Áp lực của Việt Nam khi mức sinh xuống thấp chưa từng có
20:44 03.01.2025 (Đã cập nhật: 15:10 04.01.2025)
© AP Photo / Hau DinhTrẻ em chụp ảnh trước tượng Năm Kỷ Hợi tại Việt Nam
© AP Photo / Hau Dinh
Đăng ký
Việt Nam đang đối diện với một thách thức lớn khi xu hướng mức sinh của đất nước đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Đáng lo ngại hơn, mức sinh này dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tương lai, đem đến thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mức sinh thấp và tác động kinh tế
Nhìn lại năm Giáp Thìn 2024, theo văn hóa phương Đông, năm Rồng được coi là năm mang lại nhiều may mắn và thuận lợi, kỳ vọng tỷ lệ sinh sẽ tăng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy điều ngược lại.
Khác với truyền thống "năm đẹp đẻ nhiều", mức sinh năm Rồng xuống "thấp nhất lịch sử" cho thấy rõ sự thay đổi trong quan niệm về sinh đẻ của người Việt hiện nay. Điều này cũng thể hiện rõ các chính sách khuyến sinh hiện tại vẫn chưa thể ngăn chặn đà giảm sinh trên toàn quốc.
Mức sinh thấp dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ) là dấu hiệu rõ rệt của sự chuyển biến trong cấu trúc dân số. Điều này đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia phát triển. Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tại đất nước hơn 100 triệu dân, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phát triển, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng giảm sinh đang ngày càng lan rộng. Đây là một xu hướng dân số đầy thách thức.
Theo chuyên gia GS. TS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, già hóa dân số là một điều tất yếu đối với một quốc gia như Việt Nam, nơi mà tuổi thọ đang tăng lên trong khi tỷ lệ sinh lại giảm mạnh.
“Trong một thời gian dài, Việt Nam đã kiểm soát tốc độ gia tăng dân số và mức sinh, với nhiều gia đình chỉ sinh một hoặc hai con. Mặc dù gia đình ít con mang lại một số thuận lợi, nhưng áp lực đối với họ lại gia tăng, đặc biệt khi phải gánh vác trách nhiệm với cha mẹ hai bên, nhất là trong bối cảnh kết hôn và sinh con muộn ngày càng phổ biến”.
Ông cảnh báo rằng, mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
GS. TS. Cử nói thêm với Sputnik, dù Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng với tình trạng mức sinh thấp kéo dài, nền kinh tế có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lực lượng lao động là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển, và sự thiếu hụt lao động trẻ sẽ ảnh hưởng đến năng suất và khả năng cạnh tranh của đất nước. Đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các hiệp định thương mại và đối diện với những yêu cầu cao về năng lực cạnh tranh. Nếu không có đủ nguồn lao động trẻ, Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu này.
“Mức sinh không chỉ đơn thuần là vấn đề “đẻ ít hay đẻ nhiều”, mà còn liên quan đến việc vận hành một dân tộc. Trẻ em không chỉ là nguồn lực lao động trong tương lai, mà còn là những công dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, lợi ích từ việc sinh con không chỉ thuộc về gia đình mà còn là lợi ích chung của xã hội. Việc sinh ít con đã khiến số người sinh ra không đủ bù đắp cho số người qua đời, dẫn đến nguy cơ giảm dân số và làm gia tăng tốc độ già hóa. Các gia đình nhỏ cũng khiến gánh nặng trách nhiệm gia đình, xã hội dồn lên lực lượng lao động chủ chốt, trong khi chi phí cuộc sống và công việc ngày càng lớn khiến họ càng ngần ngại trong việc sinh con”, chuyên gia nhấn mạnh.
Nếu Việt Nam không kịp thời ngừng đà giảm sinh và duy trì mức sinh thay thế bền vững (mỗi phụ nữ sinh đủ hai con), nguy cơ đối mặt với tình trạng như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ngày càng hiện hữu.
Thấy gì từ các quốc gia châu Á?
Thực tế cho thấy kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc giảm tỷ lệ sinh, nhưng chưa có quốc gia nào thực sự đưa mức sinh thấp về mức thay thế, dù đã áp dụng nhiều chính sách khuyến sinh và đầu tư nguồn lực lớn.
Khi đối diện với tình trạng giảm mức sinh, các quốc gia này liên tục triển khai các biện pháp nhằm ngừng đà giảm. Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã phải điều chỉnh chính sách, cho phép mỗi gia đình có hai con, và gần đây là ba con, nhưng vẫn chưa thể đảo ngược được xu hướng giảm sinh. Những năm qua, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã xuống dưới mức thay thế và dự báo sẽ tiếp tục giảm.
Còn tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã triển khai các chính sách hỗ trợ rất mạnh mẽ cho các gia đình có con. Ví dụ, trong năm 2024, tại Hàn Quốc, mỗi trẻ em sinh ra sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ tương đương khoảng 550 triệu đồng Việt Nam.
Chính phủ Nhật Bản hiện cung cấp khoản thanh toán một lần trị giá 500.000 yen cho mỗi lần sinh con.
Hướng đi nào cho Việt Nam?
Với Việt Nam, theo nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Nguyễn Đình Cử, để đối phó với tình trạng mức sinh thấp và sự già hóa dân số, Việt Nam cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức thông qua truyền thông, tiếp theo là điều chỉnh các chính sách hiện tại, vốn chỉ phù hợp với giai đoạn giảm sinh trước đây.
“Tôi cho rằng, trước tiên, cần tăng cường hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân. Chính sách dân số từ năm 1956 đến nay chủ yếu tập trung vào việc giảm sinh, và điều này đã ăn sâu vào tư duy của người dân Việt Nam, kể cả cán bộ và nhân dân. Vì vậy, lúc này chính sách dân số của Việt Nam cần một bước ngoặt, một sự thay đổi lớn: duy trì mức sinh thay thế, tức mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con. Một yếu tố quan trọng nữa là cần loại bỏ tiêu chí sinh 2 con khỏi các tiêu chuẩn danh hiệu như chiến sĩ thi đua, gia đình văn hóa, hay đảng viên 4 tốt”.
Song song với đó, cần cải thiện môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Điều này sẽ giúp gia đình cảm thấy yên tâm hơn khi có thêm con cái, vì họ sẽ không phải lo lắng về các vấn đề như chi phí nuôi dưỡng và giáo dục.
“Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách khuyến khích sinh đẻ, như trợ cấp cho các gia đình có con, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, và tạo ra các chương trình hỗ trợ cho những người có con muộn. Đồng thời, cần tạo ra các cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng giáo dục để người dân có thể làm việc và đóng góp lâu dài cho nền kinh tế mà không phải lo lắng về gánh nặng tài chính”, chuyên gia nêu thêm giải pháp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người già mà còn giảm gánh nặng cho các gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Thậm chí, một số quốc gia như Thái Lan đã thực hiện thành công mô hình "ngân hàng thời gian", giúp người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, GS. TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi, chẳng hạn như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc giảm thuế cho doanh nghiệp.
Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, với quy mô dân số đạt 104 triệu người.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, đồng thời khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phía Nam đã áp dụng chính sách thưởng tiền để khuyến khích người dân sinh con.
Mới đây nhất Việt Nam đang điều chỉnh, đề xuất không phạt, không kỷ luật Đảng viên sinh con thứ 3 nhằm khuyến sinh.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển nhanh chóng, Việt Nam cần phải có những chiến lược và giải pháp linh hoạt để không chỉ đối phó với những thách thức hiện tại mà còn để xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.