APEC 2027 đưa Phú Quốc trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu?
© Ảnh : Facebook/Kiên Giang NewsKhu biệt thự 2 mặt biển tại Mũi Ông Đội - Phú Quốc của Sun Group

© Ảnh : Facebook/Kiên Giang News
Đăng ký
Phú Quốc là điểm đến đăng cai Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2027. Sự kiện này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới, mà còn giúp Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, kinh tế và dịch vụ hàng đầu khu vực, với nhiều thách thức và cơ hội mới để phát triển bền vững trong tương lai.
Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 tại thủ đô Hà Nội. Đến năm 2017, APEC đã “gọi tên” thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng. Và vào năm 2027, lần thứ ba, Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm cách bờ biển Campuchia khoảng 15km về phía Nam, sẽ trở thành địa điểm đăng cai Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Biểu tượng mới trên bản đồ du lịch thế giới
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định với Sputnik rằng, cơ hội lớn nhất đối với Phú Quốc khi Việt Nam đăng cai APEC 2027 chính là ngành du lịch.
“Có thể thấy, nền tảng cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ tại Phú Quốc hiện tương đối thuận lợi cho cuộc gặp gỡ tầm cỡ quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để ngành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE Phú Quốc có thể tận dụng khai thác”, ông nói.
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Thịnh, ông Nguyễn Công Hoan, trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, Việt Nam sở hữu đủ ba yếu tố then chốt để tiếp đón đoàn đại biểu cấp cao APEC và khai thác tiềm năng du lịch từ sự kiện này.
“Thứ nhất về giao thông, hiện sân bay quốc tế Phú Quốc đã đưa vào khai thác và vận hành, đón được nhiều tàu bay lớn. Như vậy, chuyên cơ của các nguyên thủ hoặc các đại biểu đến Phú Quốc sẽ rất thuận lợi. Thứ hai, Phú Quốc đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng, khu resort cao cấp. Phú Quốc đủ năng lực để cùng một thời điểm đón một lượng khách quốc tế lớn. Thứ ba, đây là một hòn đảo với bãi biển xinh đẹp và cảnh quan của rừng quốc gia nguyên sinh. Những giá trị về tự nhiên chắc chắn sẽ đem đến cho các đại biểu nhiều cảm xúc mới mẻ. Hơn nữa, khí hậu và thời tiết Phú Quốc rất thuận lợi, đặc biệt vào dịp đầu và cuối năm”, ông Hoan chỉ ra.
Từ năm 2011 đến 2023, du lịch Phú Quốc đã tăng trưởng ấn tượng với tốc độ hơn 38% mỗi năm, gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước. Riêng năm 2024, Phú Quốc đã đón gần 1 triệu khách quốc tế, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong ngành du lịch của đảo ngọc.
Hiện có hơn 20 hãng hàng không khai thác chuyến bay đến Phú Quốc theo cả hình thức thường lệ hoặc thuê chuyến (charter), với hơn 150 chuyến bay/tuần đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Tương lai, rất có thể Phú Quốc sẽ là “trạm trung chuyển” của thế giới.
Chỉ trong 5 năm gần đây, với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư, Phú Quốc đã sở hữu những quần thể vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Phú Quốc đang đứng trước cơ hội lịch sử để khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế. Với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo kinh tế hàng đầu, sự kiện sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp Phú Quốc trở thành điểm đến nổi bật, thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.
“Trước, trong và sau diễn đàn, tên gọi “Phú Quốc” sẽ được nhắc đến liên tục, trở thành một cái tên quen thuộc, thậm chí là biểu tượng đặc trưng của sự kiện APEC 2027. Phú Quốc sẽ được định vị mạnh mẽ trên bản đồ du lịch, giống như Đà Nẵng, Busan (Hàn Quốc) hay đảo Hải Nam (Trung Quốc)... Khi nhắc đến Phú Quốc, thế giới sẽ cảm thấy gần gũi, thân thuộc hơn bao giờ hết,” đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những câu chuyện hấp dẫn và hình ảnh đẹp về du lịch Phú Quốc sẽ được lan tỏa rộng rãi, gắn liền với các thông tin về những địa danh nổi tiếng, điều kiện giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ chất lượng và an ninh, an toàn cao.
Ông Hoan cho rằng, đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia luôn mong muốn được đăng cai tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế như APEC để đẩy mạnh phát triển du lịch và nâng cao hình ảnh quốc gia.
Phát triển kinh tế biển
Đối với Việt Nam, APEC 2027 không chỉ là sự kiện quan trọng về ngoại giao và hợp tác khu vực, mà còn mở ra cơ hội to lớn để thúc đẩy giao lưu kinh tế và thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế biển.
"Song song với sự phát triển du lịch, Phú Quốc trong tương lai sẽ hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ biển, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển. Đây sẽ là ngành mũi nhọn, thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ cả trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, dịch vụ vận tải, chế biến thủy hải sản, và nhiều ngành khác," chuyên gia kinh tế PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với Sputnik.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có lộ trình đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cảng biển và các trạm dịch vụ chuyên biệt. Với hàng loạt đảo xung quanh Phú Quốc, việc quy hoạch hợp lý để phát triển các ngành nghề như sửa chữa tàu, chế biến nông, lâm, thủy sản, và cung cấp dịch vụ nước ngọt sẽ là yếu tố then chốt.
Thách thức đi kèm
Sự kiện APEC 2027 không chỉ mang lại cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế, mà còn là thử thách để Phú Quốc tiến xa hơn. Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm với những thách thức.
Trước đây, Phú Quốc chưa từng tổ chức sự kiện quốc tế quy mô lớn APEC. Tuy nhiên, theo ông Hoan, đây không chỉ là sự kiện của riêng Phú Quốc. Với sự kiện mang tầm quốc gia này, chắc chắn cả đất nước sẽ chung tay hỗ trợ Phú Quốc để tổ chức sự kiện.
Từ nay đến năm 2027, Việt Nam có hai năm để chuẩn bị. Quãng thời gian này đủ để đất nước có thể chuẩn bị tốt, ông Hoan cho hay.
"Về vị trí, Phú Quốc khá biệt lập so với đất liền, điều này đòi hỏi công tác hậu cần phải được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với Đà Nẵng, nơi đã có nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển. Phú Quốc hiện đang là thành phố du lịch, nhưng để thực sự sẵn sàng, vẫn cần hoàn thiện thêm nhiều lĩnh vực khác, từ kinh tế đến y tế, nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống phát sinh. Ngay từ bây giờ, cần lên kế hoạch chi tiết từng bước, từ cơ sở vật chất, nhân lực và cơ sở hạ tầng phụ trợ….".
Phú Quốc hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ về cả du lịch, hạ tầng hàng không và cảng biển. Với những cơ hội lớn từ sự kiện APEC 2027, Phú Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục vươn lên và trở thành trung tâm kết nối - “một điểm sáng” quan trọng tại Đông Nam Á.