GS. Ngô Bảo Châu: Môn Toán ở Việt Nam không nặng

© Ảnh : TTXVN - Lê Thanh TùngHội thảo về kiểm tra đánh giá môn Toán cấp THPT theo định hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực
Hội thảo về kiểm tra đánh giá môn Toán cấp THPT theo định hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.02.2025
Đăng ký
GS. Ngô Bảo Châu khẳng định, chương trình môn toán hiện nay ở Việt Nam không nặng hơn trước đây, cũng không nặng hơn các nước khác. Nếu làm nhẹ môn toán hơn nữa, Việt Nam sẽ gặp khó khăn về nhân lực công nghệ trong tương lai.
Theo GS. Châu, các nước như Trung quốc, Singapore, Hàn Quốc hay Israel có chương trình toán phổ thông nặng hơn Việt Nam rất nhiều.

GS. Ngô Bảo Châu nói lý do không nên làm nhẹ hơn môn toán

Nói với báo Tiền Phong, GS. Ngô Bảo Châu – Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán cho biết, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Viện nghiên cứu cao cấp về toán đã lập tổ nghiên cứu, tiến hành so sánh chương trình toán của học sinh phổ thông Việt Nam với các nước khác.
GS. Châu cho biết, đây là nghiên cứu đối sánh toàn diện về nội dung, thời lượng, phương pháp dạy và học môn toán, với các hình thức kiểm tra, đánh giá. Tổ nghiên cứu được thành lập từ tháng 10/2024, đến nay đã có một số kết quả ban đầu, như thu thập chương trình khung của một nước tiêu biểu để nghiên cứu đối sánh và bắt đầu lập bảng hỏi. Theo kế hoạch, một số kết luận ban đầu sẽ có vào đầu hè này.
“Hiện tại, tôi chỉ có thể chia sẻ một số suy nghĩ riêng của cá nhân tôi vì tổ nghiên cứu đối sánh còn chưa đến giai đoạn tổng kết”, GS. Châu cho biết.
sinh viên chuẩn bị tham dự kỳ thi  - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.12.2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Trước câu hỏi liên quan đến độ “nặng” của chương trình môn toán giáo dục phổ thông hiện nay, GS. Ngô Bảo Châu khẳng định, ở các nước như Trung quốc, Singapore, Hàn Quốc hay Israel, chương trình toán phổ thông cơ bản là nặng hơn nhiều so với ở Việt Nam.
Tương tự, chương trình A-level của các nước trong cộng đồng Anh cũng đi sâu hơn nhiều, nhất là ở mảng toán ứng dụng, nếu so với chương trình ở Việt Nam.
Trong khi đó, chương trình ở các nước như Malaysia, Indonesia thì “có lẽ nhẹ hơn chương trình ở Việt Nam”.
“Ta thấy sự phân hoá giữa các nước ở nhóm đầu là nhóm các nước có tham vọng phát triển công nghệ”, GS. Ngô Bảo Châu chỉ ra.
Ông cho biết, ông cũng có nghe đến việc nhiều phụ huynh than phiền chương trình toán phổ thông hiện nay quá nặng, cha mẹ không còn giúp được con mình làm bài tập ở mức trung học cơ sở.
Tuy nhiên, nếu so sánh giữa chương trình toán phổ thông hiện tại với quá khứ thì không thấy nặng hơn, thậm chí “có chỗ còn nhẹ đi”.
GS. Ngô Bảo Châu cho biết, chương trình hiện nay chỉ có phần xác suất thống kê được bổ sung nội dung và triển khai sớm hơn. Về cơ bản, điều này là hợp lý vì đó là những kiến thức toán học cần thiết nhất trong cuộc sống hiện đại.
Theo ông, điểm khác nhau cơ bản giữa chương trình hiện tại và trước đây không phải là ở tổng số kiến thức, mà cách sắp xếp nội dung kiến thức theo các năm học. Quy định hiện nay, mỗi học kỳ học sinh phải học đủ các phần hình học, đại số, xác suất và một phần vì thế mà nội dung được sắp xếp theo mô hình đồng tâm xoắn ốc.
Với mô hình này, mỗi nội dung được sẽ đề cập đến nhiều lần, ở nhiều lớp học, mỗi lần sâu hơn một ít. Điều này có lý về mặt sư phạm bởi nhìn chung, việc học của mỗi người đều đi theo con đường đồng tâm xoắn ốc.
“Tuy nhiên hệ luỵ là vào mỗi học kỳ, học sinh phải học nhiều thứ quá mà không học được cái gì sâu cả. Có lẽ đây là một nguyên nhân tạo nên cảm giác quá tải”, báo Tiền Phong dẫn lời nhà toán học.
Cả 6 học sinh thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022 đều giành huy chương - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2024
Học sinh Hà Nội đoạt giải vàng Olympic quốc tế sẽ được thưởng 250 triệu đồng?
Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng hơn là cần suy nghĩ lại về cách dạy toán và cách kiểm tra đánh giá. Cái cần đòi hỏi ở học sinh là nắm được khái niệm và có tư duy toán học, có khả năng tính toán và vận dụng, chứ không phải bắt học sinh làm những dạng bài khó vốn chỉ dành cho các học sinh chuyên.
Điều này, trước hết, phải được thể hiện trong cách kiểm tra, đánh giá, rồi sau đó sẽ lan toả ra việc dạy và học.

Vì sao không nên làm nhẹ chương trình môn toán?

Để nâng cao chất lượng dạy học môn toán, GS. Ngô Bảo Châu cho biết, ở một số nước công nghệ phát triển như Israel, học sinh phổ thông học toán rất nhiều và sâu, không chỉ vì đam mê mà còn vì học toán là con đường chắc chắn nhất để đi vào công nghệ, đảm bảo độc lập kinh tế.
“Xu hướng lành mạnh mà tôi mong muốn là, trong tương lai, sẽ vẫn còn một nhóm nhỏ học sinh học toán vì say mê, nhưng đại đa số học sinh sẽ học toán vì sinh kế. Việc dạy và học toán ở trường phổ thông cũng cần tiến hoá để phù hợp với xu hướng này”, ông nói.
So sánh về việc học toán ở Mỹ và ở Việt Nam, ông Châu cho biết, giáo dục phổ thông ở Mỹ rất phân hoá. Theo đó, “trẻ ở các khu nhà nghèo thì học toán rất ít, trẻ ở các khu nhà giàu thì học toán rất nhiều, nhiều hơn Việt Nam”.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm đang “nóng” trong thời gian quan, GS. Ngô Bảo Châu cho biết, việc dạy thêm học thêm cơ bản không có gì là sai nếu là tự nguyện. Tuy nhiên, “nếu vì lý do này khác mà học sinh bị bắt đi học thêm thì sai rồi”.
GS. Ngô Bảo Châu dẫn thực tế cho biết, có một số giáo viên thay vì dạy toàn bộ nội dung chương trình trong các tiết học chính quy thì lại đòi hỏi học sinh đi học thêm để dạy nốt. Đây là việc làm sai.
Ngoài ra, cũng có người phản ánh, nếu không học thêm thì không đi thi được. Theo ông, nếu đúng thế thật thì cần xem xét lại phương pháp kiểm tra đánh giá và dạy học. Quyền cơ bản của học sinh phải được đảm bảo chính là không phải học thêm, mà chỉ cần nghiêm túc học trên lớp là đủ để hoàn thành chương trình phổ thông.
GS. Châu cũng nhận định, khung pháp lý cho việc dạy thêm học thêm là cần thiết để không vi phạm quyền lợi hợp pháp của học sinh, trong đó có quyền không phải đi học thêm.
“Tôi thấy việc dạy thêm có thu phí cần được đăng ký như một hình thức kinh doanh dịch vụ đặc thù và phải tuân thủ theo một số quy định để quyền lợi các bên tham gia được đảm bảo”, ông nói.
Tổng Bí thư gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.11.2024
Đến năm 2030, Việt Nam phải có trường đại học vào top 100 thế giới
Tuy vậy, khung pháp lý này nên được giữ ở mức đơn giản để các thầy cô giáo, nếu muốn, có thể tự đăng ký mà không cần đến hỗ trợ pháp lý tốn kém.
Về ý kiến cho rằng chương trình phổ thông môn toán hiện nay quá nặng, nếu không học thêm thì không dạy hết, ông Châu nhận định chương trình hiện hành không nặng hơn những chương trình trước đây, không nặng hơn các nước khác.
Song, trước mắt cần xem xét cách kiểm tra đánh giá và cách dạy, và “tuyệt đối không dùng các bài toán mẹo mực đánh đố nữa”.
Về lâu dài, nhà toán học đề nghị cần xem lại cách áp dụng mô hình đồng tâm xoắn ốc, cũng như chú trọng hơn đến việc đảm bảo mạch kiến thức.
“Nếu làm nhẹ hơn nữa chương trình phổ thông môn toán, chắc chắc trong tương lai Việt Nam sẽ gặp khó khăn về nhân lực để cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ”, GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала