Việt Nam hồi sinh thần kỳ dự án từng khiến ông Đinh La Thăng “rớt đài chính trị”
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu kinh tế Thái Bình
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương, từng được coi là ‘di sản’ thời Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh, sau thời gian dài chậm tiến độ đã tổ chức đóng điện tổ máy phát điện số 1 và chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia.
Bộ Công Thương vừa báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó có việc “kiểm điểm, xử lý trách nhiệm” của hai nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng là các ông Đặng Huy Cường và Phạm Mạnh Thắng.
Nhiệt điện Thái Bình 2 góp phần làm sụp đổ sự nghiệp chính trị của Đinh La Thăng
Như Sputnik thông tin, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án thua lỗ của ngành Công Thương, nổi tiếng từ thời Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Đây cũng là một trong những dự án góp phần làm sụp đổ sự nghiệp chính trị “tưởng chừng lên như diều gặp gió” của một cựu Ủy viên Bộ Chính trị như cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng.
Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng được đánh giá là một trong những dự án khó khăn nhất cả nước, có những thời điểm bế tắc tưởng như dự án đã “chết”, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp lý. Đã xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý bằng pháp luật, kèm theo đó là thời gian dài dự án bị chậm tiến độ và đình trệ (từ năm 2018 đến năm 2021).
Sau thời gian “đóng băng” nhiều năm, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 giờ đây đã hồi sinh mạnh mẽ và chuẩn bị đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.
Kết quả này là một chặng đường dài, nhưng với quyết tâm cao nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam/PVN), cùng sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và UBND tỉnh Thái Bình, đến nay dự án đã sẵn sàng cho các mốc tiến độ mới, hướng tới mục tiêu hoàn thành và phát điện.
Khởi động từ năm 2011, Nhiệt điện Thái Bình 2, tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, có quy mô công suất (1.200 MW) thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, khi đi vào vận hành, dự án này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách của Thái Bình. Đây cũng là mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.
Sớm vận hành dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Sáng ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Sputnik cũng đã thường xuyên cập nhật, Chính phủ Việt Nam, từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc đến hiện tại dưới sự điều hành của ông Phạm Minh Chính, đã rất ưu tiên giải quyết những vướng mắc ở dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Với mục tiêu vừa không để thất thoát tài sản Nhà nước, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều kết luận, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để PVN sớm hoàn thành và đưa dự án vào vận hành.
Đặc biệt, kể từ sau khi nhậm chức, tiếp nối công việc của nhiệm kỳ trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc, chỉ đạo, xem xét giải quyết những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài với mục tiêu sớm hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa dự án vào khai thác, sử dụng vận hành. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ này.
Tính tới đầu tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tổ công tác của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các bộ, ngành và tỉnh Thái Bình, đặc biệt là tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp trên công trường đã quyết liệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công việc được giao.
Báo cáo của Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng thừa nhận những khó khăn chưa từng có tiền lệ của dự án này. Theo đó, dự án từng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cả các vấn đề về pháp luật, mặc dù đã được giải ngân trên 35.000 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua không có tiến triển, gần như dừng thi công từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đã tạo động lực và áp lực cho các cơ quan có niềm tin, nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước khôi phục dự án.
Tiến độ thực tế của dự án tại thời điểm hiện tại đã đạt hơn 93%; giải ngân đạt 84,91% (12.776 tỷ đồng và 1.041,77 triệu USD tương đương 35.491 tỷ đồng/41.799 tỷ đồng tổng mức đầu tư). Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện nay, khối lượng công việc còn lại của dự án là tập trung cho công tác chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than.
Ngày 23/2/2022, dự án đã hoàn thành mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1. Nhà máy đã thử nghiệm đóng điện ngược bằng chạy dầu vào ngày 6/5 và dự kiến đốt than lần đầu vào ngày 16/6. Ngày 8/5 hoặc 9/5, dự án sẽ hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang phấn đấu đến 30/11/2022 sẽ vận hành thương mại Tổ máy số 1 của Nhà máy và vận hành thương mại toàn bộ Nhà máy vào 31/12/2022. Tuy vậy, theo lãnh đạo PVN, phía trước còn rất nhiều khó khăn, các mốc tiến độ tiếp theo của dự án sẽ là thách thức rất lớn đối với chủ đầu tư, tổng thầu, như thiết bị đã được lắp đặt và không sử dụng trong thời gian dài, mặc dù đã được các bên nỗ lực bảo quản nhưng trước khi chạy thử cần phải kiểm tra, bảo dưỡng, đặc biệt trong trường hợp phải thay thế mới.
Theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, PVN (chủ đầu tư dự án), các nhà thầu và các lực lượng trên công trường cam kết sẽ quyết tâm, nỗ lực cao nhất để hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Không dùng thêm tiền ngân sách cho Nhiệt điện Thái Bình 2
Phát biểu khi thăm và làm việc tại nhà máy ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc nghiên cứu, đầu tư Trung tâm Nhiệt điện tại Thái Bình cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thái Bình nói riêng, địa phương đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến, trong đó có bảo đảm an ninh lương thực và tiếp tục phát triển nông nghiệp sau chiến tranh.
“Đây là việc đã được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt. Sau 11 năm, chúng ta đã cơ bản hoàn thành dự án”, cổng thông tin Chính phủ dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.
Theo Thủ tướng, tại cuộc họp cách đây 7 tháng, PVN đã đề nghị bố trí thêm nguồn vốn Nhà nước để hoàn thành dự án. Thường trực Chính phủ và các cơ quan đã nêu rõ quyết tâm khắc phục các khó khăn, hoàn thành dự án.
Trong tình hình khó khăn, Thường trực Chính phủ và các cơ quan quyết định không sử dụng kinh phí Nhà nước mà cơ cấu lại nguồn vốn 41.799 tỷ đồng của dự án.
Đồng thời đánh giá sát tình hình để tổ chức lại công việc, bố trí lại nhân sự, các bộ, ngành vào cuộc và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo.
Chỉ qua 7 tháng, công việc đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Thủ tướng đánh giá cao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các đơn vị liên quan, nhà thầu, cán bộ, người lao động trên công trường đã làm việc ngày đêm, lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức công việc và cơ cấu lại nguồn vốn, khắc phục các hạn chế, yếu kém, bất cập.
6 bài học
Thủ tướng Việt Nam cũng đã đúc kết một số bài học rút ra từ dự án.
Theo đó, trước hết, phải nắm chắc tình hình thực tế, đánh giá đúng thực trạng công việc để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Đồng thời, phải triển khai công việc quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, thống nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của PVN đã quyết tâm cơ cấu lại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn, trên cơ sở chia sẻ khó khăn với Nhà nước, với nhân dân.
Bài học khác, theo Thủ tướng, là về công tác nhân sự, khi việc thay đổi nhân sự Ban Quản lý dự án và nhà thầu một cách phù hợp tình hình đã tạo ra những chuyển biến trong công việc
Cùng với đó là những bài học về huy động được sự tham gia hăng say với quyết tâm cao của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; sự phối hợp của các bộ, các ngành, sự vào cuộc của địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan như Tập đoàn Than-Khoáng sản.
Xử lý các dự án chậm tiến độ khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng đến cuối năm 2022 dòng điện thương mại đầu tiên của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy tối đa những công việc đã làm, những thành quả đã đạt được, các bài học kinh nghiệm.
“Nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, tiếp tục tổ chức thực hiện công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể, cố gắng hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước, phòng chống tham nhũng tiêu cực”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tới môi trường; quan tâm chăm lo đời sống người dân trong vùng, nhất là những người đã nhường mặt bằng cho dự án.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu điện của nền kinh tế rất lớn, việc đưa nhà máy vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế.
Do đó, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các công việc để dự án sớm đi vào hoạt động, sớm hòa lưới điện quốc gia, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thái Bình và của cả nước.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, áp dụng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với dự án Nhiệt điện Long Phú 1 tại Sóc Trăng và một số dự án khác đang chậm tiến độ.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu kinh tế Thái Bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu kinh tế Thái Bình
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Ngoài việc thăm dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, cùng ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ dự Lễ khánh thành, dâng hương và trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình, dự Lễ khởi công xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình.
Bộ Công Thương nói gì về việc xử lý cán bộ liên quan Nhiệt điện Thái Bình 2?
Vừa qua, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trong đó, đặc biệt tập trung vào nội dung mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương thực hiện đó là tổ chức “kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật” đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có những vi phạm, khuyết điểm. Cụ thể ở đây là liên quan đến trách nhiệm của 2 nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng là các ông Đặng Huy Cường và Phạm Mạnh Thắng.
Đối với vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, ông Đặng Huy Cường hiện đã chuyển công tác. Được biết ông Cường đã sang làm ủy viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN).
Bộ Công thương thông tin rằng, ông Đặng Huy Cường đã kiểm điểm trước chi bộ, với cương vị là Tổng Cục trưởng, đã chỉ đạo các đơn vị trong tổng cục triển khai công việc có trách nhiệm, đúng chức trách được giao.
Ông Đặng Huy Cường cũng đã thực hiện công tác quản lý, tham mưu, khi giải quyết công việc trình lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng là tuân thủ quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương.
“Do đó, chi bộ thống nhất không xem xét kỷ luật với ông Cường”, Bộ Công Thương nói.
Về trường hợp của ông Phạm Mạnh Thắng, Bộ này cho hay, ông Thắng hiện đã nghỉ hưu. Bộ Công thương bổ sung thêm, theo báo cáo của Đảng ủy Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng được giải thể, chia tách thành một số vụ, cục, trong đó có Cục Điện lực và năng lượng tái tạo), ông Thắng do điều kiện sức khỏe yếu nên không có bản kiểm điểm, không đến dự họp kiểm điểm.
Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, không tiếp tục xử lý trách nhiệm đối với trường hợp ông Phạm Mạnh Thắng. Bộ nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết quả thực hiện kiểm điểm và xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến một số nội dung tại kết luận thanh tra.
Riêng kiểm điểm, xem xét trách nhiệm về mặt chính quyền, căn cứ kết quả kiểm điểm về Đảng như trên, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ đánh giá xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Bộ Công Thương nêu rõ, vụ Tổ chức cán bộ đang tiếp tục tổng hợp kết quả, báo cáo lãnh đạo Bộ, các đơn vị chức năng liên quan đánh giá, kết luận về công tác kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.