Chuyên gia chỉ ra mục tiêu khả dĩ của phương Tây trong đàm phán với Nga về Ukraina
07:21 10.10.2022 (Đã cập nhật: 07:22 10.10.2022)
© Sputnik / Alexey Filippov / Chuyển đến kho ảnhMáy bay Su-25BM trong cuộc diễu binh kỷ niệm 76 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại ở Moskva
© Sputnik / Alexey Filippov
/ Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Khả năng đàm phán ở Istanbul giữa Nga và bốn nước phương Tây có thể là dịp để buộc LB Nga đi đến một số thỏa hiệp nhất định về Ukraina, ông Bogdan Bezpalko, thành viên Hội đồng Quan hệ quốc tế trực thuộc Tổng thống Nga nói với Sputnik.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Liên nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ và EU Ismail Emrah Karayel cho rằng Istanbul có thể trở thành địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và bốn nước phương Tây. Trước đó cũng có tin Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ, Pháp, Đức và Anh, đề xuất tương ứng đã được chuyển cho Washington qua đường ngoại giao.
“Tôi nghĩ ý tưởng tổ chức đàm phán này có thể xuất phát từ những lo ngại rằng Nga có thể tập trung, như Bộ trưởng Ngoại giao Gorchakov từng nói vào thế kỷ 19: “Nga đang tập trung”. Sẽ có điều động quân, đổi mới thiết bị vũ khí, hoán đổi nhân sự, và sau đó tình hình ở chiến trường sẽ thay đổi không theo hướng có lợi cho Ukraina. Các cuộc đàm phán lúc đó sẽ có tính chất khác. Có lẽ chính vì vậy nên bây giờ tất cả những nước này đang gấp rút để củng cố thành công của mình. Có nghĩa là buộc Nga phải đi đến một số nhượng bộ và thỏa hiệp nào đó", - ông nói.
Trả lời câu hỏi của Sputnik về triển vọng tổ chức được các cuộc đàm phán do phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, Phó giáo sư Đại học HSE Andrei Suzdaltsev lưu ý rằng những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là một cử chỉ "hào hiệp", bởi vì "vẫn có quan niệm rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng tốt hơn chiến tranh", tuy nhiên triển vọng thực sự vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, bởi vì trong đó "còn có những sắc thái riêng".
"Rõ ràng mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ là quá lớn. Thổ Nhĩ Kỳ đang vươn lên với nguồn lực tối thiểu, nhưng với tính chủ động đáng kinh ngạc của nhà lãnh đạo đất nước và khả năng giải quyết mọi vấn đề. Ông ta (Erdogan - chú thích biên tập) đang cố gắng đưa Thổ Nhĩ Kỳ lên tầm cường quốc thế giới", - chuyên gia nhận xét.
Tuy nhiên ông Suzdaltsev nghi ngờ khả năng các nước châu Âu tham gia đàm phán, vì những nỗ lực ngoại giao của Pháp và Đức đã không đạt kết quả ngay từ quá trình đàm phán Minsk, còn Vương quốc Anh, theo nhà khoa học chính trị, là một đất nước “chỉ sống và hít thở bằng chiến tranh”.
"Còn lại có Hoa Kỳ, nghĩa là tất cả mọi vấn đề đều có thể được giải quyết thông qua đối thoại giữa Washington và Moskva. Giống như những ngày tháng tốt lành xưa kia hồi Chiến tranh Lạnh", - ông Suzdaltsev kết luận.