Việt Nam ngày càng gần gũi và dễ hiểu hơn đối với người Nga
17:51 20.12.2022 (Đã cập nhật: 18:13 20.12.2022)
© SputnikTrình bày Sách tham khảo "Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư"
© Sputnik
Đăng ký
Nga chưa thể khoe những thành công lớn trong kinh doanh tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư vào Việt Nam của Nga chưa đến 1 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng đó là các doanh nhân không có đủ thông tin cần thiết về đất nước này.
Quyển sách độc đáo
Nhưng bây giờ tình hình đang thay đổi. Một quyển sách tuyệt vời đã được xuất bản - sách tham khảo "Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư" mà tất cả các chuyên gia đều nhất trí gọi là độc nhất vô nhị. Gần 400 trang khổ lớn với số lượng khổng lồ các biểu đồ màu, bảng biểu, bản đồ và hình ảnh đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về sự phát triển kinh tế hiện nay và quan hệ của Việt Nam với thế giới bên ngoài.
© SputnikSách tham khảo "Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư"
Sách tham khảo "Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư"
© Sputnik
Cuốn sách đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội đất nước những năm 2010 - 2020, cũng như môi trường ngoại thương và đầu tư ở Việt Nam. Tất cả các lĩnh vực kinh tế liên quan đến hoạt động kinh tế đối ngoại, từ nông nghiệp đến du lịch được mô tả chi tiết, đặc điểm của quan hệ Việt Nam với các đối tác kinh tế và thương mại chính: Trung Quốc và Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, với Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng được đưa ra, trong đó Nga đóng vai trò chính. Những chương cuối của cuốn sách cũng cực kỳ quan trọng đối với các doanh nhân: chúng mô tả các điều kiện để bắt đầu và điều hành doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
“Đây là ấn phẩm đầu tiên thuộc loại này ở Nga, đã kết hợp được kiến thức sâu rộng về đất nước, đặc thù của nó ở nhiều khía cạnh khác nhau và cách tiếp cận kinh doanh có tính đến lợi ích của các doanh nhân Nga đang làm việc hoặc có dự định làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng cuốn sách tham khảo này vượt xa các tác phẩm tương tự của các tác giả nước ngoài về lượng thông tin và độ sâu phân tích của nó”, ông Alexander Rogozhin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế IMEMO, chia sẻ ý kiến của mình về quyển sách.
Người đứng đầu Trung tâm Chiến lược Nga ở Châu Á tại Viện Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bà Irina Korgun tán thành nhận xét của ông. Bà Irina Korgun nói rằng cuốn sách vượt qua sách tham khảo thông thường và là công trình khoa học và thực tiễn có giá trị không chỉ cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân Nga, mà còn cho đại diện của các quốc gia khác.
Các tác giả trẻ
Người khởi xướng, biên soạn và tổng biên tập tập sách là ông Vladimir Mazyrin, chuyên gia Nga về kinh tế Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN tại Viện Trung Quốc và Châu Á hiện đại, giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva. Ông yêu cầu các sinh viên và nghiên cứu sinh Viện Á Phi (IAAS) thu thập những dữ liệu mới nhất về mọi mặt hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam và xử lý chúng, kết quả đưa ra làm cơ sở cho quyển sách tham khảo.
“Dữ liệu về Việt Nam không thiếu nhưng rải rác và đôi khi trái ngược nhau. Cần phải tìm chúng, hệ thống hóa và thu thập chúng thành một tổng thể duy nhất. Sau nhiều tháng làm việc chăm chỉ, thu thập và xác minh dữ liệu thống kê, chúng tôi đã có bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Đối với những sinh viên tham gia công việc này, đây là kinh nghiệm rất quan trọng để chuẩn bị cho hoạt động khoa học và thực tiễn” - bà Elena Burova, một trong những tác giả và biên tập viên của sách tham khảo, nhà nghiên cứu tại ICSA RAS, kể lại trong buổi thuyết trình giới thiệu quyển sách tại Nhà Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật quốc tế Nga.
© SputnikTrình bày Sách tham khảo "Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư"
Trình bày Sách tham khảo "Việt Nam - đối tác thương mại và đầu tư"
© Sputnik
Quyển sách được xuất bản nhờ Quỹ Thúc đẩy Hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị” do người Nga gốc Việt thành lập. Tại buổi giới thiệu sách, Chủ tịch Hội đồng Quỹ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga, Tiến sỹ kinh tế Đỗ Xuân Hoàng ghi nhận đóng góp của các tác giả trẻ, họ đã phá vỡ định kiến rằng trong ngành chỉ có các nhà khoa học vững vàng và giàu kinh nghiệm mới thành công. Họ cũng cho thấy khoa học ở Nga cũng như ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn và cần được hỗ trợ. Chính việc hỗ trợ hợp tác khoa học kỹ thuật nói riêng và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam nói chung là một trong những mục tiêu của Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị”.
Giám đốc Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại Kirill Babaev bày tỏ quan điểm chung: “Cuốn sách này đặt nền tảng cho sự hợp tác giữa các công ty Nga và Việt Nam, giữa hai quốc gia chúng ta, giữa chính quyền Nga và Việt Nam. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ được các doanh nhân muốn bắt đầu làm việc tại Việt Nam chào đón, cũng như sẽ trở nên phổ biến với các đại diện chính quyền Nga và Việt Nam, những người có nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước chúng ta.”
Giờ đây, khi Nga hướng về phía Đông, là người bạn lâu năm và đối tác chiến lược đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam hiện rất quan trọng đối với Nga với tư cách là nơi triển khai các dự án hợp tác kinh tế mới, là cánh cửa vào Đông Nam Á. Cuốn sách tham khảo "Việt Nam - Đối tác Thương mại và Đầu tư" có thể giúp biến những kế hoạch trên thành sự thật.