Ông Lê Thanh Vân đề nghị triệu tập ông Nguyễn Xuân Ký
14:43 07.01.2025 (Đã cập nhật: 20:32 07.01.2025)
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế DuyệtXét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế Duyệt
Đăng ký
Ông Lê Thanh Vân đề nghị triệu tập nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng một nguyên lãnh đạo khác của tỉnh Quảng Ninh để làm rõ nhiều tình tiết vụ án.
Tuy nhiên, trước đề nghị của luật sư và ông Lê Thanh Vân, Toà quyết định không hoãn phiên tòa và nhấn mạnh, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập những người liên quan.
Xử ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân: An ninh siết chặt
Như Sputnik đưa tin, sáng 7/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án của hai cựu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân.
Trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” này, có 5 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963, trước khi bị bắt là đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện Trung ương); Lê Thanh Vân (sinh năm 1964, trước khi bị bắt là đại biểu Quốc hội); Nguyễn Văn Vương (sinh năm 1976, nguyên chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước), Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường "quắt", trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); Vũ Đăng Phương (sinh năm 1982, trú tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế DuyệtXét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
Xét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế Duyệt
Theo ghi nhận sáng nay, an ninh phiên tòa được thắt chặt tại các khu vực xung quanh Tòa án Nhân dân tỉnh và tại phòng xử án, các quy định trình tự, thủ tục được thực hiện nghiêm ngặt.
Chủ tọa điều hành phiên tòa là thẩm phán Vũ Duy Luân, thẩm phán Phạm Ngọc Thành. Ba hội thẩm nhân dân là bà Vũ Thị Nga, bà Hoàng Thị Len và ông Bùi Đức Minh.
Hai thư ký là ông Phạm Tiến Thành và bà Vũ Thị Huế. Ba kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm ông Nguyễn Nguyên Hưng, bà Vũ Thị Lan Anh và bà Vũ Thị Thanh.
Có 12 luật sư tham gia bào chữa cho 5 bị cáo. Nhiều luật sư nhất là ông Lê Thanh Vân – 4 luật sư, ông Lưu Bình Nhưỡng có 3 luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Vương có 3 luật sư bào chữa, 2 người còn lại mỗi người có 1 luật sư bào chữa.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế DuyệtXét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
Xét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế Duyệt
Đại diện bị hại được triệu tập tại phiên tòa là ông Đinh Vũ Trường, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ; có 3/4 người làm chứng được triệu tập có mặt tại phiên tòa.
Đề nghị triệu tập nguyên Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký
Tại phiên tòa, trong phần thủ tục, thư ký của phiên tòa thông báo nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa (có người có đơn xin xét xử vắng mặt, có người vắng mặt không lý do).
Trước tình hình này, luật sư Vũ Quang Ninh, Hoàng Thị Phương (luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân) và bản thân cựu đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Lý do đề nghị hoãn là vì có một số người có liên quan trực tiếp đến vụ án và thân chủ như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn dịch vụ vận tải Hạ Long; Hợp tác xã dịch vụ vận tải Hồng Vân… đều không có mặt.
“Việc một số người có liên quan trực tiếp đến một tình tiết rất quan trọng với thân chủ nhưng không có mặt tại phiên tòa sẽ ảnh hưởng tới quá trình xét xử”, luật sư nêu ý kiến.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế DuyệtXét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
Xét xử sơ thẩm bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các đồng phạm
© Ảnh : TTXVN - Phạm Thế Duyệt
Riêng bị cáo Lê Thanh Vân đề nghị triệu tập nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng một nguyên lãnh đạo khác của tỉnh Quảng Ninh đến phiên toà để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Ông Lê Thanh Vân khẳng định, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, bị cáo đã có đơn gửi tới Hội đồng xét xử sơ thẩm, trình bày 6 nội dung, trong đó có việc đề nghị triệu tập thêm người như đã nêu trên.
Trình bày quan điểm về việc vắng mặt một số thành phần tại phiên toà, đại diện VKSND tỉnh Thái Bình cho rằng Hội đồng xét xử đã triệu tập hợp lệ đối với các trường hợp, những người này đã có lời khai trước cơ quan điều tra, một số người có đơn xin xét xử vắng mặt.
Về các đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân cũng như đề nghị của bị cáo Vân tại phiên toà về việc triệu tập nguyên Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, đại diện Viện Kiểm sát cho biết trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết Hội đồng xét xử có thể triệu tập thêm.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục phiên tòa do những người được Tòa triệu tập nhưng vắng mặt đã có lời khai nên không cần thiết phải có mặt tại tòa.
Về đề nghị triệu tập thêm những người liên quan của luật sư và bị cáo Lê Thanh Vân, Hội đồng xét xử cho biết tùy theo diễn biến phiên tòa sẽ triệu tập sau.
Chủ tọa tuyên bố kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần tranh luận. Hơn 11 giờ 10 phút, sau khi, đại diện Viện Kiểm sát đọc xong bản công bố bản cáo trạng truy tố 5 bị cáo, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm nghỉ.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào chiều nay 7/1. Dự kiến phiên xét xử sẽ diễn ra trong 7 ngày làm việc.
Về phần ông Nguyễn Xuân Ký, như đã đưa tin, hồi tháng 11/2024, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Ký bằng hình thức cảnh cáo.
Trong thông cáo phát đi trước đó của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu xây lắp số 13, Dự án Đường ven sông do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Công ty Thuận An) thực hiện.
“Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương”, Bộ Chính trị chỉ rõ.
Theo Bộ Chính trị, vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Bộ Chính trị xác định ông Nguyễn Xuân Ký khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Ký cũng vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.