Vì sao Việt Nam thiếu máy bay?
09:18 23.03.2024 (Đã cập nhật: 10:31 25.03.2024)
© iStock.com / tigristiaraMáy bay Boeing 777 của Turkish Airlines chuẩn bị cho chuyến bay đêm, sân bay ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
© iStock.com / tigristiara
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Nhiều hãng hàng không phải trả lại máy bay do khó khăn tài chính sau đại dịch Covid-19 để "tái cấu trúc". Cùng việc một số máy bay phải tạm ngừng hoạt động để kiểm tra và bảo trì, đã khiến thị trường hàng không Việt Nam đối mặt khủng hoảng chưa từng có. Trong khi, mùa cao điểm hè đang tới gần.
Loạt nguyên nhân biến động đội bay
Liên tiếp các thông tin không vui ập đến với ngành hàng không Việt Nam trong thời gian gần đây. Từ việc sụt giảm số lượng máy bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ để khắc phục lỗi sản xuất, đến việc “tái cấu trúc” một số hãng bay.
Thực chất, vấn đề mà ngành hàng không Việt Nam đang đối diện đã bắt đầu từ nhiều năm trước, ngay đại dịch Covid-19. Giờ đây, hệ lụy ngày một hiện rõ.
Cụ thể, liên quan đến sự cố bất thường trong quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G trên máy bay A321 NEO của Airbus, Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay, Vietjet có 10 máy bay phải tháo động cơ để gửi đi bảo dưỡng.
Việc sửa chữa dự kiến mất hơn 200 đến 300 ngày khiến các máy bay này phải dừng khai thác trong năm 2024 và 2025. Điều này làm giảm năng lực khai thác đội máy bay thân hẹp của hãng đến 20%.
Giải thích về vấn đề này với Sputnik, TS. Dương Mạnh Cường - PCT Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng, việc máy bay phải chờ thiếu linh kiện là do các bên trong chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị bảo dưỡng quản lý hàng tồn kho chưa tốt, thiếu lao động, logistics bị gián đoạn.
Bên cạnh ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật, đội bay của một số hãng hàng không còn bị suy giảm do nguyên nhân “tái cấu trúc”. Vì tình hình kinh tế khó khăn, các hãng hàng không đã tiến hành cắt giảm đường bay nội địa không hiệu quả và thu hẹp đội tàu bay mạnh mẽ.
Tình trạng thiếu máy bay chủ yếu đang gây ảnh hưởng đến các dòng máy bay thân hẹp. Đây là những loại máy bay thường được sử dụng cho các chặng bay ngắn và chiếm tỉ trọng lớn trong đội bay toàn cầu. Do đó, các chặng bay nội địa và khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn so với các chặng bay dài.
Bamboo Airways thu hẹp quy mô từ 30 chiếc máy bay xuống chỉ còn 9 chiếc. Với tình hình tài chính nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt đe dọa mất khả năng thanh toán, Pacific Airlines buộc phải trả lại toàn bộ máy bay để trả nợ. Trong khi, Vietravel Airlines cũng chỉ còn 3 chiếc máy bay.
Vì tình hình kinh tế khó khăn, các hãng hàng không đã tiến hành cắt giảm đường bay nội địa không hiệu quả và thu hẹp đội tàu bay mạnh mẽ.
“Trong ngành hàng không của Việt Nam, tình trạng thiếu máy bay cũng đã gây ra tác động đáng kể. Điều này đã dẫn đến việc giảm số lượng đường bay hoặc tăng giá vé do sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không vì hạn chế về tài nguyên máy bay. Đồng thời, việc đặt vé cũng trở nên khó khăn hơn do nhu cầu cao hơn so với nguồn cung máy bay hiện có”, TS. Dương Mạnh Cường chia sẻ với Sputnik.
Lựa chọn ít, giá vé cao
Nói thêm về nguyên nhân tăng giá vé, theo PCT Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không Việt Nam, sâu xa hơn là do các hãng hàng không vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch Covid-19.
Vì những khó khăn về tài chính, các hãng hàng không đang tìm kiếm các phương án tài chính để chi trả các chi phí như xăng dầu, dịch vụ mặt đất, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc máy bay và các chi phí khác.
Điểm quan trọng của vấn đề vẫn nằm ở "sức khỏe" của các doanh nghiệp hàng không. Khi các doanh nghiệp đủ mạnh, các hãng sẽ tung ra các đợt khuyến mãi, với mức giá cạnh tranh và hành khách sẽ được hưởng lợi.
“Câu chuyện hàng không và giá vé, cần cải tổ dài hạn và phải có sự can thiệp của Nhà nước. Xăng dầu, tỷ giá hiện chiếm 20-30%, chi phí bảo trì bảo dưỡng cao. Vấn đề lõi vẫn là dòng tiền, vốn, cổ phần hóa để không chịu tác động quá lớn bởi tỷ giá ngoại tệ. Hiện các hãng đang phải nỗ lực tự cứu mình trước. Đặc biệt, để kích cầu du lịch sau đại dịch, hàng không và du lịch cần phải phối hợp chặt chẽ, để đưa ra sản phẩm thu hút khách. Không thể mỗi người mỗi ý, gây nguy cơ khách du lịch "chạy" ra nước ngoài”, ông Cường nêu rõ.
Chuyên gia dự báo, năm 2024, ngành hàng không vẫn đối mặt với những thách thức lớn về giá xăng dầu, tỷ giá và mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế quan trọng.
Cần mất vài năm nữa để nguồn cung máy bay mới có thể ổn định trở lại. Dịp cao điểm 30/4 và dịp hè là cơ hội để tăng doanh thu. Tuy nhiên các hãng hàng không Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm máy bay để thuê. Điều này có nghĩa sự lựa chọn sẽ ngày càng ít đi với hành khách và giá vé trên các chặng phổ biến sẽ tăng lên.
“Để giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng, các hãng hàng không cần tăng cường khả năng dự báo nhu cầu. Dự báo nhu cầu chính xác là yếu tố quan trọng để tránh tình trạng thiếu máy bay hoặc tồn kho quá mức. Trong dài hạn, ngành hàng không cần tăng cường quản trị bảo trì bảo dưỡng bằng cách đầu tư vào việc hiệu quả hóa quy trình bảo trì, sử dụng công nghệ tiên tiến như máy bay tự động hóa và IoT (Internet vạn vật), cũng như đào tạo nhân viên kỹ thuật có chuyên môn cao. Việc này giúp rút ngắn thời gian bảo trì, giảm thiểu thời gian máy bay nằm chờ và tăng hiệu suất hoạt động của đội bay, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến lịch trình bay và giúp hệ thống hàng không hoạt động một cách hiệu quả hơn”, TS. Dương Mạnh Cường nhấn mạnh với Sputnik.