Lại vấn đề kiểm soát Biển Đông
© iStock.com / SwimmoTrời trạng vạng tối ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa
© iStock.com / Swimmo
Đăng ký
Vấn đề Biển Đông luôn là điểm nóng trong quan hệ quốc tế từ gần một thế kỷ qua. Việc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, với Indonesia, gắn kết chặt chẽ hơn với Philippines, tăng cường quan hệ với ASEAN.v.v… đều có liên quan đến về đề kiểm soát Biển Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong bối cảnh chuẩn bị dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ở San Francisco, Tổng thống hai nước Indonesia và Mỹ đã nâng cấp quan hệ song phương từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tình hình ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông? Cuộc trao đổi của phóng viên Sputnik với Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm xoay quanh chủ đề quan trọng này.
Là dấu hiệu quan trọng
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, việc Mỹ và Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không phải là điều bất ngờ với thế giới, có điều việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này tại thời điểm này có gì đáng chú ý?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Từ tháng 5/2022, với tư cách là nguyên thủ quốc gia của đất nước có quy mô dân số và kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ ba về dân số ở Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ), tổng thống Indonesia đã nói về mối quan hệ ASEAN với Mỹ đã góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Việc ông Joko Widodo phát biểu điều này vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một năm sau, Indonesia sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN là dấu hiệu quan trọng cho thấy không chỉ quan hệ giữa ASEAN với Mỹ sẽ được củng cố mà quan hệ song phương Indonesia – Mỹ sẽ được tăng cường.
© Ảnh : Official Social media account of Joko WidodoTổng thống Indonesia Joko Widodo tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco.
© Ảnh : Official Social media account of Joko Widodo
Indonesia vốn là đồng minh chiến lược của Mỹ trong suốt thời kỳ “Chiến tranh lạnh” và 7 năm sau đó (1968-1998) dưới thời tổng thống Al-Hadj Mohamed Suharto, một trong các chính khách chống Cộng khét tiếng ở Đông Nam Á. Suharto lên làm tổng thống Indonesia năm 31 tuổi sau các cuộc bạo loạn nhóm vũ trang tự xưng “Phong trào 30 tháng 9” được Mỹ và phương Tây hỗ trợ nhằm vào các tướng lĩnh cao cấp của quân đội Indonesia. Là người sống sót duy nhất trong các vụ ám sát, tướng Suharto đã thành công trong việc thuyết phục người dân Indonesia và và dư luận quốc tế rằng đó là một cuộc đảo chính Cộng sản; và những vụ giết người là những tội ác hèn nhát để chống lại những anh hùng Indonesia. Ngay sau khi được Quốc hội Indonesia cử làm quyền tổng thống ngày 12/3/1968, Suharto đã tuyên bố chính sách của ông ta là đưa Indonesia vào một liên minh chống Trung Quốc và các chế độ cộng sản khác, đồng thời cảnh báo quân đội nên đứng ngoài cuộc. Trong 30 năm với đường lối “trật tự mới” của chế độ độc tài Suharto, Indonesia trên thực tế đã là đối tác chiến lược của Mỹ.
Thời kỳ “hậu Suharto” còn được gọi là “thời kỳ cải tổ”. Với các đảng Golka, Dân chủ, Dân chủ đấu tranh, Thức tỉnh dân tộc thay nhau cầm quyền, Indonesia dần dần chuyển sang đường lối trung lập. Chế độ bầu cử tổng thống trực tiếp thay cho chế độ bầu cử gián tiếp (thông qua Quốc hội) đã đem lại sự ổn định chính trị cho Indonesia, tạo điều kiện cho nước này có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế so với nhiều thập kỷ trước đó. Và 35 năm sau khi chế độ Suharto sụp đổ, Indonesia đã có một vị thế hoàn toàn khác để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ một cách bình đẳng hơn, cân bằng hơn.
Bản chất việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia của Mỹ là kiểm soát Biển Đông
Sputnik: Việc Mỹ và Indonesia nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, theo đánh giá của ông?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Vấn đề Biển Đông luôn là điểm nóng trong quan hệ quốc tế từ gần một thế kỷ qua. Việc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, với Indonesia, gắn kết chặt chẽ hơn với Philippines, tăng cường quan hệ với ASEAN.v.v… đều có liên quan đến về đề kiểm soát Biển Đông. Sở dĩ bản chất ý đồ là kiểm soát Biển Đông chứ không phải là chủ quyền ở Biển Đông vì Mỹ không tham gia UNCLOS 1982 nên Mỹ không thể đặt vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Và Mỹ cũng không cần đặt vấn đề đó bởi họ lả “kẻ ngoài cuộc” về pháp lý đối với chủ quyền biển được quy định tại UNCLOS 1982.
Trên thực tế Indonesia có không nhiều quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông. Bởi ngoài nhóm đảo Natuna đang bị Trung Quốc “đe dọa” bởi “đường lưỡi bò”, Indonesia không có vùng đất liền nào khác tiếp giáp với Biển Đông nên chủ quyền của nước này trên Biển Đông chỉ gói gọn trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải và 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế tại quần đảo đó (với một số sự :chồng lấn” cùng Malaysia và Việt Nam). Indonesia cũng là quốc gia có vị trí cách xa Trung Quốc nhất so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Tuy nhiên, với vị thế là một quốc gia hàng đầu khu vực về kinh tế và dân số cũng như về vị thế chính trị, đồng thời là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, “tiếng nói” của Indonesia vẫn là tiếng nói “có trọng lượng” rất đáng kể trong khu vực, không hề thua kém so với Việt Nam, Malaysia hay Thái Lan. Chính vì vậy, ngoài các vấn đề về hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, người Mỹ vẫn xem Indonesia như một “tâm điểm” quan trọng tại khu vực Biển Đông, có thể tạo ra sự thống nhất nào đó trong lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp chiến lược song phương Mỹ - Indonesia, người Mỹ luôn nhắc đến vấn đề Biển Đông nhưng người Indonesia có vẻ không coi trọng vấn đề này lắm. Indonesia thừa biết thâm ý của Mỹ là muốn lôi kéo họ vào một tập hợp lực lượng để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, với khối lượng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc 11,1%, chỉ sau Nhật Bản (22,3%) và Mỹ (13,9%). Ở chiều ngược lại, Nhật Bản và Trung Quốc cũng là hai nguồn hàng lớn của Indonesia (tới 30% giá trị nhập khẩu). Vì vậy, việc điều chỉnh lại cán cân thương mại của Indonesia khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ về kinh tế không phải là điều dễ dàng. Còn trong vấn đề Biển Đông thì tiếng nói trực tiếp quyết định trong khối ASEAN không thuộc về riêng Indonesia mà thuộc về cả nhóm các quốc gia tiếp giáp trực tiếp với Biển Đông.
Không thể nói rằng Mỹ đã có Indonesia và Việt Nam là đồng minh trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc tại Biển Đông
Sputnik: Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện với Indonesia và Việt Nam, vậy có thể xem là hiện Mỹ đã có thêm “đồng minh” trong chiến lược cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nói chung, và Đông Nam Á, nói riêng, hay không?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Theo khái niệm quan hệ quốc tế thì “đồng minh” và “đối tác” là hai khái niệm khác nhau. Trong đó:
“Đồng minh” là quan hệ và là thực thể tập hợp giữa hai quốc gia trở lên, có chung quyền lợi về quan điểm về chính trị, kinh tế, quân sự… cùng đứng về một phía để hành động đáp ứng lợi ích chung cũng như lợi ích của các thành viên. Tập hợp đồng minh không thể có quan điểm trái chiều, đối lập. Trong quan hệ đồng minh có thể có các lĩnh vực riêng rẽ như đồng minh chính trị, đồng minh quân sự… Trên thực tế, quan hệ đồng minh là tập hợp một nhóm quốc gia này nhằm chống lại một hoặc một nhóm quốc gia khác. Quan hệ đồng minh được thiết lập khi mâu thuẫn giữa các quốc gia, các nhóm quốc gia phát triển tới mức không thể dung hòa, thường được viện dẫn các điều luật quốc tế để thiết lập đồng minh, nhưng cũng có nhiều trường hợp không cần viện dẫn bất cứ điều luật nào mà chỉ dựa trên các học thuyết chính trị.
“Đối tác” trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ mối quan hệ cộng tác, hợp tác nhưng ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn. Đối tác bao gồm hai hoặc nhiều bên cùng hành động nhằm: Tăng cường hợp tác, hướng đến những mục tiêu chung; xây dựng những kênh cơ bản, các cơ chế giải quyết bất đồng, tranh chấp; triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ; thỏa thuận phương hướng đánh giá mức độ tiến bộ; chia sẻ thành tựu hợp tác. Mối quan hệ đối tác thể hiện sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại. Các quan hệ đối tác khá linh hoạt về hình thức, tùy thuộc mức độ phát triển quan hệ giữa các bên. Tùy từng mức độ quan hệ mà chia thành các cấp độ khác nhau, như đối tác song phương, đối tác khu vực, đối tác quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện…
Với các tính chất đó thì “đồng minh” là mối quan hệ bậc cao nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế. Nó thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa các quốc gia với nhau như “anh em trong một gia đình”. Cả về quân sự cũng như chính trị, các quốc gia liên kết đồng minh luôn có đối tượng đấu tranh chung, có đối tượng tác chiến chung. Có một điểm đặc biệt là trong quan hệ đồng minh, thông thể chấp nhận việc một thành viên nào đó của khối “đi đêm” với kẻ thù, với đối thủ của khối.
Trong khi đó thì quan hệ đối tác là quan hệ tuy có những ràng buộc nhất định, thậm chí là tương đối chặt chẽ về nhiều mặt như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhưng luôn có nhiều “tính mở” để vừa tôn trọng quyền lợi riêng của mỗi bên, vừa làm tiền đề để giải quyết các mâu thuẫn, các điểm khác biệt. Vì vậy, quan hệ đối tác có tính mềm dẻo, linh hoạt hơn rất nhiều so với quan hệ đồng minh. Chính ưu điểm này đã giúp cho thế giới phát triển về nhiều mặt mà vẫn giữ được sự ổn định tương đối.
13 Tháng Mười Một 2023, 15:31
Đối chiếu với thực tế thì Mỹ đã hợp tác với Việt Nam ở mức đối tác chiến lược toàn diện là quan hệ hợp tác cao nhất hiện nay. Đó đúng là sự nâng cấp. Nhưng ngược lại, Mỹ đã phải chấp nhận “hy sinh” quan hệ “đồng minh” với Indonesia vốn có từ những năm 1968-1998 trước đó để đổi lấy phương án tối ưu nhất, khả thi nhất là quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với nước này.
Vì quan hệ đối tác, dù là đối tác chiến lược toàn diện không hề cấm đối tác “đi đêm” hoặc “công khai” quan hệ với đối thủ nên không thể có chuyện Việt Nam hay Indonesia vì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ mà “sao nhãng” Trung Quốc. Bởi mọi mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay đều ở trong trạng thái vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Tiêu chí để xác định tính chất hợp tác hay đấu tranh đều phụ thuộc vào lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc nên cũng không thể nói rằng Mỹ đã có đồng minh trong chiến lược cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc cho dù mức độ quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Indonesia chưa đạt tới mức cao nhất.
Và cuối cùng, dù cho quan hệ giữa Indonesia với Mỹ và Trung Quốc chưa thể đạt tới mức “cân bằng tương đối” như Việt Nam thì vẫn còn đó một ASEAN mà Indonesia là một thành viên rất quan trọng của khối. Trong quyền lợi của ASEAN khi quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc đều có quyền lợi của Indonesia và ngược lại, quyền lợi của Indonesia là một phần quyền lợi của ASEAN. Bất cứ đối tác nào của ASEAN khi đặt vấn đề quan hệ với một trong các nước ASEAN đều phải chú ý và đáp ứng các lợi ích chung của khối và lợi ích riêng của từng quốc gia ASEAN. Nếu họ có bất cứ động thái nào khác thì đó chính là mầm mống nguy cơ chia rẽ ASEAN.
Sputnik: Cảm ơn ông đã có những phân tích rất hay và sâu sắc.