Xuất khẩu rau quả Việt Nam vượt mốc 3,1 tỷ USD: Tín hiệu từ Trung Quốc

© Sputnik / Vladimir PesnyaRau quả
Rau quả - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2022
Đăng ký
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 11, xuất khẩu rau quả ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 10% so với tháng 10 và hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tính chung 11 tháng đạt trên 3,1 tỷ USD.
Đặc biệt, nhờ các Nghị định thư về xuất khẩu giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu nhiều mặt hàng như sầu riêng, thanh long, chuối… tăng rất mạnh. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu của thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam.

Tín hiệu từ Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2022 của Việt Nam tăng trưởng tích cực.
Trong đó, thủy sản đạt 10,2 triệu USD, tăng 28% so với 2021; hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt tiêu, chè đều tăng trưởng khả quan.
Từ lâu nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam. Đứng sau là Mỹ, chiếm 19% thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường tỷ dân ngày càng trở nên khó tính hơn. Phía Trung Quốc liên tục thay đổi, cập nhật các chính sách kiểm dịch đối với rau quả xuất khẩu sang nước này theo hướng nghiêm ngặt hơn. Rau quả Việt Nam hiện vẫn tiếp tục tìm đường sang Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh chính ngạch.
Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói...
Để không bỏ lỡ thị trường rộng lớn và tiềm năng này, các doanh nghiệp và nông dân của Việt Nam phải chấp nhận thay đổi, đảm bảo tuân thủ những quy định khắt khe mà nước bạn đặt ra.
Trong quý III/2022, Việt Nam đã vượt qua Philippines để trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, chiếm đến 43% thị phần.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm với kim ngạch bình quân khoảng 250 - 260 triệu USD/tháng.
Hiệp hội cũng dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả, do nhiều loại nông sản được mở cửa vào thị trường Trung Quốc thời gian qua.

Rau quả Việt Nam tiếp tục tìm đường sang Trung Quốc

Tính đến hết tháng 11, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, Gia Lai đã xuất khẩu gần 20.000 tấn chuối. Trong số đó, lượng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 70%.
"Công ty của chúng tôi trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn global gap, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Từ khi trồng chúng tôi đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường. Xuất khẩu chính ngạch thì giá trị có thể tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá bán thị trường trong nước", ông Lê Hoàng Linh - Giám đốc vùng nguyên liệu chuối (Công ty Hưng Sơn) cho VTV hay.
Trong khi đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần tại quốc gia tỷ dân này, Chánh Thu đã sớm khởi công xây dựng một nhà máy chế biến hoa quả với công suất 300 tấn/ngày.
"3 năm tới sản lượng sầu riêng sẽ tăng lên gấp đôi, giải pháp của chúng ta là phải đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm của Việt Nam khi cạnh tranh rất nhiều với thị trường Thái Lan, Malaysia", bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu chia sẻ.
Về phần mình, bà bà Trịnh Thị Thanh Thủy - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách (Bộ Công Thương) nhận định, khi bước vào một sân chơi quốc tế, cần phải thực hiện được những yêu cầu trong thương mại quốc tế. Do đó, việc chuyển hẳn sang chính ngạch cũng phải thay đổi là sản xuất hàng hóa theo tín hiệu của thị trường.
Theo số liệu, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD rau quả các loại mỗi năm. Trong đó, sản phẩm từ Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1/5 con số này, nhưng với thoả thuận song phương đạt được và nỗ lực từ các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, cũng như tín hiệu mở cửa từ thị trường tỷ dân, xuất khẩu rau quả Việt Nam dự kiến sẽ còn tăng mạnh vào thị trường Trung Quốc.
rau quả  - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.08.2022
Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Trung Quốc

Đẩy mạnh hợp tác "công – tư"

TS. Nguyễn Anh Phong, đến từ Trung tâm Thông tin (Bộ NN&PTNT), cho biết trong năm 2022, các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đã nhập gần 20 loại củ quả xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam.
Theo ông Phong, tuy cơ hội còn rất lớn nhưng chuỗi sản xuất rau quả của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức.
Các khó khăn có thể kể đến như: việc thực hành sản xuất tốt chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, nhiều hộ nhỏ lẻ sản xuất nên việc cấp mã số vùng trồng còn nhiều khó khăn; trong khâu bảo quản, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn, dịch vụ hỗ trợ bảo quản còn hạn chế; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo; việc nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật.
Những vấn đề nói trên đang tác động lớn đến xuất xứ hàng hóa, khiến lượng rau củ của Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu mới chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất.
Tại Hội thảo "Triển vọng hợp tác công tư trong phát triển bền vững ngành hàng rau quả Việt Nam" diễn ra ngày 7/12 tại tỉnh Lâm Đồng do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng các đối tác trong ngành hàng rau quả tổ chức, các đại biểu đã khẳng định xu thế hợp tác "công – tư" là tất yếu để cải thiện những vấn đề trong sản xuất rau quả hiện nay.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cho biết trong nhóm ngành nông sản, rau quả là mặt hàng bứt phá mạnh về năng lực sản xuất trong 5 năm gần đây, ngày càng mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương cũng giúp rau quả Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn thế giới.
Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD.
Trong đó, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp khoảng 2 lần so với năm 2020.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Việt Nam cần có nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất cùng tham gia ở các quy mô khác nhau. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP).
Bộ NN&PTNT đã thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), gồm 8 nhóm công tác ngành hàng PPP (cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu; gạo; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi).
Các nhóm công tác tập trung kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Nguồn hàng các loại nông sản tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm trong những ngày này rất dồi dào, giá cả giữ ổn định như những ngày bình thường trong năm - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.03.2022
Rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó: tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao các mô hình hợp tác công tư nói trên. Theo ông, nếu không có những mô hình này, những thỏa thuận ký kết chỉ nằm trên giấy.
Mô hình sẽ giúp lãnh đạo địa phương hiểu rõ hơn về các hình thức hợp tác, doanh nghiệp và người dân cũng nhìn thấy hiệu quả thực tế để cùng chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала