Việt Nam lội ngược dòng đảo chiều xu hướng lao dốc ở châu Á
22:21 04.10.2022 (Đã cập nhật: 23:11 04.10.2022)
© Ảnh : Trần Lê Lâm - TTXVNSông Hàn lung linh về đêm tạo điểm nhấn cho thành phố Đà Nẵng.
© Ảnh : Trần Lê Lâm - TTXVN
Đăng ký
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), nếu không có gì bất ổn, GDP Việt Nam 2022 sẽ tăng trưởng từ 7,5-8,5%. IMF vừa qua tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam đang đi ngược xu hướng giảm tốc ở châu Á.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự báo kịch bản tăng trưởng GDP khá khó khăn, nhất là trong quý 4/2022, khi bối cảnh diễn biến trên thế giới phức tạp, bất định nên ‘dự báo không thể chính xác, dự báo càng dài hạn càng khó hơn’.
GDP Việt Nam sẽ tăng 7,5-8,5%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, GDP Việt Nam 2022 sẽ tăng trưởng từ 7,5-8,5%.
Theo đó, nếu tăng trưởng thấp do gặp nhiều khó khăn thì trong năm 2022, tăng trưởng GDP có thể khoảng 7,5%.
“Còn nếu trong bối cảnh mọi thứ diễn biến như hiện nay, không có đột biến bất lợi với nền kinh tế nước ta từ bên ngoài thì dự báo GDP tăng trưởng khoảng 8%- 8,5%”, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh sẽ vẫn căng thẳng, thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn.
Trong đó, vấn đề lạm phát và tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 vô cùng khó đoán định, do lạm phát toàn cầu và các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế của đối tác quan trọng của nước ta đều trong trạng thái khó có thể kết thúc trong một, hai tháng tới và có thể kéo dài thêm sang năm sau.
“Chúng ta nếu có những chính sách kiểm soát tốt thì tăng trưởng ổn định, nếu không kiểm soát tốt thì rất khó dự báo rất khó khăn”, theo đại diện Bộ KH&ĐT.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng lưu ý, các chuyên gia cho rằng, nếu các nước kiểm soát lạm phát cao với cường độ mạnh của các nền kinh tế lớn thì dễ dẫn tới sự suy thoái. Để khắc phục tình trạng lạm phát cao và kéo theo suy thoái thì thời gian không hề ngắn.
“Nền kinh tế của chúng ta quy mô lớn, nhưng độ mở rất lớn nên tác động của lạm phát toàn cầu là có”, ông Phương thừa nhận.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải cảnh giác với những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu và kiến nghị với Chính phủ được lựa chọn kịch bản tăng trưởng năm 2023 là khoảng 6,5%”, Thứ trưởng Phương cho hay.
Đánh giá về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mới đạt 46,7% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (47,38%) nhưng số tuyệt đối lại cao hơn năm trước gần 35.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính, theo Bộ KH&ĐT, là do tổng lượng vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn năm 2021. Điều này dẫn tới kết quả là vốn giải ngân đầu tư công năm nay cao hơn về số tuyệt đối so với năm 2021 là 16%.
Kinh tế Việt Nam đi ngược xu hướng lao dốc ở châu Á
Tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao.
Theo ông Đông, trong 6 chỉ tiêu vượt, tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8% (chỉ tiêu là 6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 7 - 7,5%. Nhưng trên cơ sở tăng trưởng GDP quý III là 13,67%, 9 tháng là 8,83%, dự kiến mới khả năng GDP cả năm đạt 8%. Dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường của năm 2023, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.
Các ý kiến thảo luận tại Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự báo tăng trưởng năm 2023 và kết quả của năm nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khá phù hợp, đáng mừng, nhưng không nên quá mừng. Theo đó, vui mừng vì kết quả mà Việt Nam đạt được “rất khác biệt” so với các nước trong khu vực và thế giới, trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đây là cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước. Tuy nhiên, cũng không nên quá mừng hay chủ quan vì nền kinh tế đang còn phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố dự báo kinh tế tháng 9, trong đó nhấn mạnh:
“Đà tăng trưởng của Việt Nam ngược với xu hướng giảm tốc ở những nơi khác của châu Á”.
Trong bối cảnh thế giới cùng lúc đối mặt với lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực trong khi chưa thoát khỏi đại dịch COVID-19, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo khá ảm đạm, Việt Nam nằm trong số ít nền kinh tế được đánh giá vẫn duy trì mức tăng trưởng cao và là điểm sáng đáng chú ý tạo nên cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Như Sputnik thông tin, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra 3 tháng trước và là sự điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Dù IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 có thể giảm còn 6,7%, nhưng con số này vẫn đi ngược với viễn cảnh u ám ở các nước khác và là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á. Đây là điều không thấy được ở nhiều nước khác.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD
Bộ Công Thương ngày 3/10 cho biết, trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD.
Số liệu này, mặc dù giảm 11% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 24,9%).
Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,57 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,37 tỷ USD, giảm 15%.
Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước tăng 10,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 7,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,4%.
Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 18,9%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%.
Đặc biệt, trong 9 tháng, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 89% tổng xuất khẩu cả nước (giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6% (giảm 0,6 điểm phần trăm); nhóm hàng thủy sản chiếm 3% (tăng 0,4 điểm phần trăm); nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, (tăng 0,3 điểm phần trăm).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 243 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 9 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng tiếp tục là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu than đá tăng 106,8%; dầu thô tăng 40%; xăng dầu các loại tăng 45%).
Mỹ và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Về thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thứ hai là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40 tỷ USD nhưng do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc nên xuất khẩu sang thị trường này trong 9 tháng chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; mặc dù vậy, nhập siêu từ Trung Quốc là 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%.
Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 23,8% và xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 26 tỷ USD, tăng 25,7%, tuy nhiên nhập siêu từ ASEAN là 9,3 tỷ USD, giảm 1,6%.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 18,3% nhưng nhập siêu từ Hàn Quốc là 29,6 tỷ USD, tăng 20,8%, xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 21,6%, do vậy xuất siêu sang Nhật Bản ước tính đạt 10 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD).
Về nhập khẩu, tháng 9/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước nhưng tăng 6,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19 tỷ USD, giảm 8,3%. Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%.
Có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%). Trong 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,6%, giảm 1,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,2%, tăng 1,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 19,8%; ASEAN ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 8,9%; EU ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 8,4%; Hoa Kỳ ước đạt 11 tỷ USD, giảm 6%.
Xác định từ nay đến cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững.
Bộ Công Thương cũng lưu ý, cần đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết; Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới cũng như cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam.