"Vũ khí hay xã hội": Các nước NATO đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan
© r.nial.bradshawMáy bay chiến đấu số 388 và Dự bị 419 Wings đã tiến hành cuộc tập trận sức mạnh chiến đấu F-35A tại Căn cứ Không quân Hill, Utah, ngày 6 tháng 1 năm 2020.
Đăng ký
Cuộc xung đột ở Ukraina khiến NATO phải trả một cái giá cao hơn - các thành viên của liên minh hứa sẽ tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, kế hoạch tài chính của khối quân sự này gây ra tranh luận gay gắt: không có đủ tiền, nhất là trước tình trạng lạm phát kỷ lục trong mấy thập kỷ qua.
Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Xây dựng KPI không thành công
Gần một tháng nay, các chính trị gia của châu Âu và Mỹ bàn tán về việc củng cố quốc phòng. Các kế hoạch của họ bao gồm việc tăng chi tiêu để tiếp tục mua sắm vũ khí mới. Trước hết, ở đây nói về các thành viên cấp dưới của NATO với quân đội nhỏ. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Dragomir Zakov tuyên bố rằng, đất nước của ông cần khẩn cấp máy bay không người lái, pháo binh, các tổ hợp phòng không di động và hệ thống phòng không.
“Các bước mà chúng tôi đang thực hiện để đảm bảo an ninh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương sẽ đòi hỏi nguồn lực thích hợp”, - bản tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels cho biết.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO nhấn mạnh, đầu tư cho quốc phòng là không thể tiếc tiền. Đây là khoảng 2% GDP của mỗi quốc gia thành viên theo thỏa thuận đạt được vào năm 2014. Nhiệm vụ này phải được thực hiện trong vòng 10 năm, nhưng, chỉ có 10 trong số 29 thành viên NATO có thể hoàn thành deadline đúng hạn. Theo số liệu năm 2021, Hy Lạp đang dẫn đầu (3,82%). Tiếp theo là Mỹ (3,52%), Croatia (2,79%), Anh (2,29%) và Estonia (2,28%).
“Đầu tàu” kinh tế châu Âu - nước Đức - không vội vàng đáp ứng yêu cầu này, chỉ chi 1,5% GDP. Giờ đây, Đức là một trong những nước đầu tiên hứa sẽ bổ sung ít nhất 100 tỷ euro (111 tỷ 430 triệu USD) vào ngân sách quốc phòng. Một phần số tiền này sẽ được dùng để tái trang bị cho Lực lượng Không quân: máy bay Tornado lỗi thời của châu Âu sẽ được thay thế bằng máy bay F-35 của Mỹ.
"Những ngày vui"
Tình hình hiện nay trước hết phục vụ lợi ích của tổ hợp công nghiệp-quân sự Hoa Kỳ. Ví dụ, tờ Politico cho biết rằng, Lockheed Martin đang mở rộng dây chuyền sản xuất tiêm kích F-35 và tên lửa chống tăng Javelin cho châu Âu.
“Những ngày vui lại đến với ngành công nghiệp quân sự. Việc tăng ngân sách quốc phòng thường mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong ngành”, - tờ báo trích lời giám đốc điều hành Lexington Institute Lauren Thompson.
Nhà Trắng cũng sẽ tăng chi tiêu quân sự thêm 9,8%, họ đề xuất chi ngân sách 773 tỷ USD cho Lầu Năm Góc. Một phần khoản tiền này sẽ được gửi cho đồng minh - chủ yếu dưới dạng thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, dự án này phải được Quốc hội thông qua. Và các thượng nghị sĩ đã thu hút sự chú ý đến một số điều kỳ quặc. Ví dụ, tổng quân số của lục quân Mỹ dự kiến sẽ giảm 3.000 người. Hải quân sẽ xóa sổ 24 tàu, bao gồm năm tàu tuần dương, mà không mua được bất cứ thứ gì. Và thay vì 85 chiếc F-35 (theo kế hoạch), họ chỉ đặt hàng 61 chiếc.
Ê kíp của ông Biden giải thích rằng, đây là những khoản đầu tư vào hiện đại hóa để tăng cường khả năng phòng thủ của một số căn cứ, chủ yếu ở Thái Bình Dương.
"Từ tên lửa đến bút chì"
Lạm phát tháng 2/2022 tại Mỹ đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy trong 40 năm. Nền kinh tế của Hoa Kỳ vừa mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID, nhưng, bây giờ họ phải đối mặt với tình huống khủng hoảng mới do các lệnh trừng phạt chống Nga và sự gia tăng giá năng lượng.
Quốc hội Mỹ lo ngại rằng, những khoản đầu tư mới vào ngành công nghiệp quốc phòng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Theo các nhà lập pháp, chỉ có các tập đoàn lớn mới được hưởng lợi chứ không phải toàn ngành. Do giá cả tăng vọt, việc tạo việc làm mới trở nên không có lợi đối với nhiều người. Và lạm phát, theo các chuyên gia Mỹ, sẽ "ngốn" hơn một nửa số tiền đã bỏ ra. Có nghĩa là, trên thực tế, Hoa Kỳ chỉ tăng 4% ngân sách quốc phòng, ít hơn so với những năm trước.
“Quân đội sẽ phải đối phó với sự gia tăng chi tiêu vượt vòng kiểm soát về tất cả mọi thứ, từ vũ khí dẫn đường chính xác đến bút chì. Điều trớ trêu là càng chi nhiều cho quốc phòng thì khả năng phòng thủ càng giảm. Bởi vì mỗi lần mua sẽ làm cho lô hàng tiếp theo đắt hơn. Một chiếc F-35 hiện có giá hơn 100 triệu USD (năm 2020 có giá 78 triệu USD), tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald Ford - 15 tỷ USD mà không có nhóm không quân", - Harlan Ullman, cố vấn cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, giải thích.
© Ảnh : U.S. Air Force / Senior Airman Keifer BowesTiêm kích F-35 F-35A Lightning II.
Tiêm kích F-35 F-35A Lightning II.
Theo ông, "liên minh không có một đội quân thống nhất, và mỗi quốc gia hành động theo cách riêng của mình", đặc biệt là không phải lúc nào cũng hiệu quả.
“Thay vì một chiếc F-35, - chuyên gia nhấn manh, - chúng tôi có thể mua 100 tên lửa Tomahawk hoặc 1.000 máy bay không người lái với cùng một khoản tiền. Từ quan điểm chiến lược phòng thủ, làm như vậy là tốt hơn nhiều".
Tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, rất ít thành viên NATO bận tâm đến việc tối ưu hóa. Ví dụ, London từ chối tăng chi tiêu quân sự. Về phần mình, Paris đã sẵn sàng trả thêm tiền, nhưng, chỉ vào các cơ sở sản xuất vũ khí của riêng mình. Trong vài năm qua, Paris cố gắng để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí chính ở châu Âu. Nhưng, các đồng minh trong NATO không vội mua sản phẩm của Pháp. Nhiều nước trong số họ không hiểu sẽ lấy tiền ở đâu để mua vũ khí mới.
Nợ công và thâm hụt ngân sách các nước EU tăng vọt. Lạm phát ở hầu như tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã đạt mức 9%. Ngân hàng Trung ương châu Âu chỉ ra rằng, điều này làm chậm đáng kể sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Những khoản đầu tư bổ sung cho quân sự sẽ không cải thiện tình hình. Do đó, các chính trị gia ở các quốc gia khác nhau đang tranh cãi về ngân sách.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, không phải ai cũng sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự. Gần đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hứa sẽ tuân thủ các yêu cầu của NATO, nhưng, ông lảng tránh câu trả lời khi các nhà báo yêu cầu làm rõ các chi tiết.
Tất cả các nước NATO đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan "quốc phòng" hay "xã hội". Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh những triển vọng còn mơ hồ cho việc "củng cố liên minh".