Dầu khí, kinh tế Việt Nam trong căng thẳng Nga - Ukraina

© Sputnik / Maksim Bogodvid / Chuyển đến kho ảnhDầu
Dầu - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.03.2022
Đăng ký
Giá dầu thế giới tăng cao sẽ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp khai thác hưởng lợi. Thu ngân sách nhà nước của Việt Nam từ dầu thô tăng mạnh, PVN cũng khẳng định, doanh thu ấn tượng của tập đoàn không lệ thuộc từ nguồn thu dầu thô.
Trước lo ngại căng thẳng địa chính trị như xung đột trong quan hệ Nga – Ukraina sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác mỏ khí và các dự án dầu mỏ - khí đốt của Việt Nam, hay việc loại Nga khỏi SWIFT cùng các đòn trừng phạt có thể làm chậm chân các nhà đầu tư Nga ở Việt Nam, chuyên gia cho rằng, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn và tác động không lớn.

Việt Nam: Thu ngân sách từ dầu thô tăng mạnh

Ngày 9/3, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm của việt Nam vẫn đạt khá, các nhiệm vụ thu, chi ngân sách cơ bản được đảm bảo.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 2 của Việt Nam ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu ngân sách 2 tháng ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.
Công tác thăm dò của PetroVietnam trên thềm lục địa Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.03.2022
Dầu khí Việt Nam thăng hoa bất chấp khủng hoảng năng lượng và biến động chính trị thế giới
Xét trên cơ cấu nguồn thu, thu nội địa thực hiện tháng 2 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73,8% số thu tháng 1; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,2% dự toán, tăng 4,9%).
Đặc biệt, Việt Nam thu ngân sách lớn từ dầu thô. Cụ thể, thu từ dầu thô thực hiện tháng 2 ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2021.
“Thu từ dầu thô tăng mạnh chủ yếu do giá bình quân 2 tháng đạt khoảng 83 USD/thùng, tăng 23 USD/thùng so dự toán và tăng 59,7% so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng ước 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% kế hoạch, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021”, Bộ Tài chính cho hay.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 2 ước đạt 19 nghìn tỷ đồng; lũy 2 tháng ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng 29,4% so cùng kỳ năm 2021.
Về chi ngân sách, tổng chi cân đối ngân sách tháng 2 ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 2 tháng đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PVN tiếp tục hoàn thành và vượt mức kế hoạch, đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
© Ảnh : Vietnam Oil and Gas GroupGiàn khoan dầu của Petrovietnam
Giàn khoan dầu của Petrovietnam  - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.03.2022
Giàn khoan dầu của Petrovietnam
Sản lượng khai thác dầu tháng 2/2022 đạt 0,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch; lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,78 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch. Sản xuất xăng, dầu, phân bón, điện, khí đều tăng cao. Tổng doanh thu toàn tập đoàn tháng 2/2022 ước đạt 54,98 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch, lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 118,73 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
Nộp ngân sách của PVN tháng 2/2022 ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch, lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 18,05 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.

Dầu khí Việt Nam hưởng lợi từ giá dầu tăng

Giá dầu thô thế giới biến động tăng khoảng 30% kể từ khi Nga buộc phải mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina và hứng chịu những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề do Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt.
Ngay trong phiên giao dịch ngày 3/3/2022, giá dầu Brent đã tăng lên 118,22 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 2 năm 2013 trong khi dầu WTI tăng lên 116,6 USD/thùng và đang tiến sát tới mốc 125 USD/thùng ngay trong quý 1/2022 này. Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina, việc Mỹ có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva đánh mạnh vào lĩnh vực năng lượng, dầu mỏ, khí đốt, sẽ khiến đà tăng giá dầu tiếp tục được duy trì. Giá dầu không chỉ được dự báo giữ đà tăng mạnh lên mức 125 USD/thùng năm 2022, 150 USD/thùng năm sau 2023 và thực tế đang rất tiệm cận những mức này.
Mỏ dầu lớn Bạch Hổ - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.02.2022
Chuỗi dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, “ngọn gió đông” ngành dầu khí Việt Nam
Kết thúc phiên giao dịch tối ngày 9/3, giá dầu Brent giao sau giảm 13,2% xuống 111,14 USD/thùng. Hôm nay 10/3, giá dầu lại nhích lên, khi dầu thô Brent ở ngưỡng 112 USD/thùng, và dầu WTI quanh mốc 110 USD/thùng.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc duy trì ngưỡng giá dầu trên 100 USD/thùng hơn nửa tháng qua, giúp ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi về giá, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng.
Bên cạnh đó, các khoản tăng thu từ thuế, phí với dầu mỏ, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước của Việt Nam cũng tăng. Như phía trên từ dữ liệu của Bộ Tài chính công bố cho thấy, thu ngân sách hai tháng đầu năm nay, khoản thu từ dầu thô tăng hơn 57%, đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách của đất nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về bản chất, xung dột Nga – Ukraina chỉ là yếu tố tác động thêm đẩy giá dầu tăng cao trong ngắn hạn.
Theo ông Lâm, những yếu tố cơ bản quyết định đến giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao, kéo dài trong thời gian tới là do kinh tế thế giới tiếp tục quá trình phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao, thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác cũng như nguồn cung dầu thô ít, trữ lượng thấp, sản lượng toàn cầu gần đạt mức tối đa khiến nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời tổng cầu.
Bên cạnh đó, việc Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đạt đồng thuận lớn, chỉ duy trì mức tăng khoảng 400 nghìn thùng/ngày bất chấp lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Ấn Độ và bất chấp nguy cơ mất cân bằng cung - cầu trên thị trường để hưởng lợi từ giá dầu tăng cao.
Cũng theo vị chuyên gia, lượng tồn kho tại các trung tâm nhiên liệu trên toàn cầu đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua khiến cho nhiều quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu hàng đầu thế giới, đang tăng cường mua dầu trên thị trường quốc tế kể từ đầu tháng 2/2022 vì tồn kho dầu của Trung Quốc đang ở mức tương đối thấp. Do đó, có nhiều nguyên nhân khiến giá dầu khó hạ nhiệt và hiện nay, thế giới chưa có giải pháp nào có thể giải quyết hoàn toàn rủi ro về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.
“Vì vậy, theo tôi trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới còn biến động tăng và đứng ở mức cao”, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm bày tỏ.
Trong công bố vừa qua, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cũng đánh giá, dầu khí là một trong ba nhóm ngành được hưởng lợi từ giá dầu tăng.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.02.2022
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam “nắn” khủng hoảng ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Theo đó, với tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ đạt khoảng 10 triệu thùng một ngày, Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau UAE và Arab Saudi. Theo BSC, sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới các đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu chứ không riêng gì ở khu vực EU. Đồng thời, cũng như phân tích của chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, giá dầu sẽ khó hạ nhiệt sớm, dù Mỹ đang tìm cách gia tăng sức ép và xả kho dự trữ dầu nhằm khắc phục nguồn cung trong ngắn hạn.
Chứng khoán Bảo Việt kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại nhờ nhu cầu khai thác tăng, và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) hay Tổng công ty cổ phần khoan, thăm dò dầu khí (PVD) sẽ có được các hợp đồng mới, giá trị cao hơn thời gian tới.
Đối với nhóm trung nguồn, theo các chuyên gia phân tích của BSC, nhu cầu vận tải dầu năm 2022 tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) hiện chiếm toàn bộ thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước, còn Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đang đầu tư vào các dự án LNG Thị Vải giai đoạn 2 và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 1 nhiều tiềm năng tới đây. Đồng thời, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng sẽ được hưởng lợi nhờ chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô nguyên liệu tăng để cải thiện lợi nhuận.

Căng thẳng Nga – Ukraina sẽ không gây rủi ro cho dầu khí Việt Nam

Như Sputnik đã thông tin, các kết quả kinh doanh ấn tượng của PVN không lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô mà trải rộng đều trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh sản xuất của tập đoàn.
Trước tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraina, PVN cũng đã tổ chức cuộc họp để nhận định những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam, đồng thời ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác dự báo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu.
Mỏ khí đốt Mộc Tinh  - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.02.2022
Dự báo giá dầu thế giới tăng cao, thăm dò khai thác dầu khí PVEP Việt Nam lãi kỷ lục
Tại cuộc họp ngày 7/3, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng lưu ý, cuộc xung đột Nga-Ukraina tác động làm giá nhiên liệu, dầu thô tăng cao, nhưng sự biến động giá có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn vì xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn là xu thế bao trùm chính yếu không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy.
“Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội cần được tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc”, ông Vượng nói.
Theo Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam cho biết, ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, rủi ro sắp tới là rất lớn, khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng… PVEP đã có những kế hoạch sản xuất phù hợp, rà soát danh mục đầu tư, nhằm đáp ứng trước biến động của thị trường, dự phòng rủi ro, cũng như tận dụng những cơ hội có thể có.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết, Vietsovpetro đang theo dõi sát sao tình hình, xem xét và đề ra các phương án ứng phó trước tác động của xung đột chính trị và tùy theo tình hình diễn biến có kịch bản ứng phó tương ứng.
Phía PVN cũng lưu ý, đối với ngành năng lượng, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga do đó sẽ gặp phải những khó khăn/rào cản trong tương lai, nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế; nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến một số hoạt động phát triển mỏ và khoan phát triển; những tác động khi các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng năng lượng có khả năng bị đảo lộn; áp lực lạm phát, tốc độ chuyển dịch năng lượng, cũng như các rủi ro tiềm ẩn trước những biến động, thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới cần tiếp tục cập nhật đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga - Ukraina để điều hành kịp thời với thực tiễn.
“Cập nhật, dự báo tình hình thị trường: giá cả, cung – cầu, tồn kho với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới”, ông Hùng nêu rõ.
Các đơn vị liên quan cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực, rà soát các vấn đề liên quan về thách thức và cơ hội, để chủ động xử lý, ứng xử phù hợp, tận dụng cơ hội, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là rủi ro khi thị trường đảo chiều.

Xung đột Nga – Ukraina không tác động trực tiếp quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam

Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, căng thẳng Nga – Ukraina cũng như các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư của Nga ở Việt Nam, tuy nhiên, tác động không lớn đến nền kinh tế.
VNDIRECT cho rằng các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí.
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.02.2022
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có quyền tự quyết ở Lọc dầu Nghi Sơn?
Trong đó, dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) do Power Machines (Nga) là tổng thầu đang chậm kế hoạch 2 năm do vướng lệnh cấm vận.
Dự án điện khí Quảng Trị (340MW), mà Gazprom (Nga) tham gia đầu tư cũng đang chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu. Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) do liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ) đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 4/2021.
Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, 2 dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong đều đã đưa được đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện 8. Trong khi Vĩnh Phong vẫn chưa được khởi công thì dự án Long Phú 1 đang gặp khó vì vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị.
Bên cạnh đó, những đối tác Gazprom và Zarubezhneft cũng đang tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), dự án tích hợp phát triển mỏ Báo Vàng tại các Lô 111/04, 112, 113.
“Những dự án này đều có quy mô nhỏ và đang dừng lại ở giai đoạn thăm dò tìm kiếm và chưa được triển khai tiếp. Do đó việc ngưng trệ khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của của ngành”, VNDIRECT lưu ý.
VNDIRECT cũng đánh giá, tác động trực tiếp của xung đột Nga-Ukraina đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Cụ thể, hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraina chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và đây cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Giàn khoan dầu khí Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.02.2022
Chào Xuân mới, dầu khí Việt Nam đã làm được 'điều không tưởng'
Do đó, xung đột giữa Nga-Ukraina có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi “giá dầu và khí đốt” có thể neo ở mức cao.
Tuy vậy, VNDIRECT vẫn duy trì dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 sẽ được kiểm soát ở mức 3,4% (đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra). Việt Nam sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
“Đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, từ đó tạo xung lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm 2022”, VNDIRECT nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала