Tổng Bí thư Tô Lâm nói thẳng: Việt Nam không thể đi theo lối mòn
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống NhấtHội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống Nhất
Đăng ký
Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ – Tuyên bố được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra sáng nay. Bốn nghị quyết chiến lược đột phá là bộ tứ trụ cột đưa Việt Nam vào kỷ nguyên phát triển mới.
“Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất", Tổng Bí thư cho biết.
Tổng Bí thư tuyên bố về “Bộ tứ nghị quyết” chiến lược của Việt Nam
Phát biểu sáng 18/5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, cùng với những thách thức nội tại như tăng trưởng chậm lại, năng suất lao động thấp, chất lượng thể chế còn hạn chế, Việt Nam cần tiến hành một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững.
“Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra”, Tổng Bí thư lưu ý, những đổi mới, cải cách đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Phương HoaHội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Phương Hoa
Nhắc về các nghị quyết lớn mà Bộ Chính trị đã ban hành gần đây: về khoa học công nghệ (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 58), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), và xây dựng, hoàn thiện pháp luật (Nghị quyết 66), Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là "bộ tứ trụ cột" thể chế nền tảng. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả 4 nghị quyết này sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp Việt Nam "cất cánh" trong giai đoạn phát triển mới.
“Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy. Chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước ta vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới”, người đứng đầu Đảng nêu rõ.
Đề cập đến Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong nhận thức và tư duy phát triển của Đảng. Kinh tế tư nhân từ chỗ được coi là khu vực "bổ trợ" nay đã được xác định là "một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".
Tư duy này phản ánh sự thay đổi sâu sắc, khẳng định vai trò song hành và bình đẳng của kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo nên thế kiềng ba chân vững chắc, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập hiệu quả. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn mang tính chính trị – xã hội sâu sắc.
Tổng Bí thư khẳng định: "Phát triển kinh tế tư nhân là một mệnh lệnh chính trị, một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thích ứng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng".
Nghị quyết 68 đưa ra một loạt định hướng lớn: hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh, khơi thông các nguồn lực đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ; tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nghị quyết cũng đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khát vọng cống hiến vì quốc gia.
Tổng Bí thư nhấn mạnh “Doanh nhân Việt Nam là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, khẳng định vị thế mới của đội ngũ doanh nghiệp trong thời đại hội nhập và đổi mới sáng tạo. Việc chuyển từ "thừa nhận" sang "bảo vệ, khuyến khích và dẫn dắt phát triển" là minh chứng cho cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ.
“Ai cũng phải lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm thì xã hội mới giàu có, phát triển. Ai cũng có quyền mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Ai cũng có khát vọng cống hiến, khát vọng đổi mới sáng tạo, Đảng và Nhà nước có trách nhiệm để mọi người đều được thực hiện các quyền cơ bản đó”, theo Tổng Bí thư.
Khoa học – công nghệ là động lực đột phá
Trong dịp 18/5 – Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Bí thư gửi lời chúc mừng tới đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, nhấn mạnh vai trò chiến lược của khoa học – công nghệ trong tiến trình phát triển quốc gia.
Ông dẫn lại tinh thần của Nghị quyết 57 – coi phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu để hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia và phát triển nhanh, bền vững.
Tổng Bí thư khẳng định, khoa học – công nghệ không còn là công cụ hỗ trợ mà phải trở thành nền tảng và lực đẩy chủ yếu cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông nhấn mạnh phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn để biến khoa học – công nghệ thành động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới.
Ông kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc, từ việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy tư duy đổi mới, đến việc tháo gỡ rào cản pháp lý, hoàn thiện thể chế để tạo ra môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và sáng tạo.
"Không có con đường nào khác ngoài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Tổng Bí thư nói.
Phần cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư dành sự nhấn mạnh đặc biệt cho Nghị quyết 66 – nghị quyết được kỳ vọng tạo ra cú hích lớn cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời đại mới.
Ông cho rằng, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và yêu cầu cao về hiện đại hóa, pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà phải trở thành nền tảng tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy phát triển.
Nghị quyết xác định ba trọng tâm lớn: (1) hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực then chốt như tổ chức bộ máy, kinh tế thị trường, quyền con người và môi trường đầu tư; (2) đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chủ động, dễ hiểu, dễ thực thi; (3) nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải trình.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần cải cách xuyên suốt của Nghị quyết là chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo. Pháp luật phải "đi trước một bước", gắn với chuyển đổi số, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Cơ chế phân cấp, phân quyền cần rõ ràng, đi đôi với trách nhiệm, xóa bỏ "xin – cho" và lợi ích cục bộ.
Tổng Bí thư khẳng định “Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc”, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ và tạo ra môi trường thể chế cạnh tranh, bền vững cho đất nước bứt phá.
“Không được để tư duy cũ kỹ cản trở phát triển”
Khép lại bài phát biểu, Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nâng cao nhận thức, chuyển hóa quyết tâm chính trị thành hành động cụ thể. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc xóa bỏ tư duy trì trệ, thói quen hành chính hóa và lối làm việc hình thức – những rào cản đang cản trở bước tiến phát triển của đất nước.
Theo Tổng Bí thư, để hiện thực hóa các nghị quyết quan trọng này, các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền phải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành chương trình hành động có trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm sự chuyển biến thực chất trong toàn hệ thống.
"Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường khoa học, công nghệ, cải cách thể chế và phát huy mọi tiềm năng của kinh tế tư nhân", Tổng Bí thư kết luận, khẳng định tầm vóc chiến lược và tính cấp thiết của việc triển khai hiệu quả các nghị quyết đã ban hành.
Tổng Bí thư kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Tiếp tục đề xuất xây dựng các nghị quyết theo phương châm “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy.