Chuyên gia: Mỹ muốn tiếp cận tài nguyên Bắc Cực trước Nga
07:32 29.12.2023 (Đã cập nhật: 15:57 29.12.2023)
Đăng ký
Các tuyên bố của chính phủ Mỹ về việc mở rộng thềm lục địa nhằm mục đích tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ở Bắc Cực, nơi có thể được các nước khác trong khu vực bao gồm LB Nga và Canada tuyên bố chủ quyền, các nhà phân tích và cựu quan chức được Sputnik phỏng vấn nhận xét.
Chính quyền Mỹ tuần trước đã công bố bản đồ chính thức về thềm lục địa mở rộng, bắt đầu ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển ở Bắc Cực, Đại Tây Dương, Biển Bering, Thái Bình Dương, hai khu vực của Vịnh Mexico và Quần đảo Mariana. Theo giải thích của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ranh giới do Mỹ xác định đối với thềm lục địa mở rộng của nước này không tạo ra tranh chấp lãnh thổ với Nga nhưng sẽ đòi hỏi việc phân định với Canada và Nhật Bản.
"Tuyên bố của Mỹ về việc mở rộng yêu sách về thềm lục địa khẳng định lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ đối với trữ lượng tài nguyên khổng lồ nằm dưới đáy biển - từ khoáng sản và các nguyên tố đất hiếm cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế xanh cho đến dầu mỏ và khí đốt”, - cựu nhân viên Lầu Năm Góc, người phụ trách công tác giám sát an toàn sinh thái Sherry Goodman nhận định.
Theo đánh giá gần đây nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ vào tháng 7/2008, Vòng Bắc Cực chứa khoảng 90 tỷ thùng dầu chưa được khảo sát, hàng nghìn tỷ feet khối khí đốt và nhiều tài nguyên khoáng sản quan trọng khác.
Cựu chỉ huy LLVT Canada ở Bắc Cực ông Pierre LeBlanc nói với hãng tin rằng việc sản xuất dầu và khai thác dưới đáy biển ở Bắc Cực đòi hỏi chi phí tài chính rất lớn. Ông cho biết cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để xác định tiềm năng của các mỏ chưa được khai thác trong khu vực.
“Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện để khẳng định luận điểm rằng ở đó những khoáng sản này”, - ông LeBlanc cho biết.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng Hoa Kỳ tuyên bố yêu sách đối với các khu vực mới bổ sung trên thềm lục địa để bảo vệ lợi ích của mình và cho rằng theo thời gian, các nước Bắc Cực khác cũng có thể thực hiện bước đi như vậy.
“Nếu Hoa Kỳ không làm điều này thì Nga hoặc Canada có khả năng cũng sẽ đưa ra yêu sách đối với một phần lãnh thổ đó”, - cựu chỉ huy quân sự Canada lưu ý.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra khía cạnh pháp lý của vấn đề, nhắc lại rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, điều mà lẽ ra sẽ mang lại cho nước này khả năng yêu cầu các quyền bổ sung ở lãnh thổ bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của mình.
“Đáng tiếc là tầm quan trọng của bước đi này bị che khuất bởi các vấn đề về khả năng thực thi và độ tin cậy mà Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt do tiếp tục không phê chuẩn Công ước về Luật Biển”, - giáo sư Abbie Tingstad của Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực trực thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ cho biết.