nguồn lực.
Huy động nguồn vốn tư nhân
Đại biểu Võ Thị Trung Trinh nêu vấn đề về nguồn lực thành phố còn hạn chế, làm sao giải quyết các vấn đề cấp bách, đồng thời đề nghị huy động nguồn lực tư nhân, chứ không thể chỉ chờ vào đầu tư công.
Ông Mãi cho biết, để huy động được nguồn lực tư nhân thì phải cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nếu tháo gỡ hết các dự án còn tồn đọng thì sẽ có nguồn vốn lớn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, công tác giải quyết khó khăn của UBND thành phố đã có những báo cáo.
“Từ ngày 1/10 đến nay, trung bình mỗi tuần thành phố giải quyết từ 7 - 10 hồ sơ. TP. HCM cũng sẽ phân nhóm các dự án tư nhân còn tồn đọng để giải quyết”, Chủ tịch Mãi nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Quang Thắng đề cập việc phân cấp, phân quyền cho từng cấp, từng lĩnh vực. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, năm 2021, thành phố thực hiện tương đối tốt việc phân cấp phân quyền. Trong cải cách hành chính việc phân cấp phân quyền vẫn được nâng cao để các quận huyện chủ động trong công việc, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Việc này cũng có sự kiểm tra, đánh giá.
“Thời gian tới, UBND sẽ tổ chức tổng kết năm, tổ chức phiên bàn thảo để nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư; trong đó có bàn vấn đề phân cấp phân quyền”, ông Mãi cho biết.
Vành đai 3 rất quan trọng
Theo báo cáo của Sở KHĐT trong phiên chất vấn sáng nay, dự án Vành đai 2, 3 đang gặp nhiều khó khăn, không rõ thời điểm bố trí vốn. Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh đã chất vấn lãnh đạo UBND thành phố về vấn đề này.
“Với sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM có giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 2, 3?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang cố gắng trong năm 2022 cân đối nguồn vốn để khởi động với dự án Vành đai 2, hoàn thành ngay trong nhiệm kỳ này.
Còn đối với dự án Vành đai 3, thành phố và các địa phương đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Vừa qua, TP.HCM cùng với các tỉnh lân cận bao gồm Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã nghiên cứu mô hình PPP và nhận thấy, hình thức đầu tư này chưa khả thi bởi phải cần đến 29 năm để thực hiện.
Từ đó, thành phố đã báo cáo với lãnh đạo các địa phương để nghiên cứu, tiếp cận đầu tư công trong triển khai Vành đai 3, nỗ lực thực hiện trong giai đoạn từ 2021 đến 2025. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, nếu ngân sách Trung ương gặp khó khăn thì sẽ tính đến việc cân đối nguồn vốn địa phương.
“Chúng tôi hiểu Vành đai 3 rất quan trọng, là động lực phát triển cho TP.HCM và vùng trọng điểm kinh tế phía nam”, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
Tăng cường an ninh mạng, chặn tín dụng đen
Chất vấn Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Thượng tọa Thích Minh Thành đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề hạn chế thông tin không lành mạnh trên các mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook, Instagram.
Trước câu hỏi này, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố từng đặt ra nhiều tình huống khác nhau về an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống, đời sống nhân dân dần trở về trạng thái cũ, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn vẫn được đảm bảo.
Từ kết quả đó, thành phố nhận thức được rằng, để người dân tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, chính quyền cơ sở phải làm tốt công tác điều hành các công việc của thế trận an ninh nhân dân, trong đó hết sức chú trọng đến vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng công an.
Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, tình hình tội phạm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng sau đại dịch, một phần là hậu quả của những khó khăn mà dịch bệnh mang lại.
Vì vậy, các đơn vị cơ sở phải tiếp tục là lực lượng ứng phó tình hình. Đặc biệt, lực lượng công an có nhiệm vụ tham mưu nồng cốt, chủ trì lực lượng, nắm đối tượng, đấu tranh phòng chống tội phạm bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhất là tội phạm có tổ chức, băng nhóm và đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ.
Theo ông Phan Văn Mãi, mỗi năm ngành công an đều có kế hoạch phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cho các ngày lễ, Tết. Ngành công an vẫn đang tham mưu chính quyền kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị.
Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý, trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân quan tâm hơn về Luật An ninh mạng. Đây là cơ sở để người dân tích cực tham gia, lan tỏa những điều tích cực, tốt đẹp.
Theo ông Phan Văn Mãi, dù thành phố đã xử lý nhiều vụ vi phạm trên không gian mạng trong thời gian qua nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì vậy, thành phố đang kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông làm việc với các nhà mạng quản lý các nội dung xấu độc, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.