Các sòng bài trái phép ở Campuchia xây kín cổng cao tường, rất khó tiếp cận nạn nhân
11:03 22.09.2022 (Đã cập nhật: 12:12 22.09.2022)
© Ảnh : Phạm Thanh Tân - TTXVNTây Ninh kịp thời ngăn chặn 3 thanh niên chuẩn bị sang Campuchia để tìm 'việc nhẹ lương cao'
© Ảnh : Phạm Thanh Tân - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, tình hình lao động nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, làm việc trái phép tại Campuchia đang là vấn đề nhức nhối. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại giải cứu lao động bị lừa sang làm việc trái phép ở Campuchia.
Chia sẻ với Tuổi trẻ, Đại sứ cho biết tại Campuchia, hệ thống các cơ sở game online, sòng bài của người Hoa ở rất nhiều nơi. Gần như tỉnh nào giáp biên giới với Việt Nam cũng có những điểm chơi game online hoặc đánh bạc. Vì vậy, những đối tượng này rất dễ lôi kéo lao động Việt Nam.
Lao động Việt "dễ dụ"
Một số cò mồi thường đưa lên mạng chiêu trò sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", chỉ cần biết đánh máy vi tính có thể có việc làm lương từ 700 đến 1.000 USD, thậm chí trên 1.000 USD.
Trước các chiêu trò đó, do thiếu nguồn thông tin, nhẹ dạ, cả tin, người lao động Việt dễ bị dụ dỗ. Nạn nhân thường bị đưa đến vùng xa, ở cơ sở trọ tạm rồi tìm cách đưa sang biên giới bất hợp pháp.
Khi sang đến nơi, họ bị cưỡng bức lao động vất vả, nặng nhọc. Lương thì không được như hứa hẹn. Thậm chí nếu làm việc không chăm chỉ còn bị đánh đập, hành hung.
Nếu trường hợp nào muốn ra khỏi đó thì họ buộc phải đưa tiền chuộc mới thả người. Có trường hợp mất 60 - 70 triệu đồng cũng không nhận được người. Có trường hợp chuyển tiền xong thì mất hút.
Trao đổi với Zing, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết đến nay toàn bộ số công dân (tháo chạy khỏi casino) đã được bố trí chỗ ở trong nhà nghỉ của tỉnh Sihanouk. Phía Campuchia cũng chăm lo cho công dân Việt Nam một cách chu đáo.
Hiện cảnh sát địa phương vẫn đang tiến hành lấy lời khai. Đại sứ quán Việt Nam đã đề nghị phía Campuchia đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao công dân cho Việt Nam.
Quá trình tìm kiếm tốn rất nhiều thời gian
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhận được rất nhiều công văn đề nghị từ các Sở Ngoại vụ trong nước về việc hỗ trợ giải cứu công dân, cũng như đơn yêu cầu và thư kêu cứu từ người thân của nạn nhân.
Cụ thể, với những trường hợp có thông tin chính xác, Việt Nam đã đề nghị cảnh sát Campuchia hỗ trợ giải cứu. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay đã có gần 500 công dân của chúng ta được giải cứu khỏi các cơ sở lao động bất hợp pháp. Những tháng gần đây, số người được giải cứu còn nhiều hơn.
Với một số trường hợp không thể xác định rõ nạn nhân đang ở đâu. Các cơ quan chức năng phải tìm hiểu xem nạn nhân ở khu vực nào, khoanh vùng các địa điểm, sau đó nhờ cảnh sát địa phương truy tìm đầu mối.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng gặp nhiều trở ngại trong việc hỗ trợ giải cứu công dân.
“Khó khăn lớn nhất là các địa điểm đó đều được xây kín cổng cao tường. Việc ra vào những nơi này là vô cùng khó. Ngay cả cảnh sát sở tại muốn vào các điểm này đều phải có lý do chính đáng, thông tin chính xác. Bởi không thể tùy tiện mà vào khám xét chỗ làm ăn của họ”, Đại sứ nói.
Cần có giải pháp đồng bộ
Về các giải pháp đồng bộ để đối phó với tình trạng buôn người cần có sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, từ việc kiểm soát biên giới cho đến giáo dục người dân không tin vào chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ lương cao".
“Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề hiệu quả, cần thiết có sự phối hợp chung giữa các quốc gia, thậm chí cần thiết có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để các quốc gia cương quyết hơn trong đấu tranh, chấm dứt tình trạng buôn người. Đồng thời, các quốc gia có người lao động lâu nay bị bán phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát công dân, không để người lao động đi các nước bất hợp pháp như thời gian qua”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nói.