"Chiến tranh hạt nhân không được phép bùng nổ": ông Vương Nghị trả lời Sputnik về vấn đề hạt nhân
11:23 01.04.2025 (Đã cập nhật: 14:09 01.04.2025)
© Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga / Chuyển đến kho ảnhNgoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Quế Lâm

© Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga
/ Đăng ký
Độc quyền
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik, Trưởng ban Đối ngoại của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), ông Vương Nghị nhắc lại lập trường nguyên tắc của Trung Quốc trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.
"Vũ khí hạt nhân là thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nhân loại. Cần phải cấm hoàn toàn vũ khí này ở mọi nơi và cuối cùng, theo thời gian, cần tiêu hủy toàn bộ", ông trích dẫn bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Liên Hợp Quốc vào năm 2017.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc kiên định tuân thủ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
"Từ ngày đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc cam kết với toàn thế giới chúng tôi sẽ không bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sử dụng vũ khí hạt nhân trước; không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân và khu vực phi vũ khí hạt nhân, cũng như không đe dọa sử dụng loại vũ khí này".
Ông nhấn mạnh việc giải trừ vũ khí hạt nhân cần diễn ra từng bước và dựa trên các nguyên tắc "duy trì an ninh chiến lược toàn cầu" và "không làm tổn hại đến an ninh của tất cả các bên".
Phản ứng trước áp lực từ Mỹ
Ông Vương Nghị đặc biệt lưu ý đến áp lực từ phía Mỹ, yêu cầu Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đàm phán ba bên về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ông gọi những yêu cầu này là "không công bằng và không thực tế" và khẳng định: "Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thua xa so với Mỹ, hơn nữa chính sách hạt nhân và môi trường an ninh chiến lược của hai nước khác biệt hoàn toàn".
Ông cũng nhắc lại "Nga nhiều lần kêu gọi tôn trọng quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân".
Lời kêu gọi tới Mỹ
Ngoài ra, ông Vương Nghị phê phán chiến lược của Washington nhằm tăng cường vai trò của yếu tố hạt nhân trong quan hệ quốc tế.
"Mỹ cần giảm mạnh vai trò của vũ khí hạt nhân trong an ninh quốc gia và chấm dứt các hành động làm suy yếu an ninh chiến lược, chẳng hạn như tạo ra 'liên minh hạt nhân' thông qua 'sử dụng chung vũ khí hạt nhân' và 'răn đe hạt nhân mở rộng,' triển khai tên lửa tầm trung và các lực lượng chiến lược gần biên giới các quốc gia khác, cũng như xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu".
Theo ông, Trung Quốc kêu gọi Mỹ "nỗ lực mạnh mẽ để giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân và đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn cầu".