Quan hệ với Nga thuộc quyền, quyền tự quyết của Việt Nam
14:27 19.06.2024 (Đã cập nhật: 01:34 20.06.2024)
© SputnikĐường phố Hà Nội ngay trước chuyến thăm của Tổng thống LB Nga Vladimir Putin
© Sputnik
Đăng ký
Phát ngôn của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam được đánh giá là trịch thượng, hoàn toàn không phù hợp với “phép lịch sự ngoại giao”. Phát ngôn đó cũng vi phạm những quy tắc mà Công ước Liên Hợp Quốc đã khẳng định về việc cấm kích động những tư tưởng thù địch, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, gây thù hằn giữa các quốc gia, dân tộc.
Theo Reuters, chuyến thăm Hà Nội cấp nhà nước lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh lòng trung thành của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản đối với Nga và gây ra những lời trách móc của Mỹ đối với Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra sau khi Hà Nội tránh hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraina ở Thụy Sỹ vào cuối tuần trước trong khi đó thì cử thứ trưởng ngoại giao tới Hội nghị bộ trưởng ngoại giao BRICS ở Nga vào đầu tuần trước.
Hành vi của Đại sứ Hoa Kỳ là trịch thượng, ngạo mạn
Hoa Kỳ, quốc gia đã nâng cấp quan hệ với Hà Nội vào tháng 9-2023 và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đã phản ứng gay gắt trước thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin.
“Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”, - Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Marc E. Knapper nói với Reuters khi được hỏi về tác động của chuyến thăm đối với mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Hiện Nhà Trắng và Liên minh châu Âu vẫn giữ im lặng. Còn trước đó Liên minh châu Âu bày tỏ bất mãn với việc Hà Nội đã hoãn chuyến thăm của quan chức phụ trách cấm vận Nga vì lịch trình dự kiến cho chuyến thăm của tổng thống Nga.
© Ảnh : TTXVN - Nhan Hữu SángChủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
© Ảnh : TTXVN - Nhan Hữu Sáng
Bình luận về phát biểu trên của Đại sứ Hoa Kỳ - đại diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam nhà bình luận quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, với phát biểu đó, người Mỹ đang vi phạm tới chủ quyền của Việt Nam.
“Việc Việt Nam quan hệ với các quốc gia trên thế giới thuộc quyền, quyền tự quyết của Việt Nam. Bằng phương thức quan hệ giữa hai chính phủ hay bằng dư luận xã hội, người Mỹ cũng không có quyền can thiệp thô bạo vào các công việc đối nội và đối ngoại của Việt Nam nói riêng cũng như đối với bất cứ một quốc gia nào trên thế giới nói chung”, - Nhà bình luận Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.
“Hành vi của Đại sứ Hoa Kỳ là trịch thượng, ngạo mạn. Phát ngôn của ông ta là phát ngôn của người đại diện cho nhà nước Mỹ tại Việt Nam. Những phát ngôn đó hoàn toàn không phù hợp với “phép lịch sự ngoại giao” được quy định hoặc khuyến cáo trong các công ước quốc tế về ngoại giao trong đó có công ước Viên. Phát ngôn đó cũng vi phạm những quy tắc mà Công ước Liên Hợp Quốc đã khẳng định về việc cấm kích động những tư tưởng thù địch, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, gây thù hằn giữa các quốc gia, dân tộc”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ trái với những cam kết trong tuyên bố chung Việt – Mỹ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long trong trả lời phỏng vấn của Sputnik đã bình luận rằng tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội trái với những cam kết trong tuyên bố chung Việt – Mỹ về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
“Tuyên bố của ông Marc E. Knapper trái với những cam kết trong tuyên bố chung Việt – Mỹ về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Theo đó, hai bên tôn trọng sự lựa chọn thể chế chính trị của nhau và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau. Quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cũng như quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga là quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền với nhau. Trong mối quan hệ đó, không ai có quyền áp đặt, bắt buộc các đối tác phải hành động theo ý chí của mình”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm rằng, vì không liên quan đến xung đột Nga-NATO nên Việt Nam cho rằng mình không có vị trí gì và vai trò nào trong cuộc xung đột đó cũng như trong Hội nghị tại Genève. Những phát ngôn cho rằng Việt Nam né tránh Hội nghị Genève bàn về vấn đề Ukraina là hoàn toàn lố bịch và hoàn toàn vô giá trị. Việt Nam không cần phải né tránh mà còn có thể nói thẳng rằng: Đó là quan hệ của Mỹ và NATO đối với Nga, không liên quan đến Việt Nam. Còn việc Việt Nam có quan tâm đối với BRICS, đối với EAEU, hay đối với SCO và các cơ chế hợp tác quốc tế khác cũng là quyền tự quyết của Việt Nam.
“Những phản ứng tức tối của người Mỹ đối với chuyến thăm và làm việc của tổng thống Putin tại Việt Nam đều là những phản ứng làm mình làm mẩy của trẻ em hoặc sự làm mình làm mẩy của những cô người mẫu luôn tự cho mình là đệ nhất dung nhan trong thiên hạ”, - Nhà bình luận Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Nga vẫn là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam
Bình luận về phản ứng của Hoa Kỳ, Tiến sỹ quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik: Chuyến thăm Việt Nam và việc Nga phát triển hợp tác với Việt Nam không gây ra phản ứng dữ dội từ phía phương Tây và Hoa Kỳ như chuyến thăm Triều Tiên, nhưng đã gây khó chịu cho Hoa Kỳ. Trước hết, đó là vì Việt Nam không phải là quốc gia bị trừng phạt và cấm vận như Triều Tiên và Việt Nam biết cân bằng ngoại giao với Nga, Trung, Mỹ.
Cho dù hiện nay Mỹ và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều Việt- Mỹ là gần 111 tỷ USD và Việt – Trung là gần 172 tỷ USD năm 2023, trong khi đó thương mại Việt -Nga năm 2023 chỉ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 2,3 so với năm 2022 (mức tăng rất thấp kể từ năm 2015 khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) được ký kết), thì Nga vẫn là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.
Liên bang Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, mặc dù Washington từ lâu đã dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Việt Nam và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, hơn nữa, Mỹ còn từng nói tới chuyện đàm phán với Hà Nội về việc giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga.
“Vì những lý do đó, việc Mỹ không thích Việt Nam và Nga tăng cường hơn nữa quan hệ song phương và trách cứ Việt Nam là điều dễ hiểu. Còn Hà Nội thì luôn thể hiện rõ ràng việc biết cách cân bằng và duy trì ngoại giao giữa các cường quốc thế giới. Mặt khác, quan hệ Việt – Nga trong điều kiện hiện nay đòi hỏi phải có nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Chúng ta sẽ đợi xem nội dung mới đó là gì. Tôi thì kỳ vọng việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tăng cường thực chất hợp tác nhân đạo”, - Tiến sỹ Hoàng Giang nhấn mạnh.