“Bẫy người” - Việt Nam đã giải cứu bao nhiêu công dân thoát cảnh ‘nô lệ’ ở Campuchia?

© Ảnh : Tiền Phong.Anh V. (áo đỏ) là một trong số nạn nhân ở Gia Lai bị lừa sang Campuchia.
Anh V. (áo đỏ) là một trong số nạn nhân ở Gia Lai bị lừa sang Campuchia.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.06.2022
Đăng ký
Với những lời dụ dỗ ngon ngọt “việc nhẹ lương cao” phát đi trên mạng xã hội, rất nhiều công dân Việt Nam rơi vào “bẫy người” lừa sang Campuchia, bị đòi tiền chuộc và phải ở lại cho đến khi có “thế nhân” từ Việt Nam.
Theo Công an, hành vi lừa đảo buôn người hết sức tinh vi. Chỉ khi sang đến nước bạn, nạn nhân mới thực sự vỡ lẽ. Họ bị biến thành “nô lệ”, bị bóc lột bằng đủ mọi cách, bị đối xử thậm tệ nhưng không biết cầu cứu ai. Họ bị bán cho các chủ lao động nước ngoài.

Bao nhiêu người được “giải cứu” từ Campuchia?

Bộ Ngoại giao ngày 26/6 thông tin cho biết từ đầu năm đến nay đã cùng phối hợp với các tổ chức, các cơ quan hữu quan của cả Việt Nam và Campuchia để đưa được khoảng 400 công dân về nước an toàn.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong thông cáo báo chí, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia phối hợp với cơ quan chức năng sở tại, cộng đồng người Việt Nam tại địa bàn tìm hiểu, xác minh thông tin.
“Bộ Ngoại giao cũng tích cực triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh ngày 26/6 khi trả lời câu hỏi của Zing về những động thái cần thiết từ phía Việt Nam để khắc phục tình trạng người Việt gần đây bị lôi kéo sang Campuchia làm việc nhưng không thể về nước.
Như Sputnik thông tin, những ngày qua, truyền thông trong nước phản ánh tình trạng một số đối tượng dụ dỗ người Việt qua mạng xã hội nhằm lôi kéo nạn nhân sang lao động tại Campuchia với mức lương lên tới cả nghìn USD/tháng.
“Mật ngọt chết ruồi”, rất nhiều nạn nhân là công dân Việt Nam đã rơi vào “bẫy người”. Nhiều người tiền mất tật mang, bị lừa bán qua biên giới, thậm chí còn phải chịu đựng sự hành hạ, đánh đập thương tâm vì sập bẫy “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia.
Bắt cóc - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.06.2022
Khởi tố, bắt tạm giam thêm một đối tượng 'buôn người'
Thay vì được sắp xếp việc làm như đã hứa, khi rời Việt Nam sang tới Campuchia, nạn nhân được giao công việc giả danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Đặc biệt, những người đã bị lừa sang Campuchia cũng bị cấm cản và bị dùng các biện pháp ngăn chặn không cho về Việt Nam.

Chống di cư trái phép

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, chính phủ Việt Nam luôn chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập, nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ cho người lao động.
“Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lừa đảo, di cư trái phép, đưa người di cư trái phép”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam thường có hoạt động nâng cao nhận thức người dân và ngăn chặn tình trạng công dân bị lừa đảo, môi giới lao động đi nước ngoài bất hợp pháp, đặc biệt tại các khu vực giáp biên, vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam thường xuyên trao đổi với nhà chức trách sở tại cùng các công ty sử dụng lao động, giữ liên lạc với cộng đồng người Việt ở sở tại để tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Việt Nam quan tâm đến nạn buôn người

Trước đó, như Sputnik đăng tải, em Nguyễn Thị Thu Ngọc (sinh năm 2006, quê Phú Yên) bị mất liên lạc khi vào TP.HCM tìm việc và sau đó bị đưa vượt biên sang Campuchia, hiện đã được đưa trở về nhà an toàn sau thời gian nhờ cơ quan chức năng hai nước cùng vào cuộc tìm kiếm.
Gia đình và nạn nhân Thu Ngọc cho biết, ngày 5/6, khi từ thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vào đến TP Hồ Chí Minh tìm việc, Ngọc được một phụ nữ đến đón tại bến xe ở số 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) rồi chở về một căn nhà, nơi có khoảng 5 người con gái khác cũng giống như Ngọc.
Hôm sau, có 3 người chở Ngọc cùng các cô gái còn lại lên Tây Ninh rồi băng qua một cánh đồng lúa để vượt biên trái phép vào Campuchia. Khi đến bên kia biên giới, cả nhóm bị nhốt vào một phòng riêng, có người canh gác ngày đêm. Trong khoảng thời gian này, Ngọc có gọi điện về gia đình. Gia đình Ngọc cũng thông tin rằng họ nhận được một số cuộc điện thoại yêu cầu đòi tiền chuộc 70 triệu đồng để nhận lại con gái.
Theo ông Nguyễn Văn Hương (sinh 1969, quê Phú Yên), cha ruột của Ngọc, thời điểm Ngọc gọi điện về gia đình có người giám sát ở bên cạnh. Ngọc cho biết là phải nói theo những gì nhóm người canh gác đã hướng dẫn trước đó, nếu không sẽ bị đánh đập, bỏ đói.
Sau khi báo sự việc cho Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an các địa phương đã vào cuộc điều tra.
Cục Cảnh sát hình sự đã tìm thấy Ngọc vào ngày 18/6 ở Campuchia và sau đó dẫn qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi đưa về TP Hồ Chí Minh bàn giao cho gia đình lúc 16h30 cùng ngày.
Cha em Ngọc nhấn mạnh, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí và Công an Việt Nam nên cháu Ngọc mới được thả ra và được Công an Việt Nam qua bên Campuchia tìm thấy đưa về.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nhiều người khác đã bị dụ dỗ, lừa dính vào cái “bẫy” việc nhẹ lương cao, bị lừa bán qua Campuchia làm việc đã không may mắn được giải cứu kịp thời như thế.
Theo Công an tỉnh Tây Ninh cho biết từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức. Nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc.
Nạn nhân của nạn buôn bán người đoàn tụ với gia đình - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.07.2021
Vén màn sự thật về nạn buôn bán người tại Việt Nam
Đối với vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm.
“Hiện nay các nhóm tội phạm buôn bán người thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, dụ dỗ người dân rơi vào cạm bẫy mua bán người”, Thượng tá Hà nói.

Nguy cơ bị biến thành nô lệ

Lợi dụng tình trạng người lao động đang cần tìm kiếm việc làm, nhất là lao động ở các vùng nông thôn hoặc những lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn, các đối tượng lừa đảo đưa ra những lời dụ dỗ về mức lương “khủng”, kèm theo chế độ đãi ngộ hấp dẫn đã khiến hàng trăm người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.
Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều cách để đưa họ vượt biên sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch hoặc nhập cảnh trái phép. Nhiều kẻ lừa đảo còn sẵn sàng ứng tiền công trước để dụ dỗ người lao động.
“Chỉ khi sang đến nước bạn, họ mới thực sự vỡ lẽ. Họ bị biến thành “nô lệ”, bị bóc lột bằng đủ mọi cách, bị đối xử thậm tệ nhưng không biết cầu cứu ai. Họ bị bán cho các chủ lao động nước ngoài”, Thượng tá Hà nhấn mạnh.
Các nạn nhân bị đưa vào các khu sòng bạc hay khách sạn làm những công việc dọn dẹp với tiền lương ít ỏi nhưng lại bị trừ rất nhiều khoản chi phí. Tại các sòng bạc, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Họ bị áp đặt doanh thu, nếu không đủ sẽ phải đóng tiền phạt; thậm chí còn bị giam lỏng nên không thể nào bỏ trốn. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam có thể bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn USD mới được thả…
Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm bắt tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp điều tra khi xảy ra vụ việc.

“Nạn nhân, người nhà của nạn nhân có thể liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo sự việc; gọi tổng đài quốc gia 111, đường dây nóng 18001567 để được hỗ trợ, giúp đỡ”, Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала