Chủ tịch nước Tô Lâm: Lãnh đạo các nước thấy xã hội Việt Nam an toàn
18:57 24.05.2024 (Đã cập nhật: 19:09 24.05.2024)
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Quang HảiĐồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Quang Hải
Đăng ký
Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, nhiều lãnh đạo các nước sang đây thấy xã hội Việt Nam an toàn, có thể đi bất kỳ đâu; khách du lịch đi đêm, đi ngày không bị đe dọa gì cả, không có khủng bố, đây là tiến bộ rất lớn.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Nhà nước, giờ dao sát thương lớn lắm. Đồng thời, không thể chấp nhận việc sử dụng dao với mục đích đe dọa, gây nguy hiểm cho người khác.
Lãnh đạo nước ngoài, khách du lịch thấy xã hội Việt Nam rất an toàn
Chiều nay Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Tại tổ 12, nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch nước Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, đã giải thích về đề xuất dao là vũ khí.
Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, khác với các nước, xã hội của chúng ta an toàn, không có súng, các loại vũ khí, công cụ đe dọa, gây mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào. Nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng súng đã dẫn tới nhiều vụ việc mất an toàn, an ninh cho người dân.
Theo Chủ tịch nước, bây giờ nhiều nước cũng đang nghiên cứu. Xã hội hòa bình, sống thân thiện tại sao phải có súng, tại sao phải cảnh giác lẫn nhau, phòng thủ lẫn nhau.
Theo Chủ tịch nước, đây là tiến bộ rất lớn của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, nhiều lãnh đạo các nước, khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam đều thấy xã hội Việt Nam rất an toàn. Khách nước ngoài, lãnh đạo có thể đi bất kỳ đâu. Khách du lịch đi đêm đi ngày không bị đe dọa gì cả, không có khủng bố. Người dân cũng như vậy, không bị ai bắt nạt.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, cũng có lúc hình thành băng này, nhóm kia đe dọa lẫn nhau bằng dao, các loại công cụ khác mà hiện nay chưa quản lý được do chưa đưa vào danh mục vũ khí.
Theo người đứng đầu Nhà nước, hiện trong báo cáo của cơ quan soạn thảo nói rất rõ, các vụ đâm chém nhau có tỷ lệ lớn, chủ yếu dùng dao.
“Trong khi chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó”, Chủ tịch nước nói và lưu ý, việc này xử lý chỉ là một phần, cái chính là tuyên bố của chúng ta không chấp nhận việc sử dụng dao với mục đích đe dọa, gây nguy hiểm cho người khác.
Theo đó, nhiều người ý kiến cho rằng, dao phục vụ đời sống dân sinh, phục vụ cuộc sống bình thường. Nhưng có trường hợp tập trung hàng chục người sử dụng dao, dao được hàn cán dài... thì không thể nói đây là phục vụ cho sản xuất hay hoạt động bình thường.
“Có trường hợp đi cả hàng chục người, ông lại có dao, mã tấu để trong cốp xe, rồi hàn những loại có cán thì không thể nói đây là tôi đi phục vụ sản xuất gì được”, Chủ tịch nước chỉ rõ.
Những loại dao, công cụ như vậy là nghiêm cấm, kể cả lưu giữ, không được sử dụng.
“Anh có ý định đe dọa người khác, đi cướp, rồi rất nhiều chuyện”, do vậy, Chủ tịch nước cho rằng, phải có "ranh giới" và cách thức quản lý.
Cũng xuất phát từ nguyên lý “mọi người dân không thể bị đe dọa bởi bất kể một áp lực nào, sức mạnh nào”, Chủ tịch nước cho rằng, trước đây, có tập tục muốn thể hiện sức mạnh là phải có súng, cung tên, giáo mác… nhưng hiện nay, khi xã hội hòa bình thì cần xử lý dần những chuyện đó.
“Chứ bây giờ dao sát thương lớn lắm. Kể cả dao thái lan, dao ăn, con dao gì đấy cũng có thể làm chết người được”, Chủ tịch nước lưu ý cần phải bổ sung quy định để quản lý, song vẫn tạo điều kiện cho hoạt động hàng ngày cho người dân.
Ông nhấn mạnh, đại đa số người dân đều mong xây dựng một xã hội lành mạnh, không có những thứ đe doạ.
“Nó không phải là vật liệu nổ hay không phải vũ khí giết người, nó còn để phục vụ cho sản xuất, phục vụ đời sống nhưng không được có yếu tố đe dọa, không được làm ảnh hưởng đến trật tự chung. Phải có nề nếp để quản lý, đặc biệt không được lợi dụng việc đó để gây nguy hiểm cho người khác”, ông Tô Lâm nói.
Chủ tịch nước nêu rõ, khi quản lý dao được quy định trong luật pháp và được công khai, thì tất cả mọi người đều đồng tình và phải tuân thủ.
Sẽ tiếp tục hoàn thiện
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, việc quy định dao sát thương cao là vũ khí thô sơ xuất phát từ thực tiễn quản lý trật tự tại thủ đô.
Ông nói, cứ vào ngày cuối tuần, ngày lễ, thanh niên ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận mới 15-16 tuổi đã rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, phóng lợn, kéo lê trên đường nhưng cơ quan chức năng rất khó xử lý bởi theo quy định hiện tại, những người này chỉ bị xử tội gây rối trật tự với điều kiện trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
“Nếu bổ sung như dự thảo luật lần này, Công an sẽ đủ cơ sở xử lý với các đối tượng ở độ tuổi đó”, tướng Trung nói.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội băn khoăn, dao là đồ vật hết sức phổ biến trong sản xuất, sinh hoạt đời sống.
Bà Thuỷ cho hay, thử tìm kiếm trên Google dao có lưỡi 20 cm thì ra một loạt hình ảnh các loại dao rất thông thường mà bếp nhà ai cũng có cả.
“Vậy muốn quản lý việc sản xuất, kinh doanh loại dao này thì không rõ mục đích của quy định này để làm gì?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt câu hỏi.
Bà lưu ý, khi dao này được sử dụng để gây thương tích thì mới coi là vũ khí, còn nếu sản xuất 1.000 con dao hoặc một con dao thì có quản lý việc này hay không để bắt khai báo. Ngoài ra, nếu dao do cơ sở sản xuất ra mà bị sử dụng làm vũ khí thì cơ sở này có phải chịu trách nhiệm không.
“Tôi chưa rõ việc quản lý trong kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao để nhằm mục đích gì, có tác dụng cụ thể gì cho công tác phòng chống tội phạm”, bà Thuỷ cho biết, đây là vấn đề băn khoăn và vướng mắc, nếu ta không giải quyết vấn đề này thì sẽ gây hệ lụy lớn vì cả nước có đến 12 làng nghề sản xuất dao, chưa kể cơ sở công nghiệp với 12.300 cơ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói thên, nếu dao làm vũ khí, hung khí để gây nguy hiểm, giết người thì hoàn toàn có thể xử lý về mặt hình sự. Tuy nhiên, theo bà Thủy, chỉ có trường hợp nhóm côn đồ cầm dao, kiếm mà chúng ta kiểm tra chưa có cơ chế xử lý thì phải đi từ gốc của vấn đề, để ngăn trường hợp dùng dao để gây rối, vi phạm pháp luật thì ta nên quy định những khu vực nào, địa bàn nào không được mang dao.
Bà cho rằng, nếu cứ cấm chung như thế này, quy định dao là vũ khí theo cách hiểu rộng thế này chưa tính được hết ảnh hưởng, chi phí đối với người dân khi dùng dao như công cụ thiết yếu và cơ sở sản xuất.
Trao đổi lại với ý kiến của các ĐBQH, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện vấn đề này. Các đóng góp của đại biểu sẽ được cơ quan của Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh từng bước một, để luật pháp sát dần thực tiễn.
“Quá trình làm chúng ta sẽ tiếp tục tổng kết. Cái gì vấn đề gì sơ hở, chưa đáp ứng được sẽ tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi nghĩ đây là bước hoàn thiện rất tốt”, Chủ tịch nước nói.
Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ sửa đổi vào ngày bế mạc kỳ họp 7 Quốc hội khoá XV ngày 28/6.