Hoàn Cầu ngụ ý Việt Nam “chưa đủ tầm” thay thế Trung Quốc làm công xưởng số 1 thế giới?

© AFP 2023 / Nhac NguyenContainer
Container - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.05.2022
Đăng ký
Trung Quốc có nên lo lắng về việc bị nhiều công ty đa quốc gia rời bỏ, mất đơn hàng sản xuất hay vị thế công xưởng số 1 của thế giới vào tay Việt Nam?
Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc phân tích lý do vì sao Việt Nam chưa thể thay thế Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trở thành công xưởng sản xuất lớn nhất toàn cầu.

Đúng, Việt Nam là bên chiến thắng

Khi biến chủng Omicron bùng phát tại các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, bao gồm Quảng Đông và Thượng Hải, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, các số liệu kinh tế quý 1 của Việt Nam lại cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn trong bối cảnh đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý 1 năm 2022, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua Trung Quốc với mức tăng 4,8%.
Kim ngạch thương mại với nước ngoài của Việt Nam cũng đã tăng lên 176,35 tỷ USD trong quý 1, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 10,7%.
Nếu những con số trên vẫn chưa đủ nói lên điều gì, thì việc gần đây báo chí Việt Nam đưa tin nhà tài phiệt Lý Gia Thành đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam sau khi rút khỏi Vương quốc Anh chắc chắn đã gây chấn động đối với giới quan sát thị trường Trung Quốc.
Khi Đông Nam Á nới lỏng các biện pháp hạn chế về dịch bệnh và Trung Quốc tiếp tục vật lộn với làn sóng bùng phát biến chủng Omicron ở các thành phố lớn của mình, một vấn đề đặt ra là liệu các đơn hàng có tiếp tục rời bỏ Trung Quốc hay không và liệu Trung Quốc có cảm nhận được cuộc khủng hoảng toàn cầu này hay không khi ngành sản xuất đang giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chuyển sang các nước như Việt Nam.
Vậy, Trung Quốc có cần lo lắng vì Việt Nam?

Việt Nam chưa thể thay thế Trung Quốc?

Như đã biết, Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa vào năm 1978.
Việt Nam tiếp bước ngay sau đó và bắt đầu cải cách thị trường với chương trình "Đổi mới" vào năm 1986.
Trong những thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của cả hai nước đều rất đáng chú ý.
Tuy vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào năm 2018 đã thúc đẩy làn sóng chuyển giao chuỗi công nghiệp lần thứ tư, trong đó các nước như Việt Nam và Mexico đang nổi lên như những bên chiến thắng trong các tranh chấp thương mại.
Thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt. - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.04.2022
Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ
Thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng đáng kể kể từ năm 2018. Dữ liệu mới nhất cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng lên 81 tỷ USD vào năm 2021 từ 63 tỷ USD vào năm 2020, đạt mức cao nhất mọi thời đại, theo Reuters.
“Từ góc độ kinh tế và dân số, Việt Nam khó có thể tiếp nhận một lượng lớn trong chuỗi sản xuất từ ​​Trung Quốc”, Global Times lưu ý.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lực lượng lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% quy mô của Trung Quốc.
“Điều này có nghĩa là ngay cả khi thành công trong việc thu hút sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử và dệt may, Việt Nam cũng không thể thay thế được nền sản xuất tổng thể của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.
Theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và năng lực sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng chống chọi với các cú sốc toàn cầu trong vài năm qua và các quốc gia có tỷ trọng sản xuất toàn cầu là không thể thay đổi, ít nhất là trong ngắn hạn.
“Đúng là Việt Nam đã đảm nhận khâu lắp ráp cuối cùng của một số sản phẩm điện tử nhưng mức độ sản xuất chung của Trung Quốc vẫn luôn ở mức cao”, tờ báo tự hào nói.
Ví dụ, từ năm 2019 đến năm 2021, Apple đã giảm số lượng địa điểm sản xuất của mình ở Trung Quốc đại lục từ 48% xuống 42%, phần lớn trong số đó là sự chuyển dịch những công việc cần nhiều lao động sang Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Global Times, Apple cũng đã bổ sung thêm 14 nhà cung cấp mới ở Trung Quốc, nhiều nhà cung cấp trong số đó là các nhà sản xuất có giá trị cao và giàu kiến ​​thức chuyên về các bộ phận quang học, cảm biến và kết nối, theo Maritime Executive.

Việt Nam đang ở thế phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc

Ngoài ra, cơ cấu thương mại Trung - Việt cũng thể hiện sự bổ sung hơn là cạnh tranh.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tập trung vào trái cây, thủy sản, dệt may và điện tử, trong khi nước này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu và thiết bị cho ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Trên thực tế, Trung Quốc là nhà cung cấp trung gian lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần ba tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm trung gian của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, theo số liệu từ OECD.
Sự phối hợp của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng lên trong những năm qua với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào đầu vào của Trung Quốc để sản xuất, theo một báo cáo từ Carnegie Endowment for International Peace.
Lợi thế khác của Trung Quốc là tầng lớp trung lưu đông đảo và thị trường nội địa khổng lồ.
Phân tích của McKinsey trước đây ước tính rằng, tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thể đạt 550 triệu người vào năm 2022, gấp rưỡi toàn bộ dân số Hoa Kỳ, theo CNBC.
Các công ty muốn khai thác thị trường khổng lồ Trung Quốc đương nhiên sẽ muốn chuyển hoạt động sản xuất đến gần hơn với khách hàng của họ.
Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận ra khó khăn mà ngành sản xuất Trung Quốc đang gặp phải.
"Năm nay, do các yếu tố trong và ngoài nước, tăng trưởng xuất nhập khẩu thấp hơn nhiều so với các năm trước và chịu áp lực rất lớn. Chúng ta phải tìm cách giữ đơn hàng và ổn định ngoại thương", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại cuộc họp Quốc vụ viện hôm mùng 5/5.
Ông Lý Khắc Cường cũng cam kết sẽ đảm bảo sự ổn định trong sản xuất và lưu thông ngoại thương, vạch ra danh sách các doanh nghiệp nước ngoài chủ chốt và hỗ trợ sản xuất, hậu cần cũng như việc làm của họ.
“Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là điểm đến cho mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng khả năng làm thâm hụt thị phần sản xuất của Trung Quốc thì vẫn còn hạn chế”, Thời báo Hoàn cầu nhận định.

Thành công của Samsung ở Việt Nam cho thấy điều gì?

Việt Nam từng bị đánh giá thấp nhiều năm trước, tuy nhiên, đến nay, câu chuyện đã khác.
Hãy nhìn vào thành công của Samsung. 8 năm trước, Việt Nam từng không sản xuất nổi linh kiện đơn giản nhất của hãng điện thoại Hàn Quốc, tuy nhiên, đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành công xưởng sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung với hơn 60% số smartphone mà Samsung bán ra toàn cầu là hàng “made in Vietnam”.
Như Sputnik đã thông tin, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, năm 2014, Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó.
Samsung Galaxy Z Flip - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.04.2022
60% điện thoại Samsung bán ra toàn thế giới “made in Vietnam”
Cũng chỉ trong một thời ngắn sau đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đến nay cũng đã có 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung.
Ở đây, cũng cần nhắc về việc đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài của Samsung.
Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam có tổng cộng 33 nhà cung cấp thì đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam (chiếm 15,15%).
Khảo sát của Qima với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 3/2021 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, có 25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021, riêng với doanh nghiệp ở Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43%. Theo lãnh đạo JICA, hơn nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn ở Việt Nam tiếp tục tin tưởng, đầu tư làm ăn lâu dài ở đất nước đang phát triển mạnh mẽ này. Với Samsung, hãng nhiều lần khẳng định không thay đổi chiến lược ở Việt Nam.
Việt Nam đã thu hút gần 31,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020, với các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc bất chấp đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực, mang lại lợi thế thương mại cho Việt Nam và kích thích đầu tư, bao gồm cả FDI rót vào Việt Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала