Khó khăn trong công tác điều hành tiền tệ
20:09 15.09.2023 (Đã cập nhật: 03:14 28.10.2023)
© Ảnh : VietnamnetPhó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
© Ảnh : Vietnamnet
Đăng ký
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tại khu vực ĐBSCL, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, công tác điều hành tiền tệ của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Cổng thông tin Chính phủ dẫn phát biểu của Thống đốc cho hay, liên quan đến kiến nghị về điều hành tỷ giá của doanh nghiệp, điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện quốc gia, Ngân hàng Nhà nước không vì doanh nghiệp riêng nào cả.
Điều hành tiền tệ đang rất khó khăn
Thông tin trên Thời báo Ngân hàng, cơ quan ngôn luận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, chiều ngày 15/9, phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cập nhật, tính tới ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế mới tăng 5,56% (cùng kỳ tăng 9,88%).
Theo Phó Thống đốc, ĐBSCL là địa bàn chiến lược quan trọng, được NHNN quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng, song tín dụng khu vực này từ đầu năm đến nay chỉ tăng 5,3%.
Làm rõ hơn về tình trạng tín dụng ĐBSCL nói riêng, tín dụng toàn nền kinh tế tăng chậm nói chung, Phó Thống đốc cho biết, khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm, thị trường giảm, đơn hàng thiếu vắng, cầu của thị trường thế giới và trong nước đều giảm. Doanh nghiệp khó khăn tác động trực diện tới các ngân hàng.
Báo Đầu tư dẫn phát biểu của Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói: “Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như hiện nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tăng lãi suất. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới tăng lãi suất thêm 0,25%, cho vay ra với lãi suất 4,5%/năm trong khi trước đây 1-2%/năm là cao lắm rồi. Mỹ cũng vậy, Fed cũng chỉ mới tạm dừng tăng lãi suất chứ chưa nới lỏng, kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang khó khăn”.
Ngược chiều thế giới, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng rất lớn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán gặp khó.
Đẩy mạnh tín dụng
Theo Phó Thống đốc, vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải đối tiền tình trạng dư thừa tiền.
“Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền, thì Ngân hàng Nhà nước cũng không “cứu” được”, Phó thống đốc Đào Minh Tú thẳng thắn.
Đối với vấn đề này, theo ông Tú, việc đẩy mạnh bơm tín dụng ra nền kinh tế là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Tuy vậy, để có thể thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía.
“Cách đây khoảng 1 tuần, NHNN có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương yêu cầu có trách nhiệm đẩy mạnh tín dụng bằng giải quyết vướng mắc từ 2 phía”, Phó Thống đốc cho biết.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngân hàng lên gặp doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại cứ xua tay không cần vốn, không vay thì làm thế nào tháo gỡ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa hay không tiêu thụ được nhưng cần có lộ trình cách thức để tạm trữ, làm sao vẫn tiêu thụ được thời gian tới. Ngoài ra, cần hỗ trợ về cơ chế với các dự án, công trình, nhất là bất động sản.
Phó Thống đốc bày tỏ, vấn đề bây giờ là, làm sao tháo gỡ khó khăn về pháp lý để triển khai. Nhiều dự án ngân hàng sẵn sàng chờ giải ngân nhưng vướng pháp lý nên không triển khai được, doanh nghiệp cũng không triển khai dự án. Bên cạnh đó, có những lĩnh vực cần bàn tay của Chính phủ, các cấp như việc giải quyết vấn đề thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua đối thoại hợp tác, khai thông, thúc đẩy hợp tác chiến lược với các nước.
Cùng với đó, cần phát động các phong trào kích cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết thị trường nội địa cả trăm triệu dân. Phó Thống đốc lưu ý, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Dù vậy, Phó Thống đốc bày tỏ, cần phải hiểu rằng, không thể ném tiền qua cửa sổ, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng. Bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Ông Tú nêu, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.
Điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện quốc gia
Trong khi đó, hôm qua, phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trả lời các kiến nghị về điều hành tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng đã nêu nhiều quan điểm thẳng thắn.
Trong đó, Thống đốc nhấn mạnh việc điều hành tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì một doanh nghiệp riêng nào cả.
“Trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến khó lường thì Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực điều hành, điều tiết các giải pháp chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường kinh tế vĩ mô”, báo Chính phủ dẫn lời Thống đốc cho biết.
Riêng với vấn đề tỷ giá, bà Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với Ngân hàng Nhà nước thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.
Dẫn chứng, năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi.
“Do vậy, chúng tôi xin nhắc lại, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Thống đốc cho biết, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và NHNN cũng đã có nhiều cuộc họp để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhà nước đều là các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất lớn. Bà Hồng lưu ý, do đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng trong hệ thống trên cơ sở khả năng cân đối vốn phối hợp với các ngân hàng khác để có thể đồng tài trợ.
Trường hợp số vốn quá lớn không thể đồng tài trợ, NHNN cũng sẽ hướng dẫn các ngân hàng báo cáo lên cấp có thẩm quyền để cấp tín dụng, Thống đốc dẫn chứng nêu ra trường hợp của ngân hàng Vietcombank đã báo cáo về việc trình và cấp tín dụng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 của Tập đoàn điện lực Việt Nam với tổng số vốn lên đến 27.000 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua, do tác động của dịch COVID-19 và do bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới khiến các doanh nghiệp nhà nước đều gặp khó khăn về nguồn tiền và tín dụng.
Thống đốc cho hay, hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên đánh giá uy tín, tín nhiệm của khách hàng còn NHNN chỉ đóng vai trò điều hành tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống.
“Năm nay, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng là 14% theo chỉ đạo của Thủ tướng”, Thống đốc khẳng định.