Việt Nam sắp có cầu vượt biển như San Francisco - Mỹ?
© Sputnik / Maria EfimovaSửa chữa tàu biển ở Vũng Tàu
© Sputnik / Maria Efimova
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về đề xuất xây dựng cầu vượt biển hoặc hầm vượt biển nối huyện Cần Giờ và TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đề xuất này có ý nghĩa phát triển kinh tế quan trọng trong bối cảnh TP. HCM đang đẩy nhanh tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Giấc mơ kết nối các đô thị biển phía Nam
Giải thích về đề xuất trên với báo chí, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, khẳng định:
“Các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất ý tưởng kết nối Cần Giờ và Vũng Tàu bằng cầu vượt biển dài 17 km hoặc hầm vượt biển dài 25 km. Đó là giấc mơ lâu dài và đang dừng ở mức ý tưởng".
Tuy nhiên, "giấc mơ” của người dân Cần Giờ hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng nào thống nhất đồng ý. Theo giải thích thêm của Bí thư Huyện uỷ Cần Giờ, đề xuất này được nhắc lại do khu đô thị lấn biển 2.870 ha được phê duyệt nên nhiều người mong mỏi đã đến lúc phải xem xét một cách cụ thể việc làm cầu hay hầm.
“Đề xuất này cần được phân tích và đánh giá tỉ mỉ” - Ông Dũng nhấn mạnh.
Ý tưởng xuất phát từ đâu?
Đơn vị đầu tiên đề xuất ý tưởng này không ai khác chính là Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA). Cầu Cổng vàng tại San Francisco, Mỹ là nguyên mẫu mà HoREA đề xuất cho các công trình giao thông vượt biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu.
"Nghiên cứu bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với Vũng Tàu, bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía Đông từ TP. HCM đến tỉnh Kiên Giang (cửa biển Cần Giờ rộng 12km), đồng thời cũng là điểm nhấn kiến trúc và là cầu cảnh quan, phục vụ du lịch" - HoREA đề xuất trong văn bản gửi UBND TP. HCM và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM mới đây.
Về các ý tưởng trên, TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung - Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, nhấn mạnh:
"Trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM, sở sẽ xem xét tất cả các góp ý, trong đó có HoREA. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ phân tích cụ thể và khoa học để chọn ra những ý tưởng phù hợp bổ sung vào quy hoạch chung thành phố"
Được biết, ý tưởng này cũng được đề xuất tại buổi tọa đàm "Đi tìm mô hình đột phá phát triển cho huyện Cần Giờ" do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM tổ chức vào năm 2017.
Ý kiến từ phía chuyên gia
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây cầu hay hầm xuyên biển cần được đánh giá và phân tích tỉ mỉ, kỹ càng. Nếu xây cầu nối biển phải đảm bảo được độ cao nhất định để tàu, thuyền và phà đi dưới cầu an toàn. Nếu xây hầm vượt biển thì chắc chắn kinh phí sẽ rất cao nên cần tính toán kỹ lưỡng để phân bổ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm.
"Tôi nghĩ xây cầu hay hầm vượt biển chủ yếu phục vụ khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Vì vậy, nếu xây dựng thì nhà đầu tư phải đóng góp phần lớn kinh phí chứ vốn ngân sách không ưu tiên cho dự án này. Chúng ta cần nhìn từ góc độ có lợi cho người dân và thành phố. Ngân sách ưu tiên cho các dự án phát triển hạ tầng ở TP. Thủ Đức, các tuyến đường vành đai 2, 3, 4, nâng cấp cảng biển…" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến trên, TS-KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM cho rằng:
“Những dự án này cần được tổ chức nghiên cứu nhiều phương án, so sánh tỉ mỉ. Ví dụ, phương án làm hầm Manche nối Pháp - Anh được tính toán, so sánh trong 200 năm mới đi đến quyết định thực hiện".
Theo TS-KTS Võ Kim Cương, hiện tại nên tập trung vào các công trình gấp rút hiện nay để giúp Cần Giờ đột phá là xây cầu thay cho phà Bình Khánh.