Blinken sắp thăm Hà Nội, người Mỹ thừa nhận một sự thật về Việt Nam
© Sputnik / Bộ Ngoại giao LB Nga
/ Đăng ký
Ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới trong nỗ lực dồn dập từ phía Washington nhằm thúc đẩy quan hệ gắn kết hơn nữa với Hà Nội.
Phát biểu ngày 8/4, nghị sĩ Mỹ thừa nhận Việt Nam là một đất nước quật cường, bền bỉ, một dân tộc đầy lòng vị tha. Người Mỹ ngưỡng mộ và biết ơn điều đó.
Blinken sắp thăm Việt Nam
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley thông tin trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ Bảy ngày 8/4.
“Tuần tới Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có mặt tại đây (Hà Nội – PV)”, - Thượng nghị sĩ Merkley chia sẻ với phóng viên trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn nữa với Hà Nội.
Theo lời Merkley, chuyến công du của Blinken đến Việt Nam được xem là nỗ lực của Washington nhằm đưa quan hệ ngoại giao với Hà Nội lên một tầm cao mới “ngay trong năm nay”.
Thực tế, thông tin về chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đến Việt Nam, vẫn chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, đây là động thái đáng chú ý diễn ra ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có cuộc điện đàm quan trọng vào tuần trước với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Mỹ hy vọng sẽ nâng cấp quan hệ với Hà Nội trong năm nay, lý tưởng nhất là đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam vào tháng 7/2023”, - Reuters lưu ý.
Nếu không có gì thay đổi, Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ thăm Việt Nam, có thể vào thứ Bảy, trước khi lên đường tham dự cuộc họp các ngoại trưởng nhóm 7 nền kinh tế lớn G7 tại Nhật Bản vào ngày 16-18/4.
“Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý tăng cường quan hệ”, - Reuters nhấn mạnh, tham chiếu theo tuyên bố của cả hai bên sau cuộc trò chuyện qua điện thoại, nhưng cả Hà Nội và Washington trên thực tế không đề cập đến việc nâng cấp quan hệ chính thức.
“Trước cuộc điện đàm này, nhiều nhà phân tích bày tỏ quan điểm rằng Việt Nam giữ lập trường thận trọng về việc nâng cấp trong năm nay vì lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc”, - tờ báo chỉ rõ.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, trong cuộc điện đàm cấp cao Việt – Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Hai nhà lãnh đạo cũng đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
Tổng thống Joe Biden nhất trí với các ý kiến này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Để phát triển sâu sắc, bền vững và thực chất quan hệ hai nước trong thời gian tới, Tổng Bí thư nêu một số phương hướng lớn, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp, các ngành dưới các hình thức linh hoạt, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ Chính phủ, Quốc hội, quan hệ giữa các đảng và nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư cũng đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng-an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Đồng thời, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác.
Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng Mỹ hiện chỉ được xếp hạng là đối tác ngoại giao cấp ba của Hà Nội, Reuters lưu ý. Cấp cao nhất trong ưu tiên quan hệ của Hà Nội bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, trong khi cấp thứ hai - mà Washington đang nỗ lực đạt được gồm các nước châu Âu và Nhật Bản.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng; ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng"; tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam; nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.
Mỹ sẽ cung cấp thêm tàu tuần tra cho Việt Nam
Trong cuộc họp báo ngày 8/4 của thượng nghị sĩ Jeff Merkley, thượng nghị sĩ Chris Van Hollen và dân biểu Pramila còn có một số nội dung quan trọng khác.
Trong đó, đáng chú ý là việc chuyển giao thêm tàu tuần tra cho Việt Nam. Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ khẳng định, Quốc hội Mỹ cũng rất để tâm đến những thách thức an ninh mà Việt Nam đang đối mặt trên Biển Đông.
Chính quyền Washington trước đó đã chuyển hai tàu tuần duyên loại biên cho Việt Nam để hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải. Hiện chiếc thứ ba cũng đang chuẩn bị chuyển giao cho Việt Nam.
“Mỹ đã cung cấp hai tàu cảnh sát biển cho Việt Nam, và sắp tới, sau khi hoàn tất thủ tục chi tiết, sẽ cung cấp thêm một tàu nữa, trên tinh thần hỗ trợ Việt Nam củng cố an ninh trên biển”, - đại diện Quốc hội Mỹ chia sẻ với báo chí Việt Nam tại Hà Nội ngày 8/4.
Trước đó, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hai bên cũng đề cập đến hợp tác ở Biển Đông. Theo đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
“Các diễn biến tại biển Đông đều liên quan đến an ninh của Việt Nam. Đây chính là lý do mà Hoa Kỳ những năm qua đã chuyển cho Việt Nam các tàu cảnh sát biển, và tới đây đang tiếp tục”, - ông Merkley nhấn mạnh.
Thừa nhận Việt Nam là đất nước quật cường và vị tha
Thượng nghị sĩ Merkley nêu rõ, phái đoàn nghị sĩ tới Việt Nam lần này với hai sứ mệnh: Thúc đẩy quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh và nâng tầm quan hệ hợp tác Việt - Mỹ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ biển Đông, biến đổi khí hậu đến hợp tác đầu tư.
Thông tin tại cuộc họp báo, thượng nghị sĩ Merkley xác nhận nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã trao cho Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dữ liệu về bộ đội Việt Nam mất tích trong cuộc gặp chiều 8/4.
Ông Merkley khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ những công nghệ tốt nhất cho Việt Nam để tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ.
Đây là sự kế thừa “di sản” của những người Mỹ yêu Việt Nam tiền nhiệm. Có những dự án thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã làm việc rất chăm chỉ để tạo ra và giờ ông nghỉ hưu, còn thượng nghị sĩ John McCain đã qua đời.
“Đây là một sứ mệnh tiếp lửa từ những thế hệ nghị sĩ đi trước như cố Thượng nghị sĩ John McCain và cựu Thượng nghị sĩ Patrick Leahy", - thượng nghị sĩ Van Hollen nói.
Tại Hà Nội, một lần nữa, thượng nghị sĩ Merkley khẳng định nhóm của ông sẽ tiếp nối di sản của những người tiền nhiệm đáng kính.
“Đây cũng là một trong hai nhiệm vụ của đoàn nghị sĩ lần này khi sang Việt Nam. Nhiệm vụ còn lại là củng cố quan hệ Việt - Mỹ dựa trên những gì hiện có như thương mại, đầu tư, an ninh hàng hải và mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới như chống biến đổi khí hậu”, - ông Merkley nói.
Trả lời báo Tuổi trẻ, các nghị sĩ Mỹ khẳng định, một tương lai rất tươi sáng cho cả hai dân tộc vẫn đang ở phía trước miễn là làm việc cùng nhau.
Các nghị sĩ Mỹ cho rằng:“Tất cả chúng tôi ở đây đều cảm thấy có trách nhiệm phải tiếp lấy ngọn đuốc mở đường của những người tiền nhiệm khi nói đến quan hệ với Việt Nam”.
Ông Van Hollen cho biết thêm, các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh tiếp tục là trọng tâm của quan hệ song phương Việt - Mỹ trong thời gian tới.
Bốn cột trụ của các chương trình này gồm hỗ trợ các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tẩy độc và ô nhiễm, rà phá bom mìn chưa phát nổ, cùng nhận dạng ADN và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh chương trình tẩy độc dioxin trị giá 300 triệu USD tại sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng, Mỹ sẽ xem xét cung cấp các khoản viện trợ mới cho Việt Nam để tiến hành các chương trình tương tự.
Bên lề họp báo, hạ nghị sĩ Jayapal, một trong năm thành viên phái đoàn lưỡng viện Mỹ chia sẻ bà đã từng có mặt tại Việt Nam trong một tháng vào năm 1995, trong một chương trình hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS. Nay trở lại Hà Nội, bà cảm thấy "choáng ngợp" trước thay đổi và phát triển của Thủ đô.
“Sự thay đổi của Hà Nội thật sự làm tôi choáng ngợp. Việt Nam là một đất nước quật cường và bền bỉ. Chúng tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn lòng vị tha của các bạn”, - PLO dẫn lời bà Jayapal thừa nhận.
Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ nâng cấp quan hệ với Việt Nam
Thượng nghị sĩ Merkley tiếp tục nhấn mạnh quan điểm đã đưa ra trước chuyến đi là mong muốn nâng tầm quan hệ song phương Việt - Mỹ từ đối tác toàn diện hiện tại lên lên tầm đối tác chiến lược.
Ông nhắc lại mong muốn này nhận được sự ủng hộ Quốc hội và Chính phủ Mỹ. Ông Merkley chia sẻ Việt Nam luôn trong tâm trí các nhà lập pháp Mỹ. Ông dẫn ra một nghị quyết mà ông đã đề xuất cùng thượng nghị sĩ Dan Sullivan của Alaska trước thềm chuyến thăm.
“Trong thời gian qua, nhiều quan chức hành pháp Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc USAID đã có những chuyến đi tới Việt Nam. Sự có mặt của phái đoàn Quốc hội chúng tôi cho thấy cả hệ thống hành pháp và lập pháp Mỹ đều ủng hộ sự phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ”, - Thượng nghị sĩ Merkley khẳng định.