TotalEnergies Pháp nhìn rõ ‘cơn khát’ năng lượng mặt trời ở Việt Nam
© AP Photo / Jacques BrinonTập đoàn Năng lượng dầu khí TotalEnergies (Pháp)
© AP Photo / Jacques Brinon
Đăng ký
Tập đoàn Năng lượng dầu khí TotalEnergies (Pháp) sẽ đầu tư và vận hành hơn 280.000 mét vuông tấm pin năng lượng mặt trời cho Công ty KCN Việt Nam giúp cắt giảm hơn 23.000 tấn khí thải carbon dioxide (CO2) mỗi năm.
TotalEnergies sẽ lắp đặt lượng khổng lồ pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam với thỏa thuận mới đạt được ký kết với nhà phát triển bất động sản Khu công nghiệp Việt Nam.
Thỏa thuận của Total Pháp với KCN Việt Nam
Ngày 9/8, Nikkei Asia đưa tin cho biết, Tập đoàn Năng lượng dầu khí Pháp Total Energies xác nhận việc ký kết thỏa thuận với nhà phát triển bất động sản Khu công nghiệp Việt Nam (công ty KCN Việt Nam) về việc cung cấp điện mặt trời do lĩnh vực sản xuất và nhiên liệu hóa thạch của quốc gia Đông Nam Á này.
Nikkei nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện đang khát năng lượng sạch và đang phải đối mặt với áp lực chuyển đổi năng lượng “giảm than, tăng điện gió, điện mặt trời”.
Theo thỏa thuận, TotalEnergies sẽ lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời áp mái trên tất cả dự án của KCN Việt Nam trên toàn quốc.
Thỏa thuận giữa TotalEnergies và Công ty KCN Việt Nam sẽ tạo ra 51 GWh điện mỗi năm khi các công ty tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.
Cắt giảm hơn 23.000 tấn khí thải carbon
Theo thỏa thuận đạt được, TotalEnergies là đơn vị độc quyền khai thác diện tích mái của tất cả các dự án trực thuộc KCN Việt Nam để phát triển hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Công ty năng lượng của Pháp cũng sẽ cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho khách hàng của KCN Việt Nam.
Đánh giá trên quy mô hiện tại và các dự án trong danh mục đầu tư tiềm năng của KCN Việt Nam, theo Nikkei, tổng diện tích mái khoảng 610.000 m2 và tổng diện tích pin năng lượng mặt trời có thể lắp đặt lên đến 280.000 m2 chủ yếu tại các khu nhà xưởng, nhà kho của KCN Việt Nam ở Đồng Nai.
“Nếu khai thác hết công suất, tổng điện năng tối đa lên đến 45 MWp. Sản lượng hàng năm là 51 GWH, lượng điện này tương đương với việc cắt giảm khoảng 23.390 tấn khí thải CO2”, Nikkei nhấn mạnh.
TotalEnergies sẽ độc quyền khai thác và vận hành cơ sở hạ tầng có tuổi thọ hơn 20 năm này tại các dự án của KCN Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch năng lượng
Cũng theo báo Nhật, phía lãnh đạo KCN Việt Nam cho biết trong một thông cáo ngày 9/8 nhưng không đưa ra mức giá cụ thể cho thỏa thuận đáng chú ý với TotalEnergies của Pháp.
“Động thái này diễn ra trong bối cảnh các công ty dầu khí đang chuẩn bị cho một tương lai khi doanh nghiệp của họ được cho là đã lỗi thời, từ việc tập đoàn dầu khí khổng lồ Eneos lên kế hoạch mua Năng lượng tái tạo của Nhật Bản đến việc BP thành lập liên doanh gió ở Mỹ”, Nikkei lưu ý.
Riêng tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tư hãng sản xuất đồ chơi Đan Mạch Lego đến thương hiệu thể thao Thụy Sĩ Mammut hay cả các nhà cung cấp của Apple đều tuyên bố sử dụng năng lượng thay thế trong các nhà máy mà họ cung cấp. Thực tế này mở ra tiềm năng đầu tư năng lượng sạch rất lớn tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, các nhà sản xuất có mục tiêu toàn cầu là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, những mục tiêu sẽ khó đạt được nếu không có Việt Nam, bởi vì quốc gia này đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, do hệ thống lưới điện cũ phụ thuộc vào than, khí đốt tự nhiên và thủy điện, nguồn cung năng lượng gió và mặt trời không thể theo kịp nhu cầu, và chính phủ chưa chấp thuận cho các công ty mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất tư nhân, do đó, chặng đường tới sẽ còn tương đối dài.
Quyết tâm hiện thực hóa
Thỏa thuận đạt được giữa Công ty KCN Việt Nam với Tập đoàn Năng lượng dầu khí Total của Pháp tiếp tục mở ra điểm sáng mới cho ngành năng lượng tái tạo trong khu vực cũng như ở Việt Nam.
Nhất là đặt trong bối cảnh, Việt Nam đang có chiến lược cụ thể cắt giảm khí nhà kính với cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này như tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 năm ngoái ở Anh.
Theo chia sẻ của bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành KCN Việt Nam, chuyển đổi năng lượng là xu hướng tất yếu, một hành trình dài, nhưng doanh nghiệp tin tưởng vào quyết định đúng đắn này.
“Chúng tôi đã và đang tìm kiếm một đối tác đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm để giúp cung cấp năng lượng sạch cho doanh nghiệp và khách hàng thuê”, bà Trân nói – “đây là một hành trình dài, nhưng cuối cùng chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ và đạt thỏa thuận với TotalEnergies”.
Theo Nikkei, vào tháng trước, lãnh đạo KCN Việt Nam cũng đã giới thiệu các sáng kiến xanh khác của nhà phát triển bất động sản này, bao gồm các tòa nhà được chứng nhận LEED.
LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là chứng nhận dành cho các tòa nhà hiệu quả, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
“Chúng tôi không cho rằng, mọi người cứ nói mãi về “bền vững” chỉ vì mục đích tiếp thị. Bạn phải hành động và hiện thực hóa điều đó. Quyết định khi nào là thời điểm thích hợp, khi nào nên “bóp cò” bắt tay làm thực sự là một điểm mấu chốt”, bà Trân nói khi chia sẻ về thỏa thuận với ông lớn năng lượng Pháp TotalEnergies.
Chiến lược nghiêm túc
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đối khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Thực tế, Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng làm Phó ban, thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan.
Thủ tướng Việt Nam cũng đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo đó, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, khu đô thị, thu hút các dự án đầu tư thân thiện môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải…
Việt Nam cũng nhiều lần tuyên bố không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường.