Hun Sen nhắc lại sự thật lịch sử, nêu lý do vì sao Campuchia mãi biết ơn Việt Nam
© AFP 2023 / An Khoun SamAun / National Television of Cambodia (TVK) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen
© AFP 2023 / An Khoun SamAun / National Television of Cambodia (TVK)
Đăng ký
Thủ tướng Hun Sen khẳng định, Campuchia mãi biết ơn những hy sinh xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam giúp đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Đó là sự thật lịch sử.
Nhắc lại những tội ác man rợ do chế độ diệt chủng Pol Pot – Khmer Đỏ thực hiện đối với người dân Campuchia, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân đừng bao giờ quên những công ơn vô cùng to lớn của các cán bộ, thanh niên, chiến sĩ thuộc mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia cũng như quân tình nguyện Việt Nam.
Hun Sen nói về sự thật lịch sử giải phóng Campuchia khỏi chế độ Pol Pot
Thông báo từ Chính phủ Campuchia, Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) vừa phát đi cho thấy, chính quyền Thủ tướng Hun Sen luôn thể hiện tinh thần biết ơn đối với Việt Nam, với Quân tình nguyện Việt Nam – Đội quân nhà Phật.
Ngày 7/1, Thông điệp của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot cho thấy những tri ân đặc biệt dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Trong bài phát biểu gửi đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ, nhân dân Campuchia, ông Hun Sen khẳng định, ngày 7/1/2022 đánh dấu kỷ niệm 43 năm Chiến thắng lịch sử của nhân dân Campuchia trước chế độ diệt chủng Pol Pot.
“Ngày lịch sử (7/1/1979) đã cứu đất nước kịp thời thoát khỏi chế độ Pol Pot - Khmer Đỏ, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất, mở ra kỷ nguyên mới hồi sinh của quốc gia Campuchia độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.
Sau ngày toàn thắng lịch sử này, Đảng Nhân dân Campuchia CPP, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia cũng như chính quyền nhân dân đã huy động toàn thể dân tộc Khmer vượt qua mọi trở ngại, khó khăn “trùng trùng lớp lớp” để bảo vệ sự tồn tại của chế độ và xây dựng lại Tổ quốc.
Công cuộc tái thiết đất nước chính thức bắt đầu. Thành công của việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược này đã tạo tiền đề và nền tảng cơ bản cho việc thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước, tiếp tục khôi phục và phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực cho đến nay.
Thủ tướng Hun Sen tuyên bố, ngày 7/1/1979 được nhân dân Campuchia đặt tên là “Ngày khai sinh lần thứ hai của Tổ quốc”, nếu không có chiến thắng 7/1 thì chúng ta (người dân Campuchia) đã không tồn tại được đến ngày nay và sẽ không có ngày hôm nay, “đây là một sự thật lịch sử”.
Campuchia mãi biết ơn Quân tình nguyện Việt Nam
Đặc biệt, sự kiện lịch sử ngày 7/1/1979 ở chiến trường Tây Nam không chỉ gợi nhớ về những tội ác man rợ do chế độ diệt chủng Pol Pot thực hiện đối với người dân Campuchia và nhắc tới những công ơn vô cùng to lớn của các cán bộ, thanh niên, chiến sĩ thuộc mặt trận đoàn kết cứu quốc Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam.
“Tất cả chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ sự kiện lịch sử này với tinh thần khắc ghi tội ác to lớn của chế độ diệt chủng Pol Pot đã gây ra đối với Tổ quốc và nhân dân Campuchia”, ông Hun Sen nêu rõ trong thông điệp.
Bộ đội Việt Nam – đội quân nhà Phật như chính khẳng định của ông Hun Sen đã hy sinh xương máu của mình nhằm lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn chế độ tàn độc này quay trở lại.
“Cũng với tinh thần khắc cốt ghi tâm ấy, chúng ta sẽ luôn ghi nhớ công lao to lớn và quý báu của những cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Đoàn kết kết Cứu quốc Campuchia và Quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn sự trở lại của chế độ đê hèn này”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Campuchia kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và người dân hãy nghiêng mình cúi đầu và cầu nguyện cho hương hồn của hàng triệu đồng bào phải chịu cái chết oan ức, sức đàn áp tàn bạo nhất trong chế độ Pol Pot – Khmer Đỏ trong những năm tháng lịch sử.
‘Không bao giờ cúi đầu’
Trong thông điệp của mình, Thủ tướng Hun Sen cho biết, 43 năm qua, kể từ chiến thắng ngày 7 tháng Giêng, người dân Campuchia đã lựa chọn con đường vô cùng chủ động, linh hoạt, dù gặp nhiều khó khăn, hiểm trở nhưng là con đường đúng đắn - bảo đảm cho sự vững chắc, ổn định và phồn vinh của đất nước Campuchia.
Theo ông Hun Sen, từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, dân tộc Campuchia đã lựa chọn chế độ chính trị - xã hội độc lập, phù hợp với điều kiện lịch sử, xã hội, kinh tế và văn hóa của Campuchia, cũng như diễn biến tình hình trong nước và quốc tế.
“Hãy đương đầu với mọi khó khăn, trở ngại và thử thách. Không được phép cúi đầu trước áp bức và đe dọa. Chỉ có như thế, Tổ quốc chúng ta mới có thể đứng lên và từng bước tiến lên, vượt qua những giai đoạn gian nan nhất để củng cố, mở rộng và đạt được những đổi thay to lớn trong lịch sử đáng tự hào”, Thủ tướng Hun Sen khẳng định.
Ông cho biết, đó là con đường quan trọng để Campuchia, quốc gia từng là nơi xảy ra các vụ thảm sát của nạn diệt chủng. chế độ Khmer Đỏ, là chiến trường của cuộc nội chiến kéo dài - cuộc tranh đua giữa các ý thức hệ chính trị.
Campuchia từ một quốc gia nghèo nhất và yếu kém nhất về kinh tế, nay đã trở thành một vương quốc tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, là một quốc gia hòa bình, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ với tinh thần liêm chính.
Nền kinh tế Campuchia ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện.
“Campuchia có thể sánh ngang hàng với các nước tham gia LHQ một cách bình đẳng và chủ động tích cực đối với mọi công việc quốc tế. Tất cả những điều này đều là những thành tựu lịch sử to lớn và quý giá nhất của mọi người dân Campuchia thuộc mọi dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và khuynh hướng chính trị”, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ.
Hai năm 2020 và 2021, cuộc khủng hoảng toàn cầu Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của xã hội Campuchia. Trước tình hình đó, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đưa ra nhiều kế hoạch chiến lược và các biện pháp thiết thực để chống lại đại dịch nguy hiểm chết người này, đặc biệt là trong công tác hành chính, y tế, an ninh, kinh tế và xã hội, đáng chú ý chính là chiến dịch tiêm chủng quốc gia để bảo vệ cuộc sống của người dân.
Đến cuối năm 2021, Campuchia đã giảm số ca mắc xuống mức thấp, đồng thời tạo được miễn dịch cộng đồng, qua đó cho phép Chính phủ tuyên bố mở cửa lại đất nước trên mọi lĩnh vực trong trạng thái bình thường mới từ ngày 1/11/2021.
“Cho đến nay, tình hình chung đã được cải thiện, phản ánh thành công của Chính phủ trong việc ngăn chặn số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19, đồng thời, mang lại triển vọng tích cực cho sự phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2022”, thông điệp thể hiện.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa lớn đối với cuộc sống của người dân, đòi hỏi tất cả phải học cách chung sống với Covid-19 theo xu thế bình thường mới, đặc biệt tiếp tục tuân thủ các biện pháp an toàn, tiêm chủng đầy đủ.
Việt Nam luôn kề vai sát cánh với Campuchia
Campuchia hàng năm đều kỷ niệm ngày Chiến thắng quân diệt chủng Pol Pot, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Đây là ngày lịch sử đặc biệt đối với đất nước, khi toàn thể khối đại đoàn kết dân tộc đều cùng tưởng nhớ hơn 1,7 triệu người dân chết vì bị giết, bị hành quyết, chết đói, lao động khổ sai cũng như dịch bệnh dưới chế độ diệt chủng Pol Pot.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Campuchia chỉ tổ chức lễ kỷ niệm quy mô nhỏ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các thông điệp quan trọng của Hoàng gia cũng như Thủ tướng Hun Sen.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 43 năm Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979 – 7/1/2022) đăng tải nhiều bài viết, trong đó nêu bật vai trò của Việt Nam, sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện – đội quân nhà Phật.
Khmer Times có bài ca ngợi công lao của Quân tình nguyện Việt Nam. Trong đó, nêu rõ, 43 năm trước, Quân tình nguyện Việt Nam cùng các chiến sĩ Lực lượng kháng chiến Campuchia, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (KUFNS) đã mở cuộc tổng tấn công lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo.
Chiến thắng này đánh dấu trang sử mới, khởi đầu giai đoạn hòa bình, ổn định và phát triển cho đất nước vốn chịu sự tàn phá của chiến tranh nhiều năm liền.
Đồng hành cùng nhân dân Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã không hề tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh, hoặc để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường Tây Nam. Trong các tuyên bố chính thức, chính quyền Campuchia luôn khẳng định, mãi mãi nhớ ơn những đóng góp, công lao to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh, Phnom Penh luôn khẳng định sự giúp đỡ của Việt Nam là chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng như những người anh em, láng giềng.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin từng phát biểu, sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất.
“Sự hỗ trợ này lẽ ra phải là nghĩa vụ chính yếu của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp một dân tộc đang trong hoạn nạn bởi chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới của chế độ Pol Pot”, ông Samrin nói.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen luôn tâm đắc rằng, Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế và khó có được lịch sử đất nước như ngày nay. Bộ đội Việt Nam là đội quân nhà Phật.
Như Sputnik đã thông tin, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên thực địa và đã ký 2 văn kiện pháp lý ngày 5/10/2019 ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được.
Ngày 22/12/2020, hai nước đã phối hợp tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn theo hình thức trực tuyến để hai văn kiện pháp lý về biên giới chính thức có hiệu lực.
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước có nhiều khởi sắc. Mặc dù chịu khó khăn do đại dịch COVID-19, thương mại giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh. 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 7,87 tỷ USD, tăng 87,5% so với cùng kỳ 2020.
Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,88 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hai nước vẫn luôn giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau.
Hồi năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp cho Chính phủ và nhân dân Campuchia cả tiền và vật tư y tế, trong đó có thiết bị và bộ xét nghiệm PCR tổng trị giá khoảng 300 nghìn USD.
Riêng trong năm 2021, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho Campuchia 500.000 USD tiền mặt và nhiều vật tư, thiết bị y tế như 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300 nghìn khẩu trang N95 trị giá khoảng 10 triệu USD, góp phần thiết thực và hiệu quả vào nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ và nhân dân Campuchia.
Về phần mình, Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Campuchia, Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam và nhân dân Campuchia đã tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine Sinopharm, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 350.000 USD tiền mặt. Đồng thời, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ, dù Campuchia còn khó khăn, nhưng Việt Nam đã luôn giúp đỡ họ và người dân Khmer không bao giờ được quên công lao ấy.
Ở tầm đa phương, Việt Nam và Campuchia luôn ủng hộ nhau, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.