Đồng Việt Nam yếu đi so với đô la Mỹ nhưng lại mạnh hơn nhiều đồng tiền khác

© Fotolia / ChachaniṭĐồng Việt Nam
̣Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.09.2023
Đăng ký
Đồng tiền quốc gia của Việt Nam (VND) đang yếu đi so với USD, nhưng lại có xu hướng mạnh lên so với đồng tiền của nhiều nước khác.
Dù tỷ giá hiện diễn biến căng thẳng hơn, nhưng các chuyên gia và tổ chức tài chính dự đoán việc VND yếu đi so với USD trong năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không có biến động quá lớn. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành tỷ giá khá tốt.

VND đang yếu đi so với đồng đô la Mỹ

Như đã thấy, thời gian gần đây, trước các động thái thắt chặt của Mỹ và biến động trên chính trường quốc tế, cũng như thị trường trong nước, USD ngày càng có xu hướng mạnh lên.
Trước đà tăng giá của đồng đô la, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phải nâng tỷ giá trung tâm lên mức cao nhất trong lịch sử trong tuần này. Chốt phiên giao dịch hôm 15/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.036 đồng/USD, tăng tiếp 23 đồng/USD so với phiên trước đó.
Ghi nhận diễn biến đà yếu đi của VND so với đô la Mỹ cho thấy, tỷ giá trung tâm những ngày qua tiếp tục vượt 24.000 đồng.
Giá đô la Mỹ niêm yết ở các ngân hàng thương mại vượt mốc 24.050 đồng/USD mua vào, 24.390 đồng/USD bán ra, tăng 60 đồng/USD so với 14/9.
Tính từ đầu năm đến nay, giá USD ở các ngân hàng tăng khoảng 600 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,7%.
Trong khi đó, nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 400 đồng/USD, tương đương mức tăng 1,8%. Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh tham chiếu dữ liệu từ Google Finance cho thấy, tính từ đầu 2023 đến nay, USD ước tính đã mạnh lên khoảng 2% so với VND, còn so với hồi đầu năm ngoái, thì VND đã mất giá khoảng 5,5% so với USD.
Đốt đồng đô la - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.09.2023
Thời điểm phi đô la hóa đến với tốc độ kỷ lục

Đồng Việt Nam mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác

Tuy vậy, nếu nhìn rộng ra từ nhiều phương diện, dù đang yếu đi và bị mất giá so với USD nhưng VND của Việt Nam lại trở nên mạnh hơn khá nhiều đồng tiền khác.
Dẫn chứng, nếu lấy mốc thời gian là đầu năm 2022, khi so với một rổ gồm 26 đồng tiền thì VND mạnh hơn 19 đồng (73%). Nhóm 26 đồng tiền này được lựa chọn từ những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất và một số thành viên trong khối ASEAN.
Nếu lấy mốc thời gian là đầu năm 2023, VND vẫn mạnh lên so với 12/26 đồng tiền (46%). Còn nếu chốt tại thời điểm 16/3/2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất, thì VND đã tăng giá so với 15 đồng (58%).
Thống kê cho thấy, nếu căn cứ mốc là đầu năm 2022, VND đang mạnh lên so với đa số các đồng tiền lớn trên thế giới, chỉ yếu hơn peso Mexico (MXN), real Brazil (BRL), franc Thụy Sỹ (CHF), USD (cùng các đồng được neo giá theo đồng bạc xanh của Mỹ).
Trong khi đó, đồng yên Nhật (JPY) đã yếu đi 17,5% so với VND. Nhân dân tệ (CNY) giảm giá 8% so với đồng tiền của Việt Nam còn đồng won Hàn Quốc (KRW) cũng yếu đi 5,4% giá trị.
Các đồng tiền lớn như bảng Anh (GBP) hay euro (EUR) cũng lần lượt yếu đi khoảng 2,6% và 0,1% khi so sánh với VND.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến chính sách tiền tệ. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2022, đồng Việt Nam được cho là đã chống chịu tương đối tốt trước áp lực của USD.
VND mất giá chưa tới 5% so với USD trong bối cảnh chịu áp lực lớn khi Fed liên tục nâng lãi suất 11 lần lên mức cao nhất trong 22 năm, còn NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất.
Đồng Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.09.2023
Đồng Việt Nam bị USD o ép, Ngân hàng Nhà nước đứng giữa ngã ba đường
Cùng thời điểm, các đồng tiền như JPY, EUR, CNY hay GBP đều yếu đi so với VND, thậm chí có một số đồng tiền còn giảm gần 20%. Tính đến cuối năm, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dần bắt kịp đà tăng lãi suất của Fed và lợi thế của VND dần thu hẹp. Trong giai đoạn này, NHNN cũng đã điều chỉnh lãi suất nhằm ổn định tỷ giá VND/USD.
Còn nếu lấy mốc từ đầu năm nay thì sẽ có nhiều đồng tiền mạnh lên so với VND hơn là yếu đi.
Ở đây có nhiều nguyên nhân trong đó có thể tính đến việc NHNN đã hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp để kích thích nền kinh tế, đa số các quốc gia trong danh sách trên vẫn duy trì chính sách thắt chặt, cùng pha với Fed.
Trong đó, bảng Anh và euro mạnh lên so với VND trong bối cảnh Ngân hàng trung ương (NHTW) của Anh và EU đau đầu tìm cách thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát (cao hơn Mỹ), đồng thời nhà điều hành cũng chưa phát đi tín hiệu đảo chiều chính sách theo hướng nới lỏng.
Hai đồng tiền châu Á là nhân dân tệ và yên Nhật vẫn tiếp tục xu hướng yếu đi trong bối cảnh cả hai nước cùng giữ chính sách tiền tệ lỏng và đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Thực tế, tỷ giá JPY/VND đang gần mức thấp nhất được ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.

Tỷ giá căng thẳng nhưng không đáng lo

Xu hướng yếu đi của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ đã được tiên lượng và theo các tuyên bố của NHNN trước đó, VND vẫn đang là một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới.
Nhìn vào những diễn biến của tỷ giá VND/USD những ngày gần đây, nhiều chuyên gia, đơn vị phân tích đưa ra dự báo VND sẽ mất giá +/-2% trong năm 2023, có thể đạt mốc 24.500 đồng.
Tuy nhiên, áp lực có thể không mạnh và không đáng lo ngại bởi khả năng cân đối ngoại tệ của NHNN.
Điển hình như đại diện UOB vừa qua cho rằng, các dữ liệu vĩ mô và diễn biến thị trường, UOB tin tưởng, thị trường hoàn toàn có đủ điều kiện cân đối các nhu cầu mua bán ngoại tệ trong những tháng cuối năm.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính, cả năm 2023, VND có thể mất giá khoảng 3% so với đồng USD, thấp hơn mức biến động ghi nhận vào năm ngoái. Đồng thời, đà mất giá không mạnh so với USD và không có biến động quá lớn.
Nhận định về diễn biến tỷ giá gần đây, đại diện NHNN cho hay, từ giữa tháng 6/2023, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VNĐ có dấu hiệu tăng trở lại.
“Về cơ bản, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định trong bối cảnh các dòng ngoại tệ chảy vào nền kinh tế được duy trì, cân đối cung cầu ngoại tệ cải thiện so với năm 2022. Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối”, đại diện nhà điều hành cho biết.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng điều hành Hội nghị - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.07.2023
Tuyên bố mới của Thống đốc NHNN về lãi suất và tín dụng

NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá

Lãnh đạo NHNN lưu ý, khi Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều đồng tiền tiếp tục xu hướng mất giá so với USD như giai đoạn năm 2022, đồng tiền của một số nền kinh tế gặp khó khăn và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ như Trung Quốc, Nhật Bản mất giá mạnh so với USD.
Tại Việt Nam, như Sputnik thông tin, đại diện vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, hiện cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Tính chung 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ước xuất siêu 20,19 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022; tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022; chuyển tiền kiều hối về nước ước đạt 10,126 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022 cũng như các nguồn thu ngoại tệ khác từ khách du lịch…
“Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ”, NHNN khẳng định.
Về định hướng điều hành tỷ giá thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ.
NHNN cũng linh hoạt điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала