Năm 2022: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng top đầu thế giới

CC BY-SA 2.0 / Jim 陳 / Thành phố Hồ Chí Minh
 Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.01.2023
Đăng ký
Với mức tăng GDP lên tới 8,2% trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã lọt vào top cao nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải rơi vào tình trạng giảm phát, thành tựu trên của Việt Nam cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc sau đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng kỷ lục

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,2%, mức tăng cao nhất từ 2011 đến 2022. Về điều này, ông Trần Quốc Hùng - chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council (Mỹ), cựu Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế, đã có một số chia sẻ.
Theo ông ông Hùng, GDP của Việt Nam tăng trưởng trên 8,2% trong năm 2022, vào hạng cao nhất thế giới. Có thể thấy, kinh tế Việt Nam đã hồi phục “ngoạn mục” sau dịch Covid-19. Điều này càng đặc biệt hơn nữa trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải rơi vào tình trạng giảm phát.
Đây là nền tảng giúp Việt Nam đối phó với những khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, cộng thêm những căng thẳng trong quan hệ địa chính trị thời gian tới.
Theo ông Hùng, mức tăng trưởng 8,2% chủ yếu là nhờ sự hồi phục tiêu thụ và sản xuất khi Covid-19 bớt lây lan, kinh tế mở cửa và nền so sánh 2021 rất thấp.
Ngoài ra, gói kích thích kinh tế 2022-2023 mà Chính phủ ban hành hồi đầu năm đã có tác động tích cực, kịp thời. Đặc biệt, xuất khẩu tăng 13,4% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên.

“Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 730 tỷ USD, hay khoảng 176% so với GDP - thuộc hạng cao nhất thế giới. Kinh tế mở cửa như thế rất tốt khi kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, nhưng cũng sẽ trở thành điểm yếu khi kinh tế toàn cầu suy thoái như dự báo”, chuyên gia lưu ý.

Những khó khăn, thách thức trong năm 2023

Trong năm 2023, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Suất tăng trưởng toàn cầu ước tính chỉ còn 1,5% (so với mức 2,9% trong năm 2022). Hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Châu Âu và Mỹ đều có suất tăng trưởng rất kém, lần lượt là -2% và 1%.
“Lý do chính là hậu quả của việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và còn tiếp tục đồng loạt tăng lãi suất để hạ lạm phát; các gói yểm trợ trong dịch Covid-19 đã hết hạn; tình trạng bất ổn với chiến tranh ở Ukraina vẫn tiếp diễn”, ông Hùng lý giải.
Theo ước tính của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), lượng thương mại quốc tế sẽ suy giảm mạnh còn 1% trong năm 2023 so với 3,5% năm nay. Như vậy, mức cầu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm rõ rệt trong năm tới.
Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn trong lĩnh vực hàng xuất khẩu, đến từ các nguyên nhân như: bảo hộ mậu dịch, chống gian lận xuất xứ, kiểm tra chất lượng về y tế và môi trường, sự cạnh tranh của các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc với hàng giá rẻ.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.12.2022
Động thái của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là khá bất ngờ
Lãi suất cao cũng gây sức ép lên hoạt động đầu tư và tiêu thụ. Gần đây, chỉ số Purchasing Managers Index (PMI) đã giảm xuống mức 50, trong bối cảnh các doanh nghiệp co cụm, cắt giảm hoạt động vì thiếu đơn đặt hàng. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng số công nhân bị mất việc.
“Tình trạng giảm sức cầu với lãi suất cao cũng tạo khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đang phải đối phó với tình trạng mang nợ quá nhiều”, ông Hùng cho hay.

Giải pháp ứng phó

Để ứng phó với những thách thức nói trên, Việt Nam cần tập trung hỗ trợ nền kinh tế nội địa, bằng cách tăng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện chỉ trên 50%, và các gói kích thích kinh tế. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các khoản đầu tư nước ngoài (FDI), hiện chỉ khoảng 61% vốn đăng ký, thông qua việc tiếp tục cải cách tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả làm việc.
“Điều này rất quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh hiện nay trong cuộc chạy đua thu hút vốn FDI từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách chuyển dịch đầu tư ở Trung Quốc sang các nước lân cận”, chuyên gia nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng, Foxconn vừa chuyển một phần việc lắp ráp Macbook của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Kể từ sau Đổi mới đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 430 tỷ USD FDI, tương đương với 108% GDP. Đây là mức rất cao so với bình quân của các nước trên thế giới là 45%. Vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá và phát triển kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nỗ lực kìm chế lạm phát, nhằm duy trì sức mua thực sự của người dân và doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ mức cầu nội địa.
Theo ông Hùng, chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong năm 2023, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm cường độ tăng lãi suất và đồng USD đã giảm tỷ giá bớt gây sức ép lên đồng tiền Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng có thể tạm thời cắt giảm các khoản thuế gián thu để hạ sức ép lạm phát.
Khi đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thể vận dụng linh hoạt công cụ lãi suất và cung cấp tín dụng để giải quyết các khó khăn về thanh khoản, giúp họ hoạt động bình thường.
Theo ông, trong năm 2023, Việt Nam có khả năng “hạ cánh an toàn” từ 8% xuống khoảng 6,5%, gần với suất tăng trưởng tiềm năng như dự tính của Chính phủ.
“Tuy nhiên, rủi ro chính là không đạt được mức tăng trưởng dự kiến nếu như Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn suất dự báo 4,5%, trong trường hợp dịch Covid-19 bùng nổ lại sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp Zero Covid làm gián đoạn các hoạt động kinh tế”, chuyên gia Trần Quốc Hùng dự báo.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала