Tin nhắn cuối cùng của thuỷ thủ Việt Nam bị nã tên lửa, thi thể sẽ sớm được hồi hương
© Ảnh : Gia đình cung cấpAnh Đặng Duy Kiên, đại phó bị thiệt mạng khi tàu hàng bị Houthi tập kích trên biển Đỏ. Ảnh: Gia đình cung cấp
© Ảnh : Gia đình cung cấp
Đăng ký
Dòng tin nhắn cuối cùng của đại phó Đặng Duy Kiên, thuỷ thủ người Việt thiệt mạng khi tàu hàng True Confidence bị Houthis nã tên lửa trên vịnh Aden, như lời nguyện cầu của tất cả thuỷ thủ trên các tàu đi qua Biển Đỏ ở giai đoạn căng thẳng này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang khẩn trương hoàn thiện quy trình cấp hộ chiếu mới cho 3 thuyền viên Việt Nam và đưa thi thể anh Đặng Duy Kiên về nước.
Việt Nam sớm đưa thuỷ thủ tàu True Confidence bị Houthis bắn tên lửa về nước
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đêm qua (9/3) đã thông tin về công tác bảo hộ công dân bị ảnh hưởng trong vụ tàu hàng True Confidence bị lực lượng Houthis ở Yemen tấn công trên Biển Đỏ ngày 6/3.
Theo đó, Đại sứ quán cho biết đang tích cực phối hợp với các bên hữu quan để sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết và đưa nhóm thuyền viên Việt Nam đang lưu trú tại Djibouti trở về nước.
“Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang khẩn trương hoàn thiện quy trình cấp hộ chiếu mới cho 3 thuyền viên Phạm Văn Thành (39 tuổi, quê Hải Phòng), Nguyễn Văn Tảo (36 tuổi, quê Hải Dương) và Phùng Văn An (33 tuổi, quê Thái Bình)”, - VOV dẫn thông tin từ cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại cho hay.
Trước đó, các thuyền viên Việt Nam đã bị mất toàn bộ giấy tờ tùy thân, trong đó có hộ chiếu, sau cuộc tấn công.
© Ảnh : Public domain/U.S. Central Command Public AffairsTàu True Niềm tin bị hư hại bởi các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ
Tàu True Niềm tin bị hư hại bởi các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ
Dự kiến, ngày 13/3 tới đây, các thuyền viên có thể nhận được hộ chiếu mới do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại UAE cấp.
“Giấy chứng tử với thuyền viên Đặng Duy Kiên bị thiệt mạng trong vụ tấn công, dự kiến cũng sẽ được hoàn tất trước thời điểm này”, - Đại sứ quán cho biết.
Cũng theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, cả 3 thuyền viên Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Tảo và Phùng Văn An, hiện vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần ổn định.
Về tiến trình cụ thể hồi hương, Đại sứ quán đang chờ quyết định của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hàng hải Hải Phòng (HP MARINE) – đơn vị chủ quản của các thuyền viên – về lựa chọn đường bay và ngày bay về Việt Nam cho các thuyền viên, để triển khai các bước hỗ trợ cần thiết tiếp theo.
Trên 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc trên các tàu nước ngoài
Như Sputnik đưa tin, tàu True Confidence thuộc sở hữu của Công ty Hàng hải Liberia True Confidence Shipping, mang cờ Barbados và đang do công ty Hy Lạp Third January Maritime vận hành.
Đợt đi biển này, trên tàu có 20 thuyền viên gồm 15 người Philippines, 4 người Việt Nam và một người Ấn Độ. Ba bảo vệ có vũ trang trên tàu gồm hai người Sri Lanka và một người Nepal.
Tàu bị trúng tên lửa lúc 17h20 ngày 6/3, trên hành trình chở hàng từ Trung Quốc đến Saudi Arabia, khi cách cảng Aden, Yemenhơn 90km khiến 3 thuyền viên tử vong, trong đó có đại phó Đặng Duy Kiên, 41 tuổi, người Việt Nam và 2 thuỷ thủ người Philippines khác.
Đây là lần đầu tiên ghi nhận thương vong kể từ khi Houthi gia tăng tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ để gây sức ép buộc Israel ngừng chiến dịch nhằm vào Hamas.
Thông tin liên quan vụ việc, báo Dân Trí dẫn lời một cán bộ phòng Vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho hay, đội tàu viễn dương của Việt Nam chủ yếu hoạt động ở nội Á, ít khi đi qua khu vực biển Đỏ. Do đó, việc tàu hàng Việt Nam bị Houthis tấn công ít có khả năng xảy ra.
© Ảnh : Cục Hàng hải Việt NamCục Hàng hải Việt Nam thăm hỏi động viên gia đình thuyền viên Đặng Duy Kiên. Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam
Cục Hàng hải Việt Nam thăm hỏi động viên gia đình thuyền viên Đặng Duy Kiên. Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam
© Ảnh : Cục Hàng hải Việt Nam
Tuy nhiên, rủi ro hiện nay nằm ở các thuyền viên quốc tịch Việt Nam đang làm việc cho các hãng tàu biển nước ngoài.
Cán bộ hàng hải này cho biết, ước tính trên 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm cho các hãng tàu biển nước ngoài và hiện chưa thể ước lượng được bao nhiêu trong số họ có hành trình qua biển Đỏ.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cũng xác nhận, lãnh đạo cục đã về Hải Phòng thăm hỏi gia đình đại phó Đặng Duy Kiên, thuyền viên Việt Nam thiệt mạng sau vụ tấn công của Houthis vào tàu chở hàng trên vịnh Aden.
Lãnh đạo Cục Hàng hải khẳng định Bộ GTVT và cục đang nỗ lực thực hiện thủ tục để sớm đưa thi thể của đại phó Kiên cùng 3 thuyền viên Việt Nam sống sót trở về Việt Nam.
Cục trưởng Cục Hàng hải Lê Đỗ Mười đã chỉ đạo Công ty HP Marine (đơn vị ký hợp đồng đưa thuyền viên ra nước ngoài) khẩn trương phối hợp với chủ tàu, đơn vị bảo hiểm thực hiện hồi hương, chi trả bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi cho gia đình các nạn nhân.
Những ngày qua, Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty HP Marine đã có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đề nghị triển khai quy trình bảo hộ công dân và đưa các thuyền viên về nước.
Dòng tin nhắn cuối cùng của thuỷ thủ Đặng Duy Kiên
Theo lời máy trưởng Phạm Văn Thành, quê Hải Phòng, ngày 6/3, sau khi tàu bốc cháy trên Biển Đỏ do trúng tên lửa của lực lượng Houthis, các thuyền viên đã dìu nhau xuống xuồng cứu sinh và được tàu chiến Ấn Độ giải cứu sau hai giờ.
“Đại phó Kiên bị bỏng nặng, cầm cự được một giờ mới mất”, - máy trưởng Phạm Văn Thành kể.
Sau đó, các thuyền viên Việt Nam may mắn sống sót cùng thi thể anh Kiên đã được đưa về thành phố cảng của Djibouti ở Đông Phi. Tuy nhiên, toàn bộ giấy tờ tùy thân đều mất hết.
Trong ngày 9/3, đại diện chính quyền, người thân, bạn bè đã đến chia buồn với gia đình chị Lê Miền - vợ đại phó Đặng Duy Kiên ở phố Trung Hành (quận Hải An, Hải Phòng).
Báo Lao Động dẫn lời kể của chị Miền cho biết, cuối năm 2023, anh Kiên xin làm ở Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ hàng hải Hải Phòng (HP MARINE), nhận công việc trên tàu True Confidence chở thép từ Trung Quốc đến Arab Saudi, giữ vị trí đại phó.
“Trước ngày nhận việc, anh Kiên nói muốn đi làm để có thu nhập, cho các con cuộc sống tốt hơn, sau này không phải vất vả như bố”, - người vợ nói.
Ngày 30/1, anh Kiên lên máy bay, bắt đầu hành trình. Đến ngày gặp nạn, anh Kiên đã đi được 5 tuần.
Chị Miền kể, trong suốt thời gian này, anh Kiên luôn giữ liên lạc với gia đình, người thân.
Riêng với chị Miền, ngày nào anh cũng nhắn tin, cập nhật tình hình, tâm sự với vợ. Chuyến này, anh Kiên dự định đi khoảng 8 tháng, lúc về vừa kịp con trai thứ 2 vào lớp 1.
Người vợ cho biết, sau khi sang đến Trung Quốc nhận hàng, anh Kiên mới được đơn vị vận hành thông báo tàu sẽ đi qua Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthis nơi đang có chiến sự căng thẳng, Houthis liên tục bắn tên lửa vào các tàu hàng.
Chị Lê Miền cũng kể, anh Kiên đã cảnh báo về mối nguy hiểm, nhưng thuyền trưởng Ấn Độ không thay đổi hành trình.
Đến ngày tàu khởi hành, anh Kiên còn dặn dò chị hàng ngày đọc báo để thông tin lại cho anh về tình hình chiến sự ở Biển Đỏ.
“Thỉnh thoảng điện về, anh vẫn động viên tôi, nói hè này anh về sẽ phụ em đưa đón các con. Tin nhắn cuối cùng vào đêm 5/3, anh nói chuẩn bị qua vùng chiến sự, hi vọng sẽ an toàn. Vậy mà…”, - chị Miền bật khóc.
Chị cho biết, dòng tin cuối cùng anh Kiên nhắn cho vợ là lúc 23h50 ngày 5/3:
“Anh sắp qua vùng chiến sự, hy vọng được bình an”. Chị Miền lo nhưng vẫn dặn dò anh Kiên rằng: “Dù thế nào anh cũng phải trở về an toàn với mẹ con em”.
Chị Miền bày tỏ, gia đình mong muốn sớm đưa được thi thể anh trở về với gia đình. Người vợ cũng kể, lúc còn sống, anh Kiên lúc nào cũng đau đáu về quê hương Tam Cường (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), mong khi các con đã lớn, trưởng thành, anh sẽ xây căn nhà ở quê để sống gần họ hàng, người thân. Vậy nên, gia đình dự định sẽ tổ chức tang lễ cho anh chính tại quê nhà.
Ngày 7/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, các cơ quan đại diện Việt Nam sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại, khẩn trương tiến hành biện pháp bảo hộ công dân, xử lý vấn đề hậu sự cho thuyền viên tử vong nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước làm việc với công ty phái cử thuyền viên để triển khai biện pháp bảo hộ cần thiết.
“Việt Nam cực lực lên án hành vi tấn công bạo lực, vô nhân đạo nhằm vào dân thường vô tội và các phương tiện dân sự trên các tuyến hàng hải quốc tế. Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan chấm dứt ngay lập tức những hành động sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do cho tuyến hàng hải quốc tế trên cơ sở phù hợp luật pháp quốc tế”, - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.