Quan trọng là Mỹ công nhận Việt Nam điều hành tiền tệ linh hoạt

© Sputnik / Natalia Seliverstovađô la Mỹ
đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.11.2023
Đăng ký
Việt Nam không thao túng tiền tệ. Điều quan trọng là thông qua làm việc, trao đổi, Mỹ cũng ngày càng hiểu rõ hơn và công nhận việc Việt Nam điều hành chính sách linh hoạt.
VnBusiness dẫn ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế-tài chính cho rằng, việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát về ngoại hối hiện chưa ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Mỹ.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi để không bị chạm ngưỡng liên tục 3 tiêu chí trong các kỳ báo cáo tiếp theo của Mỹ.

Không để chạm ngưỡng liên tục 3 tiêu chí về thao túng tiền tệ

Mới đây, Bộ tài chính Hoa Kỳ ban hành báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Trong đó, Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Tại kỳ ban hành báo cáo lần này, Mỹ đưa 6 nền kinh tế vào Danh sách giám sát về ngoại hối, bao gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam.
Cơ sở để Bộ Tài chính Hoa Kỳ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ dựa vào ba tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; thặng dư cán cân vãng lai; và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài, tính trong 12 tháng.
Việt Nam hiện vượt ngưỡng 2 tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ (đạt 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP).
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ với VnBusiness cho rằng, tại thời điểm này, việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ chưa ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Mỹ.
"Song chúng ta vẫn chưa thể chủ quan và phải tiếp tục theo dõi xử lý sao để Việt Nam không bị chạm ngưỡng liên tục 3 tiêu chí trong các kỳ báo cáo tiếp theo của Mỹ", - TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.10.2023
Kiểm toán Nhà nước lưu ý 4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc

Mỹ hiểu rõ và công nhận Việt Nam điều hành chính sách linh hoạt

Chuyên gia chỉ rõ, Mỹ cũng đã ngày càng hiểu rõ hơn, công nhận việc Việt Nam điều hành chính sách linh hoạt hơn, chứ không chỉ can thiệp để tạo ra lợi thế thương mại.
Trong báo cáo, họ cũng xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhắc lại, tại các cuộc làm việc song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, đã thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

"Tuy nhiên, Việt Nam đã có nhiều lần "ra-vào" trong danh sách giám sát của Mỹ và đó cũng là vấn đề đáng quan tâm", - theo ông Hiếu, hiện tại, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu lớn.

Chuyên gia phân tích, như năm 2022, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu gần 110 tỷ USD hàng hóa sang Hoa Kỳ, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12 tháng 2022 đạt 14,47 tỷ USD giảm 5,2%. Thặng dư thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 94,9 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu, hàng hóa dịch vụ từ Mỹ nhiều hơn nữa. Bởi nếu xảy ra tình huống Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến ngoại thương và khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Khi đó, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu với các hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tới cả nền kinh tế chung, do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân đối, tính toán để vừa nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại từ phía Mỹ, vừa duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính, tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.11.2023
Báo cáo của Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Có cách để Việt Nam không bị nghi ngờ thao túng tiền tệ

Bàn về giải pháp để vừa đảm bảo các hoạt động xuất nhập khẩu sang Mỹ, đồng thời, có thể loại trừ khả năng lọt vào danh sách thao túng tiền tệ, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong khả năng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá để không mua ròng ngoại tệ quá mạnh trong thời gian liên tục.
"Nghĩa là Việt Nam cần phải giữ tỷ giá ở mức ổn định để tránh đáp ứng tiêu chí thứ ba, gây ấn tượng không tốt cho Mỹ là tìm cách tăng tỷ giá nhằm có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam", - TS. Hiếu lưu ý.
Ở góc độ của các doanh nghiệp, theo ông Hiếu thì "không thể làm gì khác được", vì doanh nghiệp không có các công cụ chính sách tiền tệ, họ càng bán được nhiều hàng thì càng tốt và Chính phủ cũng khuyến khích điều này.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhập khẩu, nếu có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Mỹ trong khả năng cho phép và trong lợi ích của đất nước, thì ông Hiếu cho rằng, nên tăng nhập khẩu, để chứng tỏ Việt Nam không lợi dụng quá lớn lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu của mình với Mỹ.
Dự báo về tình hình tỷ giá VND/USD thời gian tới, nhận định với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá về cơ bản sẽ ổn định từ nay đến cuối năm trong bối cảnh đồng USD tăng giá.
Thời gian tới, có thể có vài đợt sóng, nhưng cơ bản là quan hệ cung cầu ngoại tệ Việt Nam tương đối tốt.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ rất thận trọng trong việc điều hành tỷ giá để tỷ giá không tăng mạnh trong thời gian tới để Mỹ không có cơ sở đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ", - ông Hiếu dự đoán.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước đang có những điều chỉnh về điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn.
Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2023 - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.11.2023
Kurt Campbell: Mỹ muốn giúp Việt Nam thành ‘con hổ mới’ của châu Á

"Việt Nam không thao túng tiền tệ"

Như Sputnik đề cập, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính Mỹ gần đây tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng xác nhận thông tin và khẳng định "Việt Nam không thao túng tiền tệ".
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo chính thức về vụ việc. Báo cáo này khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra những nhận xét tích cực về điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam", - người phát ngôn cho hay.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, trên tinh thần tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình hợp tác và phát triển, Việt Nam tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ và các kênh trao đổi thường xuyên hiệu quả với Mỹ, để chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết cũng như tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ giữa 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại, nhằm góp phần đưa kinh tế song phương Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững và đáp ứng lợi ích cả 2 bên.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала