Tin xấu với bà Nguyễn Phương Hằng
© Ảnh : Personal page of Nguyễn Phương HằngBà Nguyễn Phương Hằng
© Ảnh : Personal page of Nguyễn Phương Hằng
Đăng ký
Bà Nguyễn Phương Hằng – Nguyễn Thị Thanh Tuyền, bà chủ Khu du lịch Đại Nam, vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng tiếp tục bị Công an tỉnh Bình Dương khởi tố để làm rõ hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Lý lịch bất ngờ của bà Nguyễn Phương Hằng được cơ quan điều tra thông tin sau khi xác định bị can này sở hữu hai quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus (Đảo Síp) cũng như từng dính líu đến vụ án của trùm xã hội đen Đỗ Đạt Giang, đàn em thân tín của Năm Cam (Trương Văn Cam).
Công an Bình Dương khởi tố vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng
Bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị Công an Bình Dương khởi tố với tội danh như Công an TP.HCM đã cáo buộc vợ đại gia Dũng ‘lò vôi’.
Ngày 22/4, Công an Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Việc khởi tố có liên quan đến tố giác của một số cá nhân đối với bà Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam.
Quyết định được đưa ra sau quá trình xác minh của cơ quan điều tra đối với đơn tố cáo của 6 cá nhân về việc bà Nguyễn Phương Hằng đăng tải các thông tin không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín của họ. Phần lớn các cá nhân này là các ca sĩ, nhà báo có tiếng tăm tại Việt Nam.
Cụ thể, ngoài ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh, còn có các nhà báo Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, bà và bà Đinh Thị Lan đã làm đơn đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Dương xử lý bà Hằng về các hành vi “Làm nhục người khác, Vu khống và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Công an TP. HCM đã thực hiện lệnh bắt bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra về hành vi tương tự sau khi xác minh đơn tố cáo của ca sĩ Vy Oanh (Nguyễn Thị Mỹ Oanh), như Sputnik đã đề cập.
Về khả năng phối hợp điều tra của Công an Bình Dương và TP.HCM
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vi phạm của những người giúp sức bà Hằng thực hiện các buổi livestream công kích, bôi nhọ, xúc phạm người khác. Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa được công bố.
Trao đổi về khả năng có phối hợp với Công an TP.HCM nhập vụ án để điều tra hay không, Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thông tin trên Tuổi Trẻ, cho biết hiện nay việc điều tra của Công an Bình Dương và Công an TP.HCM là độc lập với nhau.
“Tuy nhiên, sau này có thể gộp vụ án để một nơi xử lý hay không thì cơ quan điều tra sẽ xem xét trong quá trình làm rõ vụ án”, Đại tá Chính nhấn mạnh.
Xoay quanh vụ việc trên, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, công an hai địa phương đang điều tra theo thẩm quyền về những căn cứ phạm tội của bà Hằng đối với cùng một hành vi.
Theo ông Hải bình luận trên VnExpress, có rất nhiều vụ án cũng diễn ra tương tự. Tuỳ theo từng trường hợp, nếu thấy cần thiết, cơ quan điều tra hai địa phương có thể nhập vào cùng một vụ án, sau đó bàn giao cho một nơi tiến hành các biện pháp tố tụng theo pháp luật.
“Ở vụ bà Nguyễn Phương Hằng, tôi thấy rằng Công an TP. HCM và Bình Dương nên thống nhất với nhau để nhập vào cùng một vụ án. Việc này sẽ tránh làm tốn công sức, chi phí của các cơ quan tố tụng và những người liên quan. Hơn nữa, nếu tách vụ án để hai cơ quan cùng xử lý thì bị can sẽ bị 'án chồng án' về cùng một hành vi”, ông Hải nhận định.
Lý lịch không ai ngờ của bà Nguyễn Phương Hằng
Như Sputnik đã thông tin, Công an đã lập lý lịch tư pháp bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng để làm rõ về xuất thân, lai lịch nhân thân của vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng.
Theo đó, bà Nguyễn Phương Hằng từng mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đến năm 2010 đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng.
Đặc biệt, ngoài quốc tịch Việt Nam, bị can này còn có quốc tịch Cộng hòa Cyprus. Điều đáng nói là dù thường hay bóng gió mình là Việt kiều Canada, quốc tịch Canada, nhưng hóa ra, theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, bà Hằng chỉ có thêm quốc tịch của Cộng hòa Cyprus (tức Đảo Síp).
Bà Hằng liên tục tạo drama trên thế giới mạng ở Việt Nam sau vụ việc hồi tháng 3 năm 2021, nữ đại gia này tố cáo với Công an TP. HCM về việc bị “thần y” Võ Hoàng Yên lừa hàng trăm tỷ đồng tiền từ thiện.
Tiếp đó, bà Nguyễn Phương Hằng cũng thường xuyên livestream bày tỏ bức xúc về việc bị lừa đảo tiền từ thiện cũng như tạo liên hoàn các drama “bóc phốt” giới nghệ sĩ, người nổi tiếng ở Việt Nam.
Từ giữa năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng được xác định đã dùng hàng chục tài khoản trên Youtube, Facebook, TikTok thực hiện cả trăm buổi livestream tại địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Đặc biệt, trong đó có nhiều nội dung sai sự thật, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người liên quan, coi thường pháp luật.
Trước khi chính thức bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị Công an TP.HCM 4 lần mời lên làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu chấm dứt hành vi livestream phát ngôn ảnh hưởng đến người khác. Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng có phản ứng tương tự nhưng bà chủ Đại Nam vẫn tiếp tục có hành vi vu khống, xúc phạm nhiều người khác.
Công an cũng cho rằng, bị can Nguyễn Phương Hằng coi thường pháp luật, đã tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự; tổ chức các đoàn người đến nhà riêng của những người mâu thuẫn với mình để công kích, xúc phạm và đều livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Liên quan đến vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng, dư luận tại Việt Nam đặc biệt hoan nghênh, nhất là nỗ lực làm trong sạch môi trường mạng cũng như chấn chỉnh những đối tượng liên tục cho rằng mình có quyền, có tiền, có thể “một tay che cả bầu trời”.
Như Sputnik thông tin, tại Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an nhân dân, Ban cán sự Đảng ủy TAND tối cao và Ban cán sự Đảng ủy VKSND Tối cao diễn ra ngày 31/3 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vi phạm có tính chất thách thức đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước, thách thức dư luận xã hội.
“Ba vụ việc xử lý vừa qua (gồm vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và xét xử Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm “Báo Sạch” – PV), có tác dụng xã hội rất là tốt”, theo ông Võ Văn Thưởng.
Thường trực Ban Bí thư cũng nêu rõ, đây đều là những sai phạm có tính chất thách thức, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội.
“Cách xử lý đó tôi thấy nghiêm minh, kịp thời và chúng ta cũng tính toán, đảm bảo cho những yếu tố để những lĩnh vực khác không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động bình thường”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.