“Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ”
© Ảnh : Thống Nhất - TTXVNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
© Ảnh : Thống Nhất - TTXVN
Đăng ký
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại rằng, Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại phát triển rất sôi động của Thành phố Hồ Chí Minh.
Về việc đưa Củ Chi, Hóc Môn lên quận, thành phố, Chủ tịch nước lưu ý, đây không phải là mâm cỗ mới, dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội từ các cơn sốt đất, giá nhà của TP.HCM.
17 tỷ USD đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn
Ngày 12/4, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022 đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất của Việt Nam kể từ sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, đặc biệt là với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD, trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép ngay lần này.
Hội nghị quy tụ hơn 550 đại biểu các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế, đặc biệt là sự hiện diện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự hội nghị còn có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có sự quan tâm rất tận tình, chu đáo đến việc quy hoạch, phát triển Hóc Môn – Củ Chi. Trước đó, để đảm bảo chu đáo, hiệu quả cho sự kiện này, giữa tháng 3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành, địa phương liên quan của thành phố và chỉ đạo một số công việc cụ thể.
Các dự án được hai huyện Củ Chi – Hóc Môn mời gọi đầu tư dịp này tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông - kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục - văn hóa - thể thao; trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có số lượng dự án mời gọi lớn nhất.
“Rồng đang ngủ”
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai vùng đất cách mạng, hy sinh, mất mát rất lớn để, đóng vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
Do đó, theo người đứng đầu Nhà nước, cần có trách nhiệm với lịch sử, hỗ trợ nâng cao đời sống người dân ở khu vực còn nhiều khó khăn này.
© Ảnh : Thống Nhất - TTXVNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
© Ảnh : Thống Nhất - TTXVN
Đánh giá tiềm năng, lợi thế của hai địa phương này, nhất là địa thế chiến lược, có khả năng kết nối đường thủy và hướng ra sông Sài Gòn, Chủ tịch nước nhắc lại câu nói:
“Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại phát triển rất sôi động của Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố năng động, đóng góp 1/3 ngân sách của đất nước”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định thực tế, hai huyện Hóc Môn và Củ chi phát triển còn ở mức thấp, cần được ưu tiên đầu tư.
Việc tăng cường đầu tư vào hai huyện này, theo ông Phúc, sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh giải được bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển đặc biệt là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, thu hút tốt nhất các nguồn lực tri thức, con người; nhanh chóng giải tỏa áp lực về hạ tầng, cũng như các thách thức ngày càng nghiêm trọng về nhà ở, công ăn việc làm và an ninh đô thị.
“Cần mở rộng không gian sinh tồn, phát triển đô thị khi chiếc áo hiện hữu của Thành phố đã trở nên quá chật chội đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, đây không phải là chương trình làm một lần, kết thúc trong một ngày. Chủ tịch nước nhắc lại, với tư cách là đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cam kết giám sát các dự án đầu tư vào hai huyện và báo cáo cử tri.
“Mọi lời nói, cam kết tại hội nghị phải đi đôi với việc làm thực chất, người thực việc thực”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành bạn, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã sát cánh hỗ trợ, sẻ chia với lãnh đạo và người dân TP.HCM “trong thời điểm khó khăn nhất”.
Theo Bí thư Nên, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này mang 3 ý nghĩa. Một là thực hiện thực hiện kế hoạch hành động của thành phố. Hai là thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước cử tri trước khi ứng cử. Ba là tạo cơ hội để các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước.
“TP.HCM cam kết sẽ nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn”, Bí thư Nên khẳng định.
Cùng với đó, thành phố cũng không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo chuyển biến mới, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
Không phải mâm cỗ mới cho giới đầu tư bất động sản
Đây là phát biểu rất đáng chú ý của lãnh đạo Nhà nước, cho thấy, Trung ương nắm rất rõ những vấn đề phát sinh khi quyết định đưa Củ Chi – Hóc Môn lên quận, thành phố.
Bày tỏ vui mừng trước kết quả các cam kết đầu tư vào hai huyện tại Hội nghị lên đến gần 17 tỷ USD, trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này, còn lại là các bản ghi nhớ với các nhà đầu tư tên tuổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các dự án không chỉ đầu tư trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ mà còn cả trong sinh thái, môi trường, xử lý rác, nhà ở xã hội. Đây là sự quan tâm đồng bộ.
Người đứng đầu Nhà nước nhắc lại, các cam kết đầu tư lần này phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đối với các quy hoạch lỗi thời, phải được xem xét bởi các chuyên gia, nhà chuyên môn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với chiến lược phát triển của Thành phố và hai huyện.
“Phải làm thật chặt quy hoạch phát triển của Hóc Môn và Củ Chi không để tắc đường trong khi thời gian không chờ đợi ai”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Lưu ý đến hướng phát triển bền vững, lâu dài ở Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nguyên tắc xuyên suốt của các dự án phát triển Hóc Môn và Củ Chi là phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm.
“Đó là một đô thị sinh thái thông minh, bền vững. Hóc Môn - Củ Chi là hai đơn vị hành chính nhưng phải luôn đi cùng nhau không phải là mâm cỗ mới, dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội từ các cơn sốt giá nhà ở thành phố”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh, hai huyện Hóc Môn, Củ Chi phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan giải quyết các nút thắt về giao thông tại hai huyện cả về đường bộ, đường cao tốc, đường thủy và cả đường sắt tốc độ cao.
Đồng thời, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo; phát triển doanh nghiệp tư nhân; giảm thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử; tái đào tạo và sử dụng lao động chất lượng cao
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch nước đề nghị phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm.
“Sau các ký kết cam kết đầu tư hôm nay phải sớm triển khai nhanh kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư, tuân thủ pháp luận, nói không với tiêu cực, tham nhũng”, ông Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Theo Chủ tịch nước, đầu tư vào Hóc Môn và Củ Chi - hai địa phương có ý nghĩa đặc biệt - cần đề cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng.
Chính quyền các cấp, nhất là hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đề cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường thỏa đáng cho người dân, hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên tạo việc làm và sinh kế tại chỗ, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân
Tin tưởng rằng, qua Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chọn Hóc Môn và Củ Chi như một điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ danh mục dự án đầu tư của mình, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai huyện Hóc Môn, Củ Chi - tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng, sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, ý nghĩa hơn nữa, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước.
Đô thị thông minh
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của thành phố về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài…, còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.
Ông Nhã nêu rõ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố, trong đó, Khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng. Về trục phát triển, khu vực này nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan tỏa từ nội thành hiện hữu.
Tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh.
Bên cạnh đó, có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn thuận lợi để phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng…
“Từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km. Rất thuận tiện”, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố nhấn mạnh.
Trước đó, tại lễ đón nhận huân chương lao động hạng Ba do đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cũng đã cam kết chính quyền địa phương sẽ nỗ lực phấn đấu để sớm chuyển đổi, đưa huyện Củ Chi trở thành một thành phố trực thuộc TP.HCM.
Cũng tại hội nghị hôm nay, trên 1.000 ngôi nhà đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ cho hai huyện, mỗi huyện 500 căn.
Đáng chú ý, Tập đoàn Sovico và HD Bank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã trao tặng 280 căn nhà tình nghĩa - tình thương, 10.000 thẻ bảo hiểm y tế, 1.000 suất học bổng và xây dựng hai trường mẫu giáo cho địa phương.
Các đóng góp của Sovico, HD Bank góp phần cùng hai huyện Hóc Môn và Củ Chi phát huy những thành quả đạt được, nỗ lực khắc phục những khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hướng tới mô hình đô thị sinh thái thông minh hiện đại, văn hóa, sáng tạo, nghĩa tình trong tương lai không xa nữa.