Kon Tum liên tiếp xảy ra động đất bất thường, Việt Nam sắp họp khẩn
© Depositphotos.com / Destinacigdemđộng đất
© Depositphotos.com / Destinacigdem
Đăng ký
4 ngày, 15 vụ động đất, vì sao liên tiếp xảy ra động đất ở Kon Tum? Nguyên nhân nào gây ra những vụ động đất quá thường xuyên và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum?
Cơ quan chức năng, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam sắp họp khẩn sau các vụ động đất bất thường ở Kon Tum nhằm tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp kháng chấn.
4 ngày 15 vụ động đất, chuyện gì đang xảy ra ở Kon Tum?
Ngày 18/4, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi bản tin động đất.
Theo đó, vào lúc 14h19'12'' ngày 18/4, một trận động đất có độ lớn 3,6 richte xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.727 độ vĩ Bắc, 108.442 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trước đó gần 2 tiếng, một trận động đất có độ lớn lên đến 4,5 đã xảy ra vào lúc 12h54'22" tại vị trí có tọa độ (14.713 độ vĩ Bắc, 108.468 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Đây là trận động đất xảy ra thứ 4 trong cùng một ngày.
Theo lãnh đạo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, trước đó là các trận động đất xảy ra vào 11h57'44" với độ sâu chấn tiêu 12.1km.
Vào lúc 6h2'03", trận động đất có độ lớn 2.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.864 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.
Lúc 6h13'21" một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.876 độ vĩ Bắc, 108.192 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu “vẫn đang tiếp tục theo dõi” trận động đất này.
Chỉ trong vòng 4 ngày, tại Kon Tum đã xảy ra đến 15 trận động đất. Đây là hiện tượng bất thường, đặc biệt, hiện các trận động đất này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vì sao liên tiếp xảy ra động đất ở Kon Tum?
Nhắc lại việc ngày 17/4, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra năm trận động đất liên tục, với các độ lớn từ 2.7 đến 3.0.
Ngày 16/4, khu vực này cũng xảy ra hai trận động đất. Ngày 15/4, xảy ra sáu trận động đất, cũng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, các chuyên gia lưu ý, tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ.
Một chuyên gia về vật lý địa cầu lưu ý, tần suất xảy ra các trận động đất quá dày như vậy thể hiện rõ sự bất thường. Nếu không nằm ở vùng địa chất có nhiều đứt gãy, không có các yếu tố ngoại sinh thì cần xem xét nguyên nhân dẫn đến các trận động đất này để đánh giá rủi ro trong tương lai.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh lưu ý, động đất là hình thái thiên tai phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và xử lý khi có việc bất thường.
Về an toàn các hồ chứa các hồ đập lớn đã đánh giá trước và sau khi tích nước nhưng động đất kích thích vẫn xảy ra. Do vậy với hệ thống hồ đập nhỏ, cũng cần phải rà soát, đánh giá, nhất là trong bối cảnh biến đổi phức tạp như hiện nay.
Chuyên gia nhấn mạnh, với các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, hiện Viện Vật lý Địa cầu đang có khoảng 30 trạm quan trắc ở các địa phương.
“Đây là những nguồn số liệu để EVN vận hành đảm bảo an toàn hồ thủy điện. Tuy nhiên với các hồ chứa mới đưa vào khai thác vận hành, việc lắp các trạm quan trắc động đất vẫn chưa được chú trọng”, ông Xuân Anh lưu ý.
Liên quan đến tình trạng động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Tum sau khi hồ chứa tích nước, lại xảy ra trên đới đứt gãy từng ghi nhận động đất kích thích. Vì vậy, cần nhanh chóng tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá tại khu vực xảy ra động đất để có những nhận định, khuyến cáo chính xác cho người dân và chính quyền địa phương. Hiện các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ các đứt gãy hoạt động và xác định được nơi nào không có đứt gãy.
“Do đó, việc xác định một địa điểm nào có khả năng xảy ra động đất hay không là khá đơn giản. Thông thường thì nơi không có đứt gãy thì hiếm có khả năng xảy ra động đất”, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu khẳng định.
Ông Anh cho hay, từ năm 2011, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu đã vào cuộc nghiên cứu động đất ở Kon Tum.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi, nghiên cứu để có những đánh giá về hiện tượng này. Khi nào có kết quả chắc chắn, đủ luận cứ khoa học sẽ công bố”, TS. Nguyễn Xuân Anh khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên cán bộ Viện Vật lý Địa cầu cho rằng, động đất liên tiếp ở khu vực này có thể là động đất kích thích, xảy ra khi có sự tác động của hồ chứa thủy điện tích nước lên đới đứt gãy hoạt động trong khu vực.
Khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn.
Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.
Trong đó, tại thủy điện Sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2011, kéo dài đến tận bây giờ với kích động chính lên tới 4,7 độ, từng gây ra nhiều lo ngại và xáo trộn thời gian dài trong đời sống người dân các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.
Do con người gây ra?
Lưu ý hiện tượng động đất là khá phổ biến. PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), cho biết đây là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện.
Ông Phương lý giải trên PLO rằng, khi thủy điện hoạt động thì phải thực hiện tích nước hồ chứa để vận hành phát điện. Nếu lòng hồ nằm trên khu vực có những đứt gãy, là những vết nứt trên vỏ rắn vỏ Trái Đất và vẫn có hoạt động lẻ tẻ thì sẽ gây ra động đất.
“Động đất kích thích không phải tự nhiên gây ra mà do những tác động dồn nén do con người gây ra do hoạt động thủy điện”, ông Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.
Chuyên gia lưu ý, có nhà máy thủy điện tích nước xong sẽ gây ra động đất, cũng có những nhà máy thủy điện tích nước được một thời gian dài khoảng vài năm, đến khi địa chất phía dưới mất sự cân bằng thì mới nổ ra những trận động đất nhỏ lụp bụp.
Chuyên gia của Trung tâm báo tin động đất và sóng thần cho hay, từ xưa đến nay, tất cả những trận động đất kích thích đều không mạnh, không thể gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, con người. Hôm nay mới có một trận động đất lớn nhất với độ lớn 4.5.
“Hiện các nhà khoa học đã chú ý đến hiện tượng này và đang theo dõi, đã có những biện pháp khảo sát, đề phòng”, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nêu rõ.
Trung ương sắp họp khẩn về động đất ở Kon Tum
Được biết, để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, vào sáng mai, 19/4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh nhắc lại, để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Ông Xuân Anh cũng khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng.
Đồng thời, các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định tại Quyết định số 78 ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Ủy ban nhân dân các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.