Thấy gì từ việc Nga mở cảng Vladivostok cho Trung Quốc sau hơn 163 năm?
17:21 29.05.2023 (Đã cập nhật: 14:13 20.06.2023)
© Sputnik / Vitaliy AnkovCảng biển thương mại Vladivostok
© Sputnik / Vitaliy Ankov
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Việc mở cảng Vladivostok tăng cường giao thương với Trung Quốc có thể nằm trong chiến lược của Nga, nhằm đưa cảng này là trung tâm trung chuyển cho các cảng của toàn bộ khu vực châu Á, theo nhận định của chuyên gia Việt Nam với Sputnik.
Kể từ đầu tháng 6, Cục Hải quan của CHND Trung Hoa đã bổ sung cảng Vladivostok làm cảng trung chuyển hàng hóa thương mại nội địa. Việc bổ sung cảng Vladivostok vào hệ thống thương mại của Trung Quốc là kết quả của sự hợp tác thương mại xuyên biên giới giữa CHND Trung Hoa và Liên bang Nga.
6 lợi ích trong giao thương
Đánh giá về vai trò của việc bổ sung cảng Vladivostok làm cảng trung chuyển cho hàng hóa nội thương với Trung Quốc, trao đổi với Sputnik, bà Diao Li - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Vũ Hán đã chỉ rõ 6 lợi ích đem lại trong giao thương hai nước Nga – Trung từ việc mở lại cảng.
Thứ nhất, nói riêng về tỉnh Cát Lâm, việc mở cảng sẽ góp phần phát triển nền kinh tế tại đây. Đồng thời, việc bổ sung cảng Vladivostok làm điểm trung chuyển đã tăng cường các kênh vận tải đường biển cho ngoại thương. Điều này rõ ràng có lợi cho sự phát triển thương mại của Trung Quốc, đặc biệt cho sự phát triển của nền kinh tế vùng Đông Bắc Trung Quốc. Việc mở thương cảng đã làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho thương mại nội địa ở Đông Bắc Trung Quốc và mở ra thêm cơ hội phát triển thương mại của khu vực.
Thứ hai, giúp tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp và tăng năng lực sản xuất giữa tỉnh Cát Lâm và Nga, chẳng hạn như trong lĩnh vực thủy sản.
Thứ ba, lượng hàng hóa của cảng Đại Liên quá lớn nên tình trạng ô nhiễm tương đối nghiêm trọng. Nếu một phần tải trọng này được chuyển đến tỉnh Cát Lâm, sẽ làm giảm tải trọng đối với Đại Liên.
Thứ tư, đây là bước tiến cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển hợp tác ba bên giữa Trung Quốc, Mông Cổ và Nga, cũng như cho sự phát triển của "Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga". Một mặt, điều này làm tăng cường độ thương mại giữa Trung Quốc và Nga và giảm thời gian vận chuyển hàng hóa của Nga qua vùng Đông Bắc của CHND Trung Hoa đến những nơi khác. Mặt khác, mở rộng các tuyến đường để phát triển thương mại quá cảnh qua Mông Cổ.
Thứ năm, việc mở cảng sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của các thành phố ở Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông Nga, đặc biệt cho sự phát triển nông nghiệp, hợp tác kỹ thuật liên quan và xuất nhập khẩu nguyên liệu thô của hai nước.
Đáng chú ý, lợi ích lớn nhất của việc mở cảng là dành cho Nga. Vùng Viễn Đông của Nga là một khu vực tương đối kém phát triển về kinh tế. Việc bổ sung cảng Vladivostok làm cảng trung chuyển cho thương mại nội địa của Trung Quốc có thể thu hút nhiều lao động có tay nghề cao hơn, dẫn đến sự xuất hiện của một số “siêu” đô thị và có thể giảm bớt áp lực tìm kiếm việc làm ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Mặc dù điều này đòi hỏi cần nhiều thời gian, nhưng bước đi này thuận lợi cho sự phát triển giao thương và vận tải thương mại của Nga, cũng như cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
“Tôi mong rằng điều luật và các quy định cho sự hợp tác này sẽ sớm được ban hành, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các cảng để các cảng phát huy vai trò của mình ngay sau khi dịch bệnh kết thúc”, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Vũ Hán, bà Diao Li bày tỏ.
Việt Nam hưởng lợi gì?
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Vũ Hán, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng nhận định rằng:
“Cảng Vladivostok có vị trí địa lý chiến lược. Cảng nằm tại khu vực biên giới Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á. Việc mở cảng Vladivostok có thể nằm trong chiến lược của Nga, đó là đưa cảng này thành trung tâm trung chuyển cho các cảng của toàn bộ khu vực châu Á”.
Trước mắt, việc mở cửa vùng Viễn Đông của Nga sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Các tuyến giao thương Nga – Việt
Hiện có 3 tuyến đường vận tải hàng hoá đang được Việt Nam và Liên bang Nga khai thác, đó là đường biển, đường hàng không và đường sắt.
Vận tải hàng hóa đường biển từ Việt Nam sang Liên bang Nga có thể thông qua 2 hướng. Hướng 1 là đi qua kênh đào Suez và cập cảng St. Petersburg. Hướng 2 là đi qua các cảng vùng Viễn Đông (Vladivostok và Vostochny). Đường biển hoạt động theo tuyến Vladivostok (Nga) - Hải Phòng (Việt Nam) - Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) - Ninh Ba (Trung Quốc) - Vladivostok (Nga). Từ các cảng này, liên kết với đường sắt hoặc các phương tiện đường bộ khác để tới các điểm giao thương tại Nga.
Đường sắt container liên vận quốc tế Á - Âu, xuất phát từ ga Gia Lâm (Việt Nam) sang các ga nội địa của Trung Quốc, sau đó chia 03 hướng: sang Kazakstan vào Liên bang Nga; sang Mông Cổ vào Liên bang Nga; sang Nội Mông - Trung Quốc vào Liên bang Nga.
Vận tải hàng hóa đường sắt từ Việt Nam sang Liên bang Nga hiện thông qua 3 tuyến. Một là, Trung Quốc - Nga. Đây là tuyến ngắn nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Hai là, từ Trung Quốc – Kazakhxtan – Nga. Ba là, Trung Quốc - Mông Cổ - Nga.
Việt Nam hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cường khai thác tuyến đường sắt container liên vận quốc tế cũng như tuyến vận chuyển đa phương thức (đường sắt kết hợp đường biển) nhằm đa dạng hóa phương thức vận tải, tối ưu hóa chi phí logistics, gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng bên.