Việt Nam vẫn ‘phụ thuộc và chờ đợi’ từ Trung Quốc
© Thái Thuần - TTXVNXe chờ xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh
© Thái Thuần - TTXVN
Đăng ký
Sau một ngày diễn ra cuộc họp giữa hai nước nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ ùn ứ tại khu vực biên giới, phía Trung Quốc đã đồng ý mở trở lại thêm cửa khẩu nữa cho hàng hóa Việt Nam thông quan.
Cùng với đó, đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Lào Cai khẳng định cửa khẩu Hà Khẩu vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bình thường vào dịp Tết Nguyên đán. Việt Nam vẫn đang ở thế phụ thuộc và phải chờ đợi từng thông tin cập nhật từ cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Trung Quốc đồng ý khôi phục thông quan 1 cửa khẩu với Việt Nam
Ngày 7/1, thông tin từ Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã có thông báo về việc khôi phục thông quan cửa khẩu Bình Mãng (phía Việt Nam là cửa khẩu Sóc Giang, thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng) kể từ 10h cùng ngày.
Trước đó ngày 6/1, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung.
Với quyết định này, cặp cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng là cặp cửa khẩu thứ hai được mở trở lại sau cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang.
© Ảnh : Nguyễn Quốc Khánh - TTXVNBộ Công thương làm việc với tỉnh Lào Cai về tình hình xuất - nhập khẩu
Bộ Công thương làm việc với tỉnh Lào Cai về tình hình xuất - nhập khẩu
© Ảnh : Nguyễn Quốc Khánh - TTXVN
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để trao đổi về tình hình thông quan và tìm kiếm giải pháp cho hàng hóa tại cửa khẩu.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về mở rộng thương mại và duy trì chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng đề xuất Quảng Tây phối hợp trao đổi với các địa phương biên giới Việt Nam nhằm nhanh chóng giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây đã tiến hành khảo sát thực tế tình hình phòng chống dịch tại các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.
"Căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, Quảng Tây chính thức khôi phục thông quan tại cửa khẩu Long Bang và Bình Mãng (phía Việt Nam là cửa khẩu Trà Lĩnh và Sóc Giang, tỉnh Cao Bằng)", Vụ thị trường châu Á - châu Phi thông tin.
Cũng theo cơ quan này, các cửa khẩu khác sẽ dẫn được khôi phục, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tổng số xe tồn ở 3 khu vực cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma đến sáng ngày 6/1 là 2.149 xe, giảm 150 xe so với ngày 5/1.
Trên thực tế, tình trạng tắc nghẽn hàng nông sản tại các cửa khẩu đã xảy ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên sự việc chưa bao giờ nghiêm trọng như lần này.
Lý do là bởi phía Trung Quốc đang siết chặt các quy định phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh nước này theo đuổi chiến lược “Zero Covid”.
Cửa khẩu Hà Khẩu vẫn tiếp tục hoạt động trong Tết Nguyên đán
Theo ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, đại diện Ban Quản lý Cửa khẩu Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc) đã khẳng định cửa khẩu vẫn sẽ hoạt động bình thường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hiện hoạt động lưu thông hàng hóa tại cặp cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu vẫn khá nhộn nhịp, không xảy ra hiện tượng ùn tắc.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai khẳng định trên VOV, mỗi ngày có khoảng 400 phương tiện thông quan qua cầu Kim Thành. Trong đó, khoảng 100 xe xuất khẩu, còn lại là xe nhập.
“Mặt hàng xuất chủ yếu là ván bóc, tinh bột sắn, sắn lát khô và một số mặt hàng nông sản, hàng nhập chủ yếu là rau, củ, quả, phân bón, hóa chất và một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước”, đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết.
Để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa hai nước, Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, cùng với đó triển khai rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Lào Cai cũng đề nghị cho phép địa phương nói riêng và các tỉnh có cửa khẩu biên giới nói chung áp dụng mô hình "cửa khẩu an toàn" - "cửa khẩu xanh", tạo vùng đệm an toàn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tính xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển
Ngày 7/1, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, trước tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó có phương án điều chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang đường biển cho doanh nghiệp.
Theo ông Giang, việc vận tải hàng hóa nông sản, hoa quả từ Việt Nam sang Trung Quốc được thực hiện theo hai phương thức chính - Vận tải đường biển đối với thị trường phía Bắc Trung Quốc (tuyến xa) và vận tải đường bộ đối với thị trường phía Nam Trung Quốc (tuyến ngắn, gần biên giới đường bộ của Việt Nam).
Tuy nhiên, việc chuyển đổi phương thức vận tải nông sản từ đường bộ sang đường biển vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để đẩy mạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng nông sản từ đường bộ sang đường biển, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang lưu ý, về cơ bản phải điều chỉnh được việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch để tránh rủi ro về mặt chính sách.
“Bởi vận tải đường biển dựa trên quan hệ cung cầu, các hãng tàu không thể bổ sung hoặc thiết lập tuyến mới trong thời gian ngắn để phục vụ khách hàng”, vị lãnh đạo lưu ý.
Đồng thời, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang bày tỏ, để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt nam sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) triển khai 4 giải pháp chính.
Trong đó, cơ quan quản lý sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết tạo nguồn hàng đủ lớn để ký hợp đồng vận tải dài hạn trực tiếp với hãng tàu.
Cục Hàng hải cũng kêu gọi khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải sang Trung Quốc để kêu gọi các hãng tàu bổ sung chỗ và vỏ container lạnh về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn trước mắt; tuyên truyền, cung cấp thông tin để các chủ doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển số container đang ùn tắc tại biên giới sang vận tải bằng đường biển.
Ông Hoàng Hồng Giang thông tin, cục Hàng hải Việt Nam cũng phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội, chủ hàng một số địa phương để xác định chính xác những khó khăn, đưa ra giải pháp đúng và trúng xử lý vấn đề.
“Quá trình dịch chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cảng biển bằng tàu biển rất cần sự đồng hành của Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan để đạt được hiệu quả cao nhất”, ông Hoàng Hồng Giang chia sẻ.
Được biết, trước đó, Cục Hàng hải việt Nam đã làm việc với hãng tàu Hải An và khuyến khích hãng tàu mở tuyến. Hiện nay, hãng tàu đang tích cực nghiên cứu đánh giá tính khả thi và dự kiến có thể mở tuyến từ Cửa Lò đi cảng phía Nam Trung Quốc trong quý II/2022.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, chỉ tính riêng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 149,56 tỷ USD, tăng 26,94% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 50,16 tỷ USD, tăng 16,11%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 99,39 tỷ USD, 33,21%; nhập siêu ở mức 49,23 tỷ USD, tăng 56,72% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ.