Sơ suất ngây thơ khiến liên danh của Sơn Hải-Đèo Cả bị đánh trượt?
17:01 27.08.2024 (Đã cập nhật: 17:09 27.08.2024)
© Ảnh : TỔNG CÔNG TY CẢNG HÀNG KHÔNG VIỆT NAM - CTCPXây dựng sân bay Long Thành
Đăng ký
Liên danh Đèo Cả - Sơn Hải dự thầu gói 4.7 dự án sân bay Long Thành với giá thấp hơn so với đối thủ khoảng hơn 416 tỷ đồng, nhưng bị ACV đánh trượt vì nhà thầu Hoàng Long trong liên danh chưa đóng khoản phí duy trì tài khoản hàng năm trị giá chỉ 330.000 đồng.
Chuyên gia cho rằng, liên danh Đèo Cả - Sơn Hải bị loại khỏi gói thầu ở sân bay Long Thành vì “sơ suất ngây thơ” nhưng ACV đã làm đúng luật.
Liên danh Đèo Cả - Sơn Hải bị loại vì sơ suất 330.000 đồng
Vừa qua, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã thông báo mời thầu gói thầu số 4.7 "Thi công xây dựng & lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác", thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Giá gói thầu số 4.7 này có giá trị 6.368 tỷ đồng. Chỉ có 2 liên danh nhà thầu gửi hồ sơ tham gia.
Liên danh 1 gồm 6 nhà thầu: Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Công ty Cổ phần phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam – Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 – Công ty Cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy. Giá dự thầu: 6.268 tỷ đồng (thấp hơn giá gói thầu 100 tỷ đồng).
Liên danh 2 gồm 8 nhà thầu: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty Cổ phần Lizen – Tổng công ty Thăng Long-CTCP – Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long-CTCP – Công ty TNHH Hòa Hiệp – Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Giá dự thầu: 5.852 tỷ đồng (thấp hơn giá gói thầu 516 tỷ đồng)
Đến ngày 29/7, ACV tiến hành mở thầu và sau đó đã thông báo Liên danh 2 của tập đoàn Đèo Cả và Sơn Hải không trúng thầu do "không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật".
Theo giải thích, ACV cho biết thành viên liên danh là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long (số hiệu trên mạng đầu thầu quốc gia là vn2800177056), đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ 30/6/2024 (do chưa đóng phí đúng hạn) đến thời điểm phê duyệt danh sách nhà thầu.
Được biết, các nhà thầu phải đóng phí mỗi năm là 330.000 đồng. Số tiền này nhằm duy trì tên và hồ sơ năng lực khi tham gia đấu thầu.
ACV cho rằng nhà thầu không đáp ứng điều kiện tại khoản f mục CDNT 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu là không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống.
Khiếu nại
Ngày 13/8, Tập đoàn Đèo Cả đại diện cho Liên danh 2 đã có đơn khiếu nại và kiến nghị gửi tới ACV, khẳng định công ty Hoàng Long đảm bảo tư cách hợp lệ theo quy định Luật đấu thầu, và yêu cầu ACV đánh giá Liên danh 2 đạt yêu cầu bước đánh giá kỹ thuật.
Đèo Cả cho rằng công ty Hoàng Long đã tuân thủ quy định tại khoản d, điểm 1, Điều 5 của Luật Đấu thầu: "Có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư".
Đồng thời cũng trong ngày 13/8, Tập đoàn Đèo Cả có văn bản gửi Cục Quản lý Đấu Thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến, làm rõ tư cách hợp lệ của nhà thầu.
Phúc đáp văn bản của Tập đoàn Đèo Cả, ngày 15/8, Cục Quản lý Đấu Thầu cho biết: Nhà thầu (là tổ chức) đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ khi tham gia dự thầu các gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
“Việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu 'không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống' để bảo đảm tư cách hợp lệ như đối với đấu thầu qua mạng là không phù hợp”, Cục Quản lý Đấu Thầu nói.
Căn cứ văn bản ngày 15/8 của Cục Quản lý Đấu Thầu, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục có đơn kiến nghị lần 2 vào ngày 15/8 gửi tới ACV, cho rằng, việc ACV đánh giá nhà thầu Hoàng Long không đáp ứng điều kiện là sai quy định Luật đấu thầu.
Đến ngày 20/8, Đèo Cả tiếp tục có kiến nghị lần 3 gửi ACV. Đèo Cả cho rằng trong lĩnh vực đấu thầu, Luật đấu thầu cũng là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất, do đó trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật khác liên quan thì ưu tiên áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu để giải quyết kiến nghị và giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Tuy vậy, bên mời thầu vẫn không xem xét lại quá trình đánh giá tư cách hợp lệ nhà thầu, không xử lý tình huống trong đấu thầu mà tiếp tục mở đề xuất tài chính của phía Liên danh 1 với giá dự thầu là 6.268 tỷ đồng, cao hơn giá dự thầu của liên danh 2 khoảng 416 tỷ đồng.
“Việc bên mời thầu phớt lờ kiến nghị, đề nghị của nhà thầu, ý kiến của Cục quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch đầu tư, cố tình mở hồ sơ đề xuất tài chính khi chưa giải quyết thỏa đáng kiến nghị của nhà thầu là vi phạm các quy định về đấu thầu, đồng thời có thể gây ra hậu quả làm thất thoát cho ngân sách nhà nước khoảng 516 tỷ đồng”, liên danh Đèo Cả nhấn mạnh.
Lỗi ngây thơ?
Trả lời lại phía Đèo Cả, ACV khẳng định đã thực hiện đúng quy định pháp luật.
ACV cho hay, trong thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đến thời điểm đóng thầu, bên mời thầu đã trả lời toàn bộ các yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu của các nhà thầu quan tâm và đăng tải các nội dung làm rõ hồ sơ mời thầu trên mạng đấu thầu theo đúng quy định pháp luật.
Vậy nên, việc liên danh Đèo Cả sau khi ACV thông báo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu kỹ thuật trong đó thông báo lỗi này và thông báo kết quả lựa chọn kỹ thuật mới có văn bản ý kiến và bổ sung thông tin trên mạng đấu thầu là hoàn toàn không phù hợp.
Việc giải quyết kiến nghị được chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy trình, quy định tại điều 91 luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, theo đó pháp luật về đấu thầu không quy định phải dừng việc mở hồ sơ đề xuất tài chính khi chưa giải quyết các kiến nghị.
Căn cứ Thông báo số 3351 ngày 13/8 và 16/8, bên mời thầu đã thực hiện việc mở hồ sơ đề xuất tài chính của nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật theo quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch với sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham gia dự thầu và đại diện Cục An ninh Kinh tế (A04), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an.
“Như vậy, việc nhà thầu liên danh tự nhận định hồ sơ đề xuất kỹ thuật của mình đạt yêu cầu về kỹ thuật khi chưa vượt qua bước đánh giá tính hợp lệ là không có cơ sở”, ACV nêu.
Nêu ý kiến với báo Tuổi Trẻ về trường hợp liên danh Đèo Cả - Sơn Hải bị loại vì có một thành viên liên danh là Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long đã bị tạm ngưng sử dụng tài khoản trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 30/6 đến thời điểm có báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay, trong suốt 40 ngày ACV đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu (từ ngày 18-6 đến 29-7-2024) thì liên danh Đèo Cả hoàn toàn có thể yêu cầu các thành viên trong liên danh nộp phí trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để có tư cách hợp lệ.
Tuy nhiên, liên danh Đèo Cả đã sơ suất không yêu cầu các thành viên trong liên danh thực hiện yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nên bị ACV loại vì tư cách liên danh không hợp lệ.
“Đây là lỗi rất ngây thơ”, ông Hùng bày tỏ trên báo Tuổi Trẻ.
Những trường hợp bị loại vì những lỗi "ngây thơ" như thế này trong đấu thầu vẫn xảy ra. Đã có nhà thầu bị loại chỉ vì hồ sơ mời thầu quy định thời điểm đóng thầu 10h nhưng nhà thầu tham dự đấu thầu nộp hồ sơ dự thầu lúc 10h05, nên đã qua thời điểm đóng thầu.
“Quy định pháp luật về đấu thầu là vậy, điều này bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Cũng giống trường hợp một giám đốc doanh nghiệp thiếu 1 triệu tiền thuế thì không được xuất cảnh. Đã là quy định pháp luật thì mọi người phải tuân thủ, chứ 1 triệu so với tiền trong túi một giám đốc doanh nghiệp không đáng là bao”, ông ví dụ.
Yêu cầu được đưa ra rất cụ thể trong hồ sơ mời thầu, ACV đã lập hồ sơ mời thầu đúng thông tư 06/2024/BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, đã làm đúng theo luật thì các nhà thầu tham gia đấu thầu cũng phải tuân thủ luật, như vậy mới bảo vệ được người làm đúng quy định.
Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu cũng nói rất rõ việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào các tiêu chuẩn đánh giá, trong đó có tính hợp lệ căn cứ theo hồ sơ mời thầu.
“Trong một cuộc đấu thầu thì đầu tiên phải là tính hợp lệ của nhà thầu, tiếp đó mới đến các bước xét thầu, chấm thầu, đánh giá về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, giá dự thầu”, TS. Nguyễn Việt Hùng phân tích.
Chuyên gia cho rằng, gói thầu 4.7 có một thành viên liên danh có tư cách không hợp lệ thì cả liên danh sẽ bị đánh giá là không hợp lệ. Đã là quy định pháp luật thì không thể lấy lý do sơ suất để bỏ qua vi phạm, dù vi phạm đó nhỏ hay lớn.