Mỹ muốn thân Việt Nam
17:52 25.01.2022 (Đã cập nhật: 17:56 25.01.2022)
© AP Photo / Manuel Balce CenetaJoe Biden và Nguyễn Phú Trọng.
© AP Photo / Manuel Balce Ceneta
Đăng ký
Mỹ muốn xích gần Việt Nam hơn. Kể từ sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Hà Nội, Washington không từ bỏ ý định nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Ngoại giao, Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink tuyên bố, Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và mong muốn nâng tầm quan hệ lên “mức cao hơn nữa” dưới thời Joe Biden.
Mỹ thay đổi quan điểm về Việt Nam
Hôm nay, ngày 25/1, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc điện đàm với ông Kurt Campbell - Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ông Daniel Kritenbrink, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện đang là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, cuộc điện đàm này diễn ra “theo đề nghị của phía Hoa Kỳ”.
Như Sputnik đã thông tin, ông Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từng tuyên bố chính Việt Nam và Ấn Độ sẽ định hình tương lai châu Á.
© AP Photo / Shizuo Kambayashi Kurt Campbell
Kurt Campbell
© AP Photo / Shizuo Kambayashi
Vị này cũng cho rằng, Mỹ cần nhắm đến tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự, an ninh quốc phòng, chính trị tin cậy hơn với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để kiềm chế bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ cần tăng cường “cuộc chơi” trong giao tiếp kinh tế thương mại với châu Á, theo quan điểm của ông Campbell.
“Tổng thống Joe Biden đã chỉ rõ Mỹ cần bắt đầu hình thành giao tiếp kinh tế thương mại cũng như quan hệ buôn bán trao đổi giao thương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Đây là khu vực mà Hoa Kỳ cần tăng cường cuộc chơi”, Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Campbell, Washington cần đi xa hơn mối quan hệ truyền thống thương mại thông thường – tức không chỉ trao đổi cấp cao về ngoại giao, quân sự toàn diện và chiến lược, Hoa Kỳ cần phương thức tương tác đầu tư cởi mở, lạc quan và thiết thực hơn với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo – Pacific Asia).
Trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ đang cùng một số nước khác đứng đầu danh sách những quốc gia quan trọng sẽ xác định tương lai của châu Á, ông Campbell cho rằng, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden coi Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia quan trọng hàng đầu để tăng cường mối quan hệ thời gian tới.
Mỹ sốt sắng nâng tầm quan hệ với Việt Nam
Phát biểu tại cuộc điện đàm chung, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đều tỏ ra vui mừng khi quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ thời gian qua duy trì đà phát triển thực chất và hiệu quả, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ Hà Nội và Washington ngày càng tốt đẹp sẽ đóng góp lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới ngày nay.
Phó Trợ lý Tổng thống Mỹ Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink tuyên bố, Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.
Đặc biệt, Hoa Kỳ mong muốn nâng tầm quan hệ lên tầm mức cao hơn. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ nói thẳng mong muốn “xích gần” Việt Nam hơn.
Như Sputnik đề cập, trong chuyến công du đến Việt Nam hồi tháng 8/2021 (dù bị bị ảnh hưởng bởi cái gọi là hội chứng Havana chưa rõ nguyên nhân), nhưng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đề cập đến việc Washington muốn thúc đẩy quan hệ với Hà Nội ngày càng sâu sắc hơn.
Bà Harris mở lời thẳng thắn với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề này – rằng Mỹ muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam lên cấp Đối tác chiến lược và ám chỉ “Hà Nội – Washington cần làm gì đó” để nâng cấp quan hệ song phương Việt – Mỹ.
“Chúng ta cần xem xét xem hai bên có thể làm những gì nhằm nâng cấp mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện lên thành Đối tác chiến lược”, Phó Tổng thống Kamala Harris ngỏ lời với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
© AFP 2023 / Pool / Evelyn HocksteinPhó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
© AFP 2023 / Pool / Evelyn Hockstein
Cũng tại cuộc gặp này, phía Mỹ tái khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế và đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực và đặc biệt mong đợi các cuộc thảo luận hiệu quả, tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Phản hồi về việc Mỹ đề nghị nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã khéo léo “đi vòng”.
Theo ông Việt, sau hơn 18 năm bình thường hóa quan hệ, trên cơ sở thành tựu đã đạt được và nhu cầu mong muốn của hai bên, quan hệ Việt Nam-Mỹ đã được nâng cấp lên khuôn khổ Đối tác toàn diện vào năm 2013.
Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, đạt được nhiều thành quả thực chất trong các lĩnh vực quan trọng trên các bình diện song phương và đa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và quốc tế.
“Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng là đối tác tin cậy, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”, ông Đoàn Khắc Việt nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn chứng, lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi và nhất trí cùng nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ. Cùng với đó, Việt Nam chân thành cảm ơn sự hỗ trợ chân thành, hiệu quả và quý báu của Mỹ tới Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Hiện vẫn chưa có tín hiệu nào thực sự rõ ràng về việc Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm “chiến lược”, tuy nhiên, kể cả trong trường hợp đạt được đồng thuận, điều này cũng được giới quan sát đánh giá là phù hợp với chiến lược ngoại giao độc lập, tự chủ đa phương và khôn ngoan của Hà Nội.
Trở lại với cuộc điện đàm ngày 25/1/2022, phía Mỹ vui mừng về việc Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết trong Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững.
Các ông Kurt Campbell và Daniel Kritenbrink, đại diện chính quyền Hoa Kỳ cũng đồng thời đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Quan hệ Việt – Mỹ, vấn đề Biển Đông và hòa bình thế giới
Phát biểu với đại diện chính quyền Biden – Harris, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị, để tiếp tục phát triển quan hệ hai nước sâu sắc hơn nữa, hai nước cần tăng cường tiếp xúc và đối thoại, đặc biệt là cấp cao.
Việt Nam và Mỹ cũng cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư trong khuôn khổ TIFA.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao việc Mỹ cam kết tiếp tục tăng ngân sách khắc phục hậu quả chiến tranh, thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris (như Sputnik đã thông tin) cũng như các dự án của Mỹ tại Việt Nam thời gian qua, trong đó có hoạt động hiệu quả của Trường Đại học FUV.
Bà Kamala Harris khi nói về nội dung khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm sát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh rằng, tất cả những điều này là biểu tượng của mối quan hệ lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như Đông Nam Á, với tư cách là một thành viên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng đồng thời bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, nhân đạo, kinh tế số, biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng.
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, bền vững và bao trùm với khu vực, ủng hộ đoàn kết nội khối và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ, Đối tác Mekong - Mỹ.
Đáng chú ý, đại diện chính quyền Hà Nội và Washington cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Qua đó, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác tại trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn đa phương khác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Hôm 20/1 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.
© Ảnh : Thống Nhất - TTXVNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm cho Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm cho Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng
© Ảnh : Thống Nhất - TTXVN