Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên TP.HCM “thiếu tiền”
© Ảnh : Tiến Lực – TTXVNMặt bằng phía trên nhà ga trung tâm Bến Thành đang được san lấp
© Ảnh : Tiến Lực – TTXVN
Đăng ký
Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu kiến nghị của UBND TP.HCM về việc bố trí ngân sách đảm bảo điều kiện hoạt động của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 tại dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Chính phủ cũng lưu ý, nếu có vấn đề vượt quá thẩm quyền, hai Bộ đề xuất báo cáo Thủ tướng để giải quyết theo quy định.
Trước đó, đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, TP.HCM đã xin Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để đảm bảo giúp Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM hoạt động.
Vì sao Công ty metro số 1 TP.HCM thiếu tiền để hoạt động?
Hà Nội đã có Cát Linh – Hà Đông, TP.HCM cũng đang sốt ruột chờ tuyến metro ố 1 Bến Thành – Suối Tiên, trong bối cảnh lên kế hoạch chuẩn bị làm tiếp tuyến metro số 2.
Tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Cũng như nhiều dự án trọng điểm khác của Việt Nam, metro Bến Thành – Suối Tiên lại chậm tiến độ và … đội vốn. Dự án này trước đó dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, khai thác thương mại từ năm 2022, nhưng lùi kế hoạch do ảnh hưởng của Covid-19 và còn một số vướng mắc liên quan thủ tục ký phụ lục hợp đồng với tư vấn chung, giải ngân vốn ODA, chưa kể nhiều khó khăn tài chính liên quan.
Trong kiến nghị trước đó, UBND TP.HCM cho biết Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 được thành lập năm 2015 với vốn điều lệ 14 tỷ đồng. Đến năm 2019, Giám đốc công ty được bổ nhiệm và chính thức đi vào hoạt động.
Biên bản ký kết hiệp định vay vốn ODA ưu đãi giữa Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam có ràng buộc ít nhất là 3 năm trước khi vận hành sẽ thành lập một đơn vị/công ty vận hành & bảo dưỡng dự án.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015-2017, công ty chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tiếp nhận, triển khai, quản lý, vận hành tuyến metro.
Từ năm 2018, Công ty chịu trách nhiệm quản lý vận hành tuyến metro số 1. Về tài chính, thành phố sẽ bố trí vốn từ ngân sách đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn không phát sinh sản phẩm, doanh thu.
TP.HCM cho biết, hiện công ty chưa có nguồn thu do tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác tuyến metro số 1 bị chậm so với dự kiến. Cho đến nay, đơn vị mới chỉ được cấp 14 tỷ vốn điều lệ để mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản, còn kinh phí hoạt động vẫn chưa được bố trí.
Hiện công ty đã không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động nên việc trả lương, trả các chi phí điện, nước, đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho người lao động gặp khó khăn.
UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng ngân sách thành phố để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị.
Nếu được chấp thuận, thành phố kiến nghị các bộ ngành có ý kiến hướng dẫn việc bố trí ngân sách, phương thức chi với nội dung trên.
Đã mượn tạm 2 tỷ đồng để trả lương
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, hiện đơn vị vẫn đang chờ các cấp có thẩm quyền tháo gỡ cơ chế để có kinh phí hoạt động.
"Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thành ủy và UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương cho công ty mượn tạm 2 tỷ đồng để trả lương cho người lao động", đại diện công ty nói với Tuổi trẻ.
Đến nay, dự án metro số 1 đã đạt 89% và dự định đưa vào khai thác thương mại trong năm 2023. Dù vậy, công ty mới chỉ có 15 nhân sự bao gồm cả quản lý (chưa tính 58 lái tàu đang trong giai đoạn đào tạo). Trên thực tế, nhu cầu để vận hành tuyến metro này cần đến 700 nhân sự.
Nếu không sớm được tháo gỡ khó khăn tài chính, việc tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ và hoàn thiện bộ máy vận hành tuyến metro số 1 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
TP.HCM nỗ lực tăng tốc đầu tư dự án metro
Trong lễ triển khai thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đầu năm 2022, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Nguyễn Quốc Hiển cho biết sẽ cố gắng phấn đấu cơ bản hoàn trả mặt bằng, khôi phục giao thông khu vực trung tâm thành phố trước ngày 30/4/2022, sau đó sẽ tiến hành chạy thử nghiệm trên từng đoạn.
Cũng theo ông Hiển, dự kiến, đến giữa năm 2022, sẽ chạy thử nghiệm đoạn từ depot Long Bình về ngã tư Bình Thái (TP. Thủ Ðức), chạy thử đoạn từ Bình Thái đến ga Văn Thánh vào tháng 8 và chạy thử trên toàn tuyến trước ngày 31/12.
“Có thể nói, năm nay sẽ là năm bản lề của Dự án tuyến Metro số 1, trước khi đưa Dự án vào vận hành thương mại năm 2023”, ông Nguyễn Quốc Hiển cho hay và nhấn mạnh, đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ triển khai thi công đầu năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến dự án này. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, thành phố sẽ tổ chức họp định kỳ với chủ đầu tư và các bên liên quan 2 tuần một lần
Ông Lê Hòa Bình cũng đề nghị chủ đầu tư và các tổng thầu tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực phối hợp triển khai, thực hiện Dự án trong năm 2022, bảo đảm tiến độ dự án.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, người dân thành phố cũng như cả nước kỳ vọng dự án Metro số 1 sẽ tạo đà phát triển cho kinh tế TP.HCM sau những khó khăn mà đại dịch mang lại.
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVNĐoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tham quan tuyến đường sắt đô thị Metro Bến Thành- Suối Tiên
Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tham quan tuyến đường sắt đô thị Metro Bến Thành- Suối Tiên
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVN
Sau khi hoàn thành, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, điểm gửi xe… gắn với các nhà ga không chỉ phục vụ đi lại của bà con, mà còn là nơi mua sắm tham quan của người dân và du khách.
“Chính vì vậy, TP.HCM rất quan tâm chất lượng công trình và công tác bảo đảm an toàn cho hành khách, nên các vấn đề liên quan dự án luôn được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là công tác vận hành thử nghiệm”, ông Lê Hòa Bình nói.
Bao giờ khởi công tuyến metro số 2?
Ông Bình cho biết, trong quý II/2022, TP.HCM sẽ khởi công Dự án tuyến Metro số 2.
Tuyến Metro số 2 của Sài Gòn đi qua quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, tổng diện tích giải tỏa hơn 251.000 m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Đến nay, tỷ lệ bàn giao mặt bằng tại dự án này được báo cáo cũng đạt hơn 83%. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã tiếp nhận mặt bằng của 7/10 nhà ga và đoạn dẫn vào depot Tham Lương từ các quận Tân Bình, Tân Phú, 10, 12.
Công tác giải phóng mặt bằng của tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đang được chính quyền thành phố và chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Cũng trong năm nay, thành phố sẽ tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm để xây dựng tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 và tăng cường kết nối giao thông với các tuyến metro ngay trong nhiệm kỳ này.
“Tiến độ bàn giao mặt bằng cho Metro số 2 bị chậm lại trong năm qua do hệ số giá đất tại quận 3 chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình làm việc, vận động người dân bàn giao mặt bằng”, theo vị lãnh đạo.
Vừa qua, chủ đầu tư đã kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm tham mưu UBND TP.HCM giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tại quận 3, cũng như tăng cường vận động người dân nhận bồi thường và sớm bàn giao mặt bằng.
Năm 2022, các thủ tục đàm phán các khoản vay bổ sung sẽ được xúc tiến. Cơ quan hữu quan cũng sẽ trình điều chỉnh cơ cấu vốn vay của dự án này, đồng thời, hoàn tất trình điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, cơ cấu tổng mức đầu tư, hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu CS2B - tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công.