Con gái của Luis Corvalan: chủ nghĩa bài Nga không khác gì chủ nghĩa chống cộng của Pinochet
© Sputnik / Viviana CorvalánViviana Corvalán với bố của mình Luis Corvalán
© Sputnik / Viviana Corvalán
Đăng ký
50 năm trước, ngày 11/9/1973, lực lượng vũ trang của Chile đã tiến hành cuộc đảo chính chống lại chính phủ. Tổng thống dân bầu theo đường lối xã hội chủ nghĩa Salvador Allende bị lật đổ, và chính quyền do Tướng Augusto Pinochet lãnh đạo lên nắm quyền, thiết lập chế độ độc tài tàn bạo ở nước này.
Nhân dịp này, #SputnikMundo đã trò chuyện với bà Viviana Corvalan, con gái của lãnh đạo Cộng sản Chile Luis Corvalan, về các sự kiện nửa thế kỷ trước và cuộc sống của gia đình Corvalan khi buộc phải lưu vong ở Liên Xô, cũng như về những vấn đề hiện tại trong chính trị quốc tế.
Gia đình Corvalan - nạn nhân của chế độ độc tài Pinochet
Trong cuộc trò chuyện với Sputnik Mundo, bà Viviana Corvalan tâm sự rằng, sau khi Pinochet lên nắm quyền, gia đình bà, giống như nhiều nạn nhân khác của chế độ độc tài, đã rơi vào "địa ngục trần gian". Cha của Viviana, lúc đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Chile Luis Corvalan, đã bị bắt và bị tra tấn. Điều tương tự cũng xảy ra với con trai ông, người do sức khỏe bị tổn hại nên sau đó chết trong cảnh lưu vong khi mới 28 tuổi.
“Mọi thứ cũng giống như bất kỳ gia đình Chile nào khác trở thành nạn nhân của chế độ độc tài: bố tôi ở tù, con dâu tôi ở tù, anh trai tôi ở tù, tôi cũng bị bắt giữ trên đường phố, - Viviana Corvalan hồi tưởng lại. Ngoài những điều khác, bà đã bị cấm “học tập hoặc thậm chí xuất hiện” tại bất kỳ trường đại học nào.
"Họ đã hủy hoại cuộc sống của chúng tôi. Cuộc sống đã bị hủy hoại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực. Trong trường hợp của tôi - trong lĩnh vực học tập, hoạt động chính trị, hay thậm chí là tình bạn. Bởi vì dưới chế độ độc tài, ai có thể liên lạc với bạn? Chúng tôi là một gia đình thường xuyên bị theo dõi. Nói cách khác, bất cứ ai đến gần chúng tôi ngay lập tức bị coi là cộng sản", - bà Viviana Corvalan nói.
Bà Corvalan thừa nhận rằng, cái ác gây ra cho gia đình bà lớn đến mức bà vẫn có những cảm xúc thịnh nộ và từ chối tha thứ cho những người liên quan đến các tội ác của chế độ độc tài.
“Thành thật mà nói, khi ai đó nói với tôi về sự tha thứ, dường như sự tha thứ có thể chữa lành tôi, tôi trả lời: tôi không muốn hòa giải hay tha thứ: tôi muốn bảo vệ công lý”, - Viviana Corvalan nói.
Bà đặc biệt phẫn nộ vì những kẻ đã tra tấn anh trai bà và chịu trách nhiệm về cái chết của anh ta vẫn không bị trừng phạt.
“Ở Liên Xô tôi đã cảm thấy hạnh phúc hơn bất cứ nơi nào khác”
Năm 1976, theo thỏa thuận giữa Liên Xô và Chile thông qua sự trung gian của Hoa Kỳ, Liên Xô đã trao đổi nhân vật đối lập Vladimir Bukovsky với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Chile Luis Corvalan. Và Luis Corvalan đã được tị nạn chính trị ở Liên Xô.
Viviana Corvalan, khi đó 21 tuổi, cũng đến Matxcơva cùng em gái. Bà tâm sự rằng, ngay từ cái nhìn đầu tiên, bà đã yêu đất nước này, vốn đã quen thuộc với những món quà mà người cha đã mang về từ Liên Xô trước cuộc đảo chính ở Chile. Ví dụ, Viviana đã tập đi xe đạp trên “chiếc xe đạp Nga”.
Nhấn mạnh đến sự “vĩ đại” và “hùng vĩ” của thủ đô Nga và người dân ở đó, bà Corvalan mô tả xã hội Liên Xô là “tuyệt vời”. Theo bà, nhiều quốc gia vẫn chưa thể đuổi kịp những thành tựu xã hội của Liên Xô.
“Liên Xô đã bảo đảm quyền có chỗ ở, ngay cả khi đó là một căn hộ tập thể. Và bây giờ trên các đường phố ở Chile có rất nhiều chiếc lều, rất nhiêu người phải dựng lều sống trên đường phố vào mùa đông và mùa hè. Ở Liên Xô, ngay cả khi phải sử dụng chung phòng tắm và phòng bếp, thì vẫn có chỗ ngủ và chỗ ở. Và bạn luôn thấy hàng nghìn cần cẩu xây dựng ở Matxcơva, bởi vì ở đó luôn có thứ gì đó được xây dựng”, - bà nhấn mạnh.
Viviana Corvalan cũng lưu ý đến “quyền không thể chối cãi” được chăm sóc sức khỏe miễn phí và những thành tựu mà Liên Xô đã đạt được trong lĩnh vực này. Bà Viviana, người đã học khoa vũ đạo tại Trường Đại học nghệ thuật Sân khấu Nga (GITIS), nói: “Tôi cũng không thể không đề cập đến quyền được giáo dục”.
“Tôi đã có cơ hội học những gì mình thích mà không gặp vấn đề về tài chính, tôi đã có chỗ ở, tôi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có tình yêu, các đồng nghiệp và bạn bè mà tôi vẫn giao tiếp cho đến ngày nay”, - bà Corvalan nói và nhấn mạnh rằng, cuộc sống bình yên ở Liên Xô trái ngược hẳn với nỗi lo lắng mà bà bắt đầu trải qua khi trở về Chile.
“Nỗi lo lắng này do những suy nghĩ về mức lương của mình có đủ trả một tháng tiền nhà, tiền ăn, tiền học cho con gái hay không. Vào ban đêm, tôi lại có cảm giác sợ hãi vì có thể bị trộm cướp đột nhập vào nhà … Tôi không bao giờ trải qua điều này ở Liên Xô”, - bà Corvalan nói.
"Liên Xô đã là nơi tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Và tôi không chỉ lưu luyến Liên Xô mà còn cả nước Nga", - bà nói.
“Hoa Kỳ đang sử dụng Zelensky như một con rối để chống lại Nga”
Theo Viviana Corvalan, chiến dịch chống Nga Russophobia đang diễn ra trên khắp thế giới là “điên rồ”. Trong bối cảnh này, bà cảm thấy xấu hổ vì quan điểm của Tổng thống Chile Gabriel Boric, người đứng về phía Kiev trong cuộc xung đột Ukraina.
“Tôi cảm thấy xấu hổ vì Chính phủ Chile, trong đó Đảng Cộng sản là một phần của liên minh cầm quyền. Tôi xấu hổ vì họ không hiểu bản chất của cuộc xung đột này và không thể thấy rằng đây là cuộc chiến của Hoa Kỳ, rõ ràng là Mỹ dùng Ukraina với một con rối như Zelensky để chống lại Nga. Tôi không hiểu tại sao họ không thể nhận ra điều này”, - Viviana Corvalan nhấn mạnh và nói thêm rằng, rõ ràng là truyền thông Chile đang bóp méo thông tin về cuộc xung đột.
Bà cũng lưu ý rằng, chiến dịch chống Nga được phát động ở phương Tây khiến bà nhớ đến các cuộc tấn công của Pinochet nhằm vào những người cộng sản, mà theo bà, điều này không phải là chuyện quá khứ.
"Cho đến ngày nay, tôi vẫn thấy những biểu hiện của chủ nghĩa chống cộng này. Điều tương tự với chủ nghĩa bài Nga", - bà cho biết trong cuộc trò chuyện với #SputnikMundo. Đồng thời, bà Corvalan nhấn mạnh rằng, bà sẵn sàng chống lại những cuộc tấn công và dối trá như vậy. “Tôi là con gái của một người cha rất dũng cảm và kiên định, người đã dạy chúng tôi không ngại nói ra sự thật”, - Viviana Corvalan kết luận.