Thành công hội đàm ở Bắc Kinh cho thấy phương Tây thất bại dù cố ngăn Trung-Nga xích lại gần nhau
20:37 17.05.2024 (Đã cập nhật: 20:40 17.05.2024)
© AP Photo / Andy WongФлаги России и Китая на улицах Пекина
© AP Photo / Andy Wong
Đăng ký
Nga và Trung Quốc đã tạo lập những cơ chế hợp tác thiết thực hiệu quả trong điều kiện gia tăng lệnh trừng phạt và áp lực từ phương Tây. Sự xích lại gần nhau của Nga và Trung Quốc được quyết định bởi logic phát triển hiện thực chứ không phải bởi tình hình địa chính trị.
Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo phản ánh sự phối hợp và hợp tác chiến lược ăn ý nhịp nhàng của hai nước khi giải quyết các công việc của khu vực và quốc tế.
Các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn đã nêu nhận xét như vậy về kết quả hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kết quả địa chiến lược chính của cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga được phản ánh ở ba khía cạnh, ông Vương Bằng (Wang Peng) chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Ngoại ngữ Chiết Giang lưu ý trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Thứ nhất, đã củng cố sâu sắc niềm tin chính trị lẫn nhau của hai bên. Cuộc gặp của ông Tập Cận Bình và ông Putin đã góp phần thúc đẩy tiến trình này. Các bên tái khẳng định cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế quan trọng, giúp tăng cường hợp tác chiến lược chung, cùng đảm bảo sự ổn định của khu vực và toàn cầu.
Thứ hai, các bên đã nhấn mạnh tính đa phương và luật pháp quốc tế. Lãnh đạo Trung Quốc và Nga một lần nữa khẳng định lập trường ủng hộ chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế. Điều đó nói lên rằng cả hai nước đều có ý định đóng vai trò tích cực trong công việc quốc tế, bảo vệ trật tự thế giới dựa trên cơ sở Liên Hợp Quốc, đồng thời phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bá quyền.
Thứ ba, điều này liên quan đến sự phát triển thực tế hợp tác song phương. Trong quá trình cuộc gặp của các lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã đạt được hàng loạt thỏa thuận về hợp tác song phương, liên quan đến hợp tác kinh tế-thương mại, năng lượng, khoa học và công nghệ. Những thỏa thuận này góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Trung-Nga và đạt thành tựu trên cơ sở lợi ích chung của hai bên”, chuyên gia lưu ý.
Ngày đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga kết thúc bằng các cuộc đàm phán không chính thức giữa lãnh đạo hai nước. Tại đó, ông Vladimir Putin xác nhận ý định của Nga trong việc cải thiện hợp tác với Trung Quốc và các nước khác ở Nam bán cầu vì lợi ích công lý và bình đẳng quốc tế. Về phần mình, ông Tập tuyên bố sẵn sàng cùng làm việc với Tổng thống Putin để mang đóng góp cho an ninh và ổn định toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, GS-TSKH Yana Leksyutina nghiên cứu viên chính tại Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga lưu ý rằng các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh đã phát đi một số tín hiệu cho phương Tây.
“Nga và Trung Quốc đã tạo lập các cơ chế hợp tác thực tế hiệu quả, ngay cả trong điều kiện gia tăng các lệnh trừng phạt và áp lực từ phía phương Tây đối với cả hai nước. Những cơ chế này đang hoạt động phát huy tác dụng. Cụ thể, Nga và Trung Quốc thực hiện hơn 90% các giao dịch thanh toán chung bằng đồng bản tệ quốc gia. Bất chấp áp lực dưới dạng trừng phạt và gia tăng những hành động hạn chế khác chống cả Nga và Trung Quốc, các bên vẫn có thể tìm ra cơ chế để tiếp tục phát triển hơn nữa. Thực tế này khiến phương Tây rất lo ngại, bởi họ không thể ngăn cản hai nước Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, còn bên lề các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh đã công bố rằng Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc. Đây là trạng thái hoàn toàn mới, bởi đã một thời gian dài Nga chỉ đứng ở vị trí thứ 10 hoặc 11 trong danh sách này.
Phương Tây không thể không thừa nhận rằng Nga và Trung Quốc có mối liên kết bền chặt không chỉ về liên lạc chính trị và quan hệ cá nhân giữa các nguyên thủ quốc gia. Tất cả điều này được hỗ trợ củng cố bởi sự hợp tác chặt chẽ về thương mại-kinh tế, đầu tư và công nghiệp. Còn thêm một thông điệp rất quan trọng nữa gửi tới phương Tây là quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc không nhằm mục đích chống lại các nước thứ ba. Ngay trong ngày đàm phán đầu tiên các bên đã nhiều lần tuyên bố rằng quan hệ song phương được xây dựng dựa trên quan tâm lợi ích trùng hợp và không mang tính cơ hội. Nghĩa là, việc hai nước xích lại gần nhau không phải do tình hình địa chính trị hiện tại; quan hệ phát triển tương ứng với logic phát triển nội tại của mỗi nước. Đây là điểm rất quan trọng”, GS-TSKH Yana Leksyutina nói.
Theo đánh giá của chuyên gia Vương Bằng, cần chú ý đến một thông điệp mạnh khác gửi phương Tây qua tuyên bố do Chủ tịch Trung Quốc đưa ra tại cuộc gặp chung của ông Tập và Tổng thống Nga Putin với các nhà báo.
“Tuyên bố từ phía Trung Quốc đã phát ra tín hiệu rõ ràng dành cho Hoa Kỳ và châu Âu, rằng trong quan hệ Trung-Nga, sự hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quan trọng hoàn toàn không chịu tác động ảnh hưởng bởi áp lực từ bên ngoài. Bằng cách nhấn mạnh rằng các bên sẽ tuân thủ nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không mang định hướng chống lại các nước thứ ba, Trung Quốc nói rõ với Hoa Kỳ và châu Âu rằng quan hệ giữa Trung Quốc và LB Nga được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hợp tác tương hỗ, Matxcơva và Bắc Kinh không phải là một khối liên minh nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba hoặc khối đối đầu chống lại ai đó".
Tóm lại, kết quả chính của cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin phản ánh sự phối hợp và tương tác chiến lược của hai nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời phô trương cho các đấu thủ bên ngoài thấy thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc và Nga trong việc kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa đa phương và trật tự thế giới”, chuyên gia Vương Bằng khái quát.
Tuyên bố chung
Tầm nhìn chung của Trung Quốc và Nga về an ninh và ổn định khu vực phản ánh trong tuyên bố chung về củng cố sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện và cam kết tương hỗ chiến lược khi hai nước bước vào kỷ nguyên mới. Cụ thể, các bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự, mở rộng quy mô các cuộc tập trận chung và kết hợp đào tạo quân sự-huấn luyện chiến đấu. Đồng thời, hai bên hài lòng ghi nhận rằng đà phát triển nhất quán trong hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, dựa trên mức độ cao của sự tin cậy chiến lược chung, đang phát huy tác dụng “tăng cường an ninh khu vực và toàn cầu một cách hiệu quả”.
Nga và Trung Quốc đều lo ngại về việc điều chuyển các tổ hợp phóng tên lửa tầm trung và tầm ngắn đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu; Trung-Nga coi đây là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của hai nước. Đồng thời Trung Quốc và Nga thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông cần được các bên hữu quan giải quyết thông qua con đường đàm phán và tham vấn, cũng như kiên quyết phản đối sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực vào vấn đề này.
Nga và Trung Quốc cũng ghi nhận tác động tiêu cực đến hòa bình và ổn định khu vực trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đồng bộ với đường lối phá hoại hủy diệt của NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên thủ quốc gia của hai nước tuyên bố phản đối việc thành lập các hiệp hội và cấu trúc khối khép kín ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là các khối và liên minh quân sự nhằm chống lại bên thứ ba. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ lo ngại về những hậu quả của dự án AUKUS trên mọi khía cạnh đối với ổn định chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.