Phương án nhân sự chủ chốt 34 tỉnh thành dự kiến sau sáp nhập
© Ảnh : Đức Phương/TTXVNKhu du lịch Tam Cốc-Bích Động tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình).

© Ảnh : Đức Phương/TTXVN
Đăng ký
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh cũng như cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới.
Trước đó, như Sputnik đưa tin, danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (kèm theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) cũng đã được công bố.
Phương án nhân sự chủ chốt các tỉnh, thành phố sau sáp nhập
Ngày 14/4, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 150-KL/TW về việc hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh và cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc thành lập mới đơn vị hành chính.
Theo kết luận này, đối với phương án nhân sự dự kiến giữ các chức danh chủ chốt như bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các Ủy viên Trung ương dự khuyết đang là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, thì Ban Tổ chức Trung ương sẽ là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị phương án.
Sau khi hoàn tất bước chuẩn bị, phương án nhân sự cấp tỉnh sau sáp nhập sẽ được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và ba lãnh đạo chủ chốt khác theo quy định hiện hành của Đảng, gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, cùng Thường trực Ban Bí thư.
Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Trung ương sẽ hoàn thiện phương án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Về nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, Bộ Chính trị sẽ phân công một lãnh đạo tỉnh, thành phố trong diện nhập tỉnh làm đầu mối triệu tập cuộc họp hẹp để triển khai công tác xây dựng phương án nhân sự.
Người được phân công sẽ triệu tập và đồng chủ trì cuộc họp cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy thuộc các địa phương trong diện sáp nhập. Cuộc họp có sự tham gia của các thường trực tỉnh ủy, thành ủy và trưởng ban tổ chức cấp tỉnh để chuẩn bị các nội dung xây dựng đề án nhân sự.
Các nội dung chuẩn bị bao gồm: đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ thuộc diện sắp xếp; nhận định sơ bộ về thuận lợi, khó khăn; dự kiến phương án nhân sự sau hợp nhất và định hướng phân công cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
Sau bước chuẩn bị, người được Bộ Chính trị phân công sẽ phối hợp cùng bí thư các tỉnh ủy, thành ủy liên quan tổ chức hội nghị chung quy mô rộng hơn. Hội nghị có sự tham gia của Ban Thường vụ các địa phương hợp nhất để thảo luận tập thể, đóng góp ý kiến và thông qua phương án nhân sự.
Hội nghị này có sự tham dự của đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.
Phương án nhân sự đã được địa phương thông qua sẽ được trình lên Ban Tổ chức Trung ương để xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở đó, người được Bộ Chính trị phân công sẽ tiếp tục đồng chủ trì cuộc họp với Ban Thường vụ các địa phương hợp nhất để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện phương án nhân sự. Cuối cùng, phương án này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền
Đối với phương án nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra cấp xã sau khi nhập xã, cũng như việc phân công cán bộ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo ở xã, việc xây dựng và thông qua phương án sẽ do Ban Thường vụ tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị lưu ý, trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới, các địa phương cần chủ động rà soát nguồn cán bộ.
Trên cơ sở đó, phải xây dựng phương án điều động, phân công, bố trí đội ngũ cán bộ là cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, bí thư, phó bí thư, lãnh đạo các phòng ban cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp xã. Việc này nhằm bảo đảm có đủ nhân sự lãnh đạo để phân công, giới thiệu, chỉ định ngay sau khi đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập.
Danh sách dự kiến các tỉnh sau sáp nhập
11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm Thành phố Hà Nội; Thành phố Huế; Tỉnh Lai Châu; Tỉnh Điện Biên; Tỉnh Sơn La; Tỉnh Lạng Sơn; Tỉnh Quảng Ninh; Tỉnh Thanh Hóa; Tỉnh Nghệ An; Tỉnh Hà Tĩnh; Tỉnh Cao Bằng.
Các đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất:
1.
Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.2.
Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.3.
Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.4.
Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.5.
Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.6.
Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.7.
Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.8.
Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.9.
Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.10.
Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.11.
Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.12.
Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.13.
Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.14.
Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.15.
Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.16.
Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.17.
Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.18.
Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.19.
Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.20.
Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.21.
Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.22.
Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.23.
Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.