Động đất rất mạnh ở Myanmar: Chuyên gia Việt Nam lý giải

© AP Photo / Aung Shine OoHậu quả động đất ở Myanmar
Hậu quả động đất ở Myanmar - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.03.2025
Đăng ký
Chuyên gia lý giải vì sao sao động đất mạnh ở Myanmar lại khiến Việt Nam bị ảnh hưởng, Hà Nội, TP.HCM rung lắc.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok đang triển khai các biện pháp cần thiết để nắm được tình hình công dân Việt Nam tại nước sở tại.

Vì sao động đất ở Myanmar ảnh hưởng đến nhiều quốc gia lân cận?

Như Sputnik đưa tin, trận động đất mạnh có cường độ 7,7 (theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ) đã xảy ra cách khu vực Sagaing, Myanmar, khoảng 16km về phía bắc Tây Bắc nhưng dư chấn ảnh hưởng tới các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam…
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện các Khoa học Trái Đất, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết động đất xảy ra ở Myanmar lúc 13h 20 phút 20 giây, ngày 28/3, độ sâu chấn tiêu 10 km và Cục khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận độ lớn của tâm chấn động đất là 7,7 độ.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Việt Nam thì đánh giá trận động đất có độ lớn 7.3.
“Trận động đất này rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn km. Ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở nơi đó. Tuy nhiên hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận cấp độ rủi ro thiên tai bằng không (0), tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam do ở xa”, - TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Myanmar  - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.03.2025
Động đất tại Myanmar, Việt Nam bị ảnh hưởng
Cũng như Sputnik đã cập nhật, tại Việt Nam, người dân ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận rõ rung lắc, đặc biệt là tại các khu dân cư.
Lý giải về việc động đất ở Myanmar nhưng TP.HCM hay Hà Nội có rung lắc, ông Xuân Anh cho biết về cơ bản, các trận động đất lớn, có vùng ảnh hưởng rất rộng, lan truyền đến các thành phố lớn và thông thường các thành phố lớn có nhiều công trình nhà cao tầng nên rất nhạy cảm với các rung lắc.
“Ảnh hưởng của động đất phụ thuộc vào khoảng cách, nền đất và công trình. Với trận động đất ở Myanmar thì khoảng cách xa nên ảnh hưởng tới TP.HCM hay Hà Nội là yếu”, - TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Nhà khoa học Việt Nam cũng đánh giá, trận động đất này không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh.
Về nguyên nhân xảy ra trận động đất ở Myanmar, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu nhận định “do đứt gãy và tích lũy năng lượng gây ra động đất”.
“Sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh”, - TS. Xuân Anh nói.
Một số chuyên gia nhận định động đất có thể được phân làm 2 loại gồm động đất có nguồn gốc tự nhiên và động đất do hoạt động của con người.
Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai tháс mỏ, vụ nổ hạt nhân.
Thông thường nhưng trận động đất lớn sẽ có những trận dư chấn. Tuy nhiên, trận động đất ở xa, nên ảnh hưởng của Việt Nam là rất nhỏ.
TS Xuân Anh cho biết hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được.
“Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam xảy ra 73 trận động đất, chủ yếu ở tỉnh Kon Tum”, - TS. Nguyễn Xuân Anh thông tin.
Cũng theo Viện Vật lý địa cầu, khoảng 12h56 ngày 28/3, một trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẵn sàng công tác bảo hộ công dân

Myanmar là quốc gia nằm trong vùng hoạt động địa chấn mạnh. Đất nước này nằm gần ranh giới giữa mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu, dọc theo đới đứt gãy Sagaing – một đới đứt gãy kéo dài 1.000km chạy từ ngoài khơi biển Andaman, đi qua miền trung Myanmar.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng cảnh báo tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém và quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, đang khiến các thành phố đông dân ở Myanmar ngày càng dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên. Đồng thời, hệ thống y tế của Myanmar cũng đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.
Tại Thái Lan, Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp Thái Lan cho biết, sau một rung chấn mạnh, tòa nhà 30 tầng đang trong quá trình xây dựng tại Bangkok đã bị sập. Nhiều người được cho là bị mắc kẹt bên trong. Một số tuyến tàu điện ngầm và tàu điện trên cao cũng đã phải tạm dừng hoạt động, do ảnh hưởng của động đất. Ngoài ra, rung lắc mạnh cũng được cảm nhận ở thành phố Chiang Mai. Thủ tướng Shinawatra đã quyết định rời chuyến công tác tới đảo Phuket để tổ chức cuộc họp khẩn cấp về tình hình động đất và ban bố tình trạng khẩn cấp.
TTXVN dẫn lời một nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok cho biết, các nhân viên cơ quan đại diện vẫn an toàn. Khi có rung lắc mạnh, mọi người đều chạy ra ngoài. Nhiều tòa nhà cao tầng ở Bangkok cũng bị ảnh hưởng, có nhiều mảng vỡ xuất hiện, nhiều người tỏ ra khá hoảng loạn.
Trên đường phố xuất hiện nhiều tiếng còi cấp cứu, nhà trường thông báo cho các phụ huynh đón con về nhà.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hiện đang triển khai các biện pháp cần thiết để nắm được tình hình công dân Việt Nam tại nước sở tại.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала