Việt Nam: Phụ huynh lo “chạy” nghĩa vụ quân sự, con cái chấp hành nghiêm

© Depositphotos.com / HaiwonCác chiến sĩ Việt Nam
Các chiến sĩ Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.12.2024
Đăng ký
Trong khi phụ huynh sử dụng giấy tờ giả "giúp" con em trốn tránh nghĩa vụ quân sự, các thanh niên ở TX. Buôn Hồ (Đắk Lắk) vẫn đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đầy đủ, không có ai chống đối.
Mỗi người cha, người mẹ phải nhận thức để giáo dục con em mình, cần nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Vụ án vừa qua là bài học về pháp luật sâu sắc cho người dân.

Bài học sâu sắc

Chiều 9/12, Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), đã thông tin về vụ hàng chục phụ huynh trên địa bàn lĩnh án tù do sử dụng giấy tờ giả để nộp cho cơ quan chức năng, nhằm đưa thông tin gian dối để con em mình tránh đi nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Tuyên cho biết, khi người dân nộp các giấy nhập học, giấy xác nhận con em mình là sinh viên đang theo học tại các trường đại học hoặc cao đẳng, Ban chỉ huy Quân sự thị xã thấy có nhiều điểm đáng ngờ nên đã vào cuộc xác minh.
"Chúng tôi đã làm việc với một số trường học, qua đó xác định hàng chục giấy tờ được nhiều người dân tại phường Thống Nhất và phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) nộp là giấy tờ được làm giả, nên đã phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác điều tra", báo Dân trí dẫn lời Thượng tá Tuyên.
Tù nhân bị còng tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.11.2024
Phó Ban chỉ huy quân sự xã tiếp tay "trốn" nghĩa vụ
Theo ông Tuyên, dù phụ huynh nộp giấy tờ giả nhưng các thanh niên là con cái của những người này vẫn chấp hành nghiêm chỉnh việc đến khám nghĩa vụ quân sự đầy đủ, không có ai chống đối.

"Trong số các thanh niên này đến khám có một số đủ điều kiện theo quy định đã được cho nhập ngũ, số còn lại không đủ điều kiện sức khỏe, không tham gia nghĩa vụ quân sự. Việc làm sai là của các bậc cha mẹ, không phải của những người làm con và ai làm sai người nấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ nhấn mạnh.

Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên cho biết, trường hợp các thanh niên có giấy nhập học hợp pháp sẽ được tạm hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự chứ không phải miễn. Sau khi hoàn tất việc học, nếu còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ (đến hết 27 tuổi) và đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển chọn thì thanh niên vẫn tham gia nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ thêm, vụ việc vừa qua là bài học về pháp luật sâu sắc cho người dân.

37 người lĩnh án

Trước đó, TAND thị xã Buôn Hồ đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 37 bị cáo về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cáo trạng nêu rõ, vào tháng 9/2023, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các xã, phường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã có giấy triệu tập công dân đến độ tuổi, tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để chuẩn bị cho đợt tuyển quân nghĩa vụ quân sự năm 2024.
Khi đó, nhiều gia đình cư trú tại phường Thống Nhất và phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ), do không muốn cho con cái tham gia khám, xét tuyển nghĩa vụ quân sự nên đã liên hệ với các đối tượng, nhờ làm giấy tờ giả giấy báo trúng tuyển của các trường đại học chính quy, giấy xác nhận sinh viên đang học tại trường…
Trong đó, bị cáo Trịnh Thu Tâm bị cáo buộc có hành vi làm giả 52 tài liệu, thu lợi bất chính số tiền 5,4 triệu đồng.
Bị cáo Trần Thế Hùng (59 tuổi, trú tại phường Thống Nhất) là đồng phạm, giúp sức tích cực cùng Tâm làm giả 8 tài liệu, thu lợi bất chính số tiền 8,5 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Huy Hoàng (43 tuổi, trú tại phường Thống Nhất) là đồng phạm, giúp sức cùng Tâm làm giả 4 tài liệu, thu lợi bất chính số tiền 11 triệu đồng.
Nhà tù - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.03.2024
Đi muộn, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, 4 người bị phạt gần 200 triệu đồng
Tại toà, HĐXX nhận định, các bị cáo là những người cha, người mẹ cần phải nhận thức để giáo dục con của mình, cần nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang của mỗi công dân đối với Tổ quốc.
Tuy nhiên, các bị cáo lại làm giả và sử dụng giả các loại giấy tờ của cơ quan, tổ chức trái quy định của pháp luật nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ quân sự tại địa phương.
Kết thúc phiên xử, toà đã tuyên phạt 34 bị cáo là phụ huynh trong vụ việc lĩnh các mức án khác nhau (1 bị cáo nhận 9 tháng tù, 1 bị cáo lĩnh 6 tháng tù treo, 32 bị cáo bị tuyên 6 tháng tù) cùng về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cùng đó, bị cáo Trịnh Thu Tâm lĩnh mức án 3 năm 9 tháng tù; bị cáo Trần Thế Hùng lĩnh 3 năm tù; bị cáo Nguyễn Huy Hoàng lĩnh 2 năm tù, cùng về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала