Đây chỉ là một số trong những chủ đề báo chí và thông tin về Việt Nam trên những phương tiện truyền thông nước ngoài trong tuần qua. Chúng tôi gửi tới bạn đọc chuyên mục "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Một số thành tựu rực rỡ được nêu lên trong bài báo đăng tải trên trang Brookings Institution, tác giả cố gắng tiết lộ bí quyết của "điều kỳ diệu Việt Nam". Trong khi nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ, thương mại của Việt Nam đã tăng lên mức 190% GDP vào năm 2017 so với 70% trong năm 2007. Trong những năm 2014 — 2016, khu vực sản xuất của Việt Nam đã tạo ra 1,5 triệu việc làm mới. Kinh nghiệm của Việt Nam có thể hữu ích không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với các nước phát triển. Tất nhiên, một số điều kiện cơ bản, chẳng hạn như nguồn nhân lực trẻ giá rẻ, sự ổn định chính trị, vị trị địa lý gần với các tuyến đường vận chuyển chính đều là các yếu tố rất quan trọng. Nhưng, chính sách thông minh và khôn khéo của ban lãnh đạo Việt Nam cũng không kém phần quan trọng. Việt Nam đã đạt được thành công bởi vì đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tự do hóa nội bộ và đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Việc mất lợi thế hiện tại trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động do lộ trình tăng lương, Việt Nam có thể đền bù bằng các công nghệ tiết kiệm lao động mới và tự động hóa, tác giả bài báo nhận xét.
Vào tuần này nhiều phương tiện truyền thông phản ánh hai vấn đề cấp bách trong sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Ở Việt Nam có "vấn đề nước", theo The News Lens International. Chỉ có 10% hộ gia đình và 25% xí nghiệp công nghiệp xử lý nước thải trước khi thải ra sông. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng tăng đã dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều sông, hồ "chết" gây hại cho sức khỏe của hàng triệu người. Tình trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu và sự phát triển của thủy điện. Còn VnExpress Internationalghi chú rằng, ở Việt Nam việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải vẫn là các công việc lao động chân tay. Chỉ có từ 40 đến 60% rác thải được đưa đến các bãi chôn lấp chất thải, phần còn bị xả xuống sông và các con sông chảy ra biển. Trong năm 2015, Việt Nam bị liệt vào danh sách 5 quốc gia đã thải ra vào đại dương lượng chất nhựa lớn nhất.
Báo chí nước ngoài rất quan tâm đến mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Tờ The Diplomat cho rằng, quyết định của Việt Nam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng khoan dầu và ngừng dự án khoan dầu ở vùng Biển Đông dưới áp lực của Trung Quốc "phá hoại nỗ lực của Mỹ và các đối tác dân chủ của họ nhằm xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Việt Nam và Indonesia đang cố gắng giải quyết nạn đánh cá lậu trên Biển Đông, theo Tampabay.com. Washington Timeskhẳng định rằng, các hoạt động mang tính bảo hộ của Washington đối với cá tra Việt Nam có thể dẫn đến "cuộc chiến cá tra" giữa Mỹ và Việt Nam.
Bây giờ chúng tôi khép lại mục điểm báo bằng bài phân tích trên tờ báo Anh The Conversation UK. Tác giả bài báo so sánh vụ không kích Syria gần đây nhất do Mỹ và các đồng minh của họ thực hiện với chiến dịch Rolling Thunder (Sấm Rền) ném bom miền Bắc Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968, là một chiến dịch phá hoại và không hiệu quả. "Các nhà lãnh đạo thế giới nên chú ý lắng nghe tiếng sầm rền vang. Đáng tiếc, có vẻ là những người cần phải chú ý lắng nghe đều là điếc", — tác giả bài báo kết luận.