Đất Việt thân thương không nên thành bãi rác
Đăng ký
Cũng giống như con người, cả rác thải đang ngày càng nhiều trên hành tinh của chúng ta. Trên Đại dương Thế giới thậm chí xuất hiện một số hòn đảo nổi có đường kính hàng chục km hoàn toàn là rác, cản trở đáng kể việc lưu thông hàng hải của tàu thuyền.
Điểm tích tụ rác lớn nhất nằm ở Bắc Thái Bình Dương, giữa quần đảo Hawaii và bờ biển California, thoạt đầu được gọi là "Đốm rác Thái Bình Dương" rồi chẳng mấy chốc đã thành một đối tượng nghiêm trọng hơn với cái tên «Lục địa rác phía Đông». Rác chiếm diện tích 1,6 triệu km2, tức là gấp 5 lần diện tích lãnh thổ Việt Nam!
Hơn nữa, không giống như các lục địa thông thường, «lục địa rác» đang mở rộng phình ra nhanh chóng vì rằng các dòng hải lưu hình thành chu kỳ ở đó, thu hút ngày càng nhiều đồ nhựa và những chất thải khác tấp vào. Mà một khi tới bám vào đây, rác không bao giờ rời đi nữa.
Trên đất liền mọi chuyện ở lĩnh vực này cũng không khá hơn. Hơn 10 nghìn tấn rác đổ vào các bãi thải loại ở California mỗi ngày. Mà gọi là «bãi» cũng không hẳn chính xác, vì núi rác chất đống đạt tới chiều cao 150 mét. Tại một bãi rác ở New York, mỗi ngày khối lượng rác thải tăng thêm 13 nghìn tấn. Dữ liệu về rác ở Việt Nam do một vị khách mới đây đến Matxcơva là GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT Việt Nam, nêu ra trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. Ông cho biết, tại Hà Nội, mỗi ngày có tới 7-8 nghìn tấn rác thải tích tụ, còn ở TP. Hồ Chí Minh – chỉ số này lên tới 12-13 nghìn tấn.
Có một câu hỏi nhức nhối: làm thế nào để thoát khỏi rác?
Người và rác - ai sẽ giành phần thắng?
Các nhà khoa học ước tính rằng ngày nay có khoảng 9 tỷ tấn rác hiện diện trên hành tinh của chúng ta. Để loại bỏ những thành tố này trong cuộc sinh tồn chung, có nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, việc chôn lấp rác thải đòi hỏi diện tích rất lớn trên địa bàn và gây những tác hại không thể khắc phục đối với môi trường, sức khỏe sinh hoạt và các thế hệ tương lai của nhân loại. Việc đốt rác chỉ có hiệu quả khi trước đó đã qua phân loại nghiêm ngặt, tách chất thải giấy khỏi đồ nhựa, tách rác điện tử khỏi chất thải y tế và v.v…
Trong trường hợp không phân loại sơ bộ rác thải, khi đốt sẽ vẫn còn lại phần không thể cháy hết, lên tới 1/3 thể tích ban đầu. Hơn thế nữa, trong quá trình đốt tiêu chuẩn rác thải từ bột giấy và giấy, rác công nghiệp luyện kim và hóa chất, những thành phần cực kỳ độc hại như furan và dioxin sẽ xuất hiện trong khói khí thải. Đó chính là dioxin cùng loại với chất khai quang diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong những năm chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Ở Việt Nam hiện chưa có khâu phân loại sơ bộ rác thải, nhiều loại rác được đưa vào lò đốt, trong đó có rác chứa clo, flo cực kỳ nguy hiểm và nhiều loại kim loại nặng độc hại khác nhau.
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamThu thập túi nhựa trong đô thị bán cho nhà máy chế biến nhựa, Việt Nam
Thu thập túi nhựa trong đô thị bán cho nhà máy chế biến nhựa, Việt Nam
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đề xuất từ các nhà khoa học của VinIT
Các nhà khoa học Việt-Nga tham gia hoạt động của VinIT nêu đề xuất cung cấp cho Việt Nam một công nghệ khác, cho đến nay đạt hiệu quả cao và vô hại nhất. Đó là khí hóa rác thải bằng plasma, chuyển chất thải từ trạng thái rắn sang trạng thái khí, gọi là khí tổng hợp - hỗn hợp các chất carbon monoxide và hydro, như GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết. Điểm ưu việt lớn nhất của phương pháp này là đảm bảo an toàn trong quy trình xử lý rác thải. Ở môi trường tia plasma khoảng 10.000°C có thể xử lý mọi loại rác. Với nhiệt độ trung bình của quá trình khí hóa plasma là hơn 1.500°C, tất cả các hợp chất phân tử giấu mặt trong rác và khi đốt cháy kiểu thông thường sẽ tạo thành dioxin, furan độc hại thì bằng phương pháp mới đều đảm bảo phân hủy thành những nguyên tử vô hại với môi trường và sức khỏe con người.
Công nghệ này có nhiều ưu thế vượt trội so với phương pháp đốt truyền thống tại các nhà máy xử lý chất thải trong đó tốn phí 70% là chi cho hệ thống lọc khí.
«Công nghệ do chúng tôi cung cấp không yêu cầu hệ thống lọc khí hoặc phân loại trước; có thể sử dụng cho hầu hết các chất thải hóa học, kể cả loại rác «cứng đầu» nguy hại. Và nếu với quá trình đốt thông thường, phần cặn còn lại tới 1/3 thể tích chất thải ban đầu, thì sau quá trình khí hóa plasma, con số này chỉ bằng 1/400», GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết.
Hơn nữa, khí tổng hợp thu được từ quá trình khí hóa chất thải bằng plasma có thể được sử dụng để tạo ra điện. Nghĩa là, một doanh nghiệp khí hóa chất thải bằng plasma sẽ không chỉ có thể tự cung cấp điện mà còn có thể cung cấp lượng điện dư thừa đạt tới 40% tổng sản lượng cho các cơ sở công nghiệp và khu dân cư lân cận.
VinIT đã phát triển mô-đun khí hóa plasma với công suất 250 tấn chất thải mỗi ngày, đủ cho một khu định cư quy mô vừa hoặc doanh nghiệp công nghiệp tầm trung.
Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT lưu ý rằng lượng rác thải thường nhật khổng lồ như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đòi hỏi không phải một mà là nhiều xí nghiệp xử lý plasma.
«Viện chúng tôi đề xuất xây dựng không chỉ một doanh nghiệp lớn mà là một số doanh nghiệp mô-đun, có kích thước và công suất nhỏ hơn, đủ sức xử lý từ 250 tấn đến 1000 tấn rác mỗi ngày, bố trí tại các khu vực khác nhau của thành phố. Tính đến việc sử dụng khí tổng hợp thu được nhờ công nghệ mới, việc xử lý rác thải bằng plasma sẽ không đắt hơn so với phương pháp đốt tiêu chuẩn hiện tại nhưng lại độc đáo hơn và an toàn tuyệt đối», ông Nguyễn Quốc Sỹ nói.
«Để thực hiện đề xuất của Viện Công nghệ VinIT, trước hết cần có sự hỗ trợ của Chính phủ. Chúng tôi đang tích cực thu hút sự chú ý của các cơ quan Chính phủ hữu trách, toàn thể cộng đồng xã hội và đại diện các tổ chức quan tâm đến đề xuất của Viện. Đương nhiên cũng cần có nguồn đầu tư, kể cả từ các nước khác quan tâm đến việc xử lý rác thải hiệu quả. Chúng tôi đã đón nhận tín hiệu chú ý từ nhiều nhà đầu tư. Và tôi hy vọng rằng nhà máy xử lý rác thải đầu tiên sử dụng công nghệ khí hóa plasma sẽ đi vào vận hành và phục vụ dân sinh ngay trong thời gian gần tới», GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết trong phần kết luận.