Sáng nay, những mái đầu bạc đầu xanh của gia đình, bạn chiến đấu cũ và rất nhiều đồng đội đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, làm những thủ tục cuối cùng để tiễn đưa PGS. TS, Trung tướng Lê Hữu Đức về nơi an nghỉ cuối cùng.
Họ nghiêng mình trước một vị chiến tướng đã tận hiến đời mình "trọn gói" cho cả 4 cuộc kháng chiến nhiều mất mát, đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Hổ cụt đường 9 và "cái đầu" trị giá nhiều ngàn đô la
Năm 1947, khi mới 23 tuổi, Tiểu đoàn trưởng Lê Hữu Đức đã bị đạn địch xuyên vào bả vai trái ở chiến trường Điện Bàn — Quảng Nam. Ông ngất đi.
Ca mổ hoàn toàn không có thuốc mê, khiến Lê Hữu Đức gần như ngất đi một lần nữa.
"Giống như Hoa Đà mổ cho Quan Vân Trường ngày xưa, đau đớn không kể xiết. Trước khi mổ, bác sĩ quân y tên Kỹ còn hỏi tôi: Không có thuốc mê đâu, anh có chịu đựng được thì để tôi mổ chay. Không mổ, tay anh hỏng mất" — ông Đức kể lại.
Ông gật đầu. Bác sĩ Kỹ lấy dây trói cánh tay ông giáp ngực, nhanh chóng rạch vết thương và luồn hai ngón tay vào bả vai ông gắp đạn và xương vỡ.
"Tôi nghiến chặt răng và nhìn thấy một luồng máu phụt từ vai ra, cơ thể đau buốt dại".
Dù ca mổ rất dứt khoát, nhưng do không đủ thuốc men, cánh tay ấy hoại tử, hôi thối, nhức buốt buộc ông phải đi đến một quyết định khó khăn nhất: Cắt bàn tay.
"Cắt bỏ một phần cơ thể tôi không sợ. Sợ nhất là với việc mất một tay, tôi không còn đủ tiêu chuẩn làm lính chiến nữa. 23 tuổi đời đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu thì còn nói chuyện gì." — ông nhớ lại.
Cuối cùng, cánh tay vẫn phải cắt, nhưng nó không ngăn được ông tiếp tục chiến đấu. Với một cánh tay rưỡi ấy, Lê Hữu Đức vẫn nhiều lần bò vượt qua hàng rào dây thép gai, cùng cấp dưới vào tận căn cứ địch để trinh sát, để đánh trận nào oanh liệt trận ấy.
Kẻ thù còn treo thưởng: Ai lấy được đầu, đoạt được mạng sống của ông sẽ được lĩnh hàng ngàn đô la. Nhưng cuối cùng, không một kẻ địch nào được lĩnh thưởng, dù bom đạn của chúng đã khiến Lê Hữu Đức bị thương tới 17 lần.
Có những trận đánh, tưởng như không thể có phép màu nào cứu sống được ông, nhưng rồi ông vẫn thoát. Một trận, bom thả trúng sở chỉ huy của ông, tan nát tất cả. Những người còn lại không thể tìm ra dấu vết cũ của căn hầm tướng Đức và cần vụ trú ẩn.
Khi mọi người đã rơi nước mắt khóc ông thì một vị chỉ huy khác ra lệnh: Tan xác cũng phải tìm bằng được thân thể anh Đức. Hóa ra, bom chỉ san phẳng phía trên chứ không khoan sâu xuống. Khi thấy gậy của đồng đội thọc xuống tìm, theo hướng dẫn của ông, cậu cần vụ đã nắm lấy cây gậy lay lay và hai người được cứu sống.
Đám cưới kỳ lạ và giọt nước mắt chiến tướng
Cuộc hôn nhân đầu là một câu chuyện vừa tuyệt vời nhất nhưng cũng đau thương nhất. Ông gặp bà trong thời gian chiến đấu. Bà cũng là một chiến sĩ cách mạng nam tiến.
Lăn lộn cùng nhau trong những năm tháng thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, đã khiến hai người gần nhau, với một tình yêu vừa đúng nghĩa vừa đậm sâu tình đồng đội.
Sau này, khi đã gần 90 tuổi, ngồi nói chuyện với chúng tôi, tướng Đức thỉnh thoảng vẫn kể về người vợ — đồng đội ấy. Có lần, ông đã khiến chúng tôi khóc theo, khi đưa cánh tay cụt lên lau nước mắt lã chã.
Ông kể, đám cưới của hai người diễn ra giản dị và bí mật tại một mảnh vườn nhỏ ở vùng địch chiếm đóng. Chỉ có vài cái kẹo, dăm cốc nước. Đêm tân hôn của cặp vợ chồng trẻ cũng là màn trời chiếu đất ở trong vườn.
Một lần khác, phóng viên báo tôi thấy ông ứa nước mắt, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế. Hôm ấy, ngồi trong ngôi nhà nhỏ 4 tầng tại ngõ phố Đội Nhân, Hà Nội, ông chỉ lên bức trướng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mừng thọ ông năm ông 80 tuổi, nói về người cựu thủ trưởng trực tiếp của mình:
"Mỗi lần nhắc tới cụ Hồ, nhắc tới ông Võ Nguyên Giáp là tôi không cầm được nước mắt. Hôm qua, có một người quen nằm ở viện 108 gọi điện cho cô giúp việc nhắn với tôi là ông Võ mất. Sau đó lại nghe được tin xác nhận từ một chú trung tá, tôi đã rất buồn. Đau xót vô cùng. Vẫn biết sinh ly tử biệt nhưng tôi thấy tiếc một người tốt như vậy, văn võ song toàn, đức độ trọn vẹn, ít có ai được như thế!".
Những thời khắc lịch sử
Ông là một trong những thành viên của Tổ Trung tâm thành lập năm 1973 gồm 4 người, do tướng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch Giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976.
Tổ họp liên tục. Rất nhiều lần ông được báo cáo Kế hoạch trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lần ông được báo cáo trực tiếp suốt 3 tiếng đồng hồ với Tổng Bí thư Lê Duẩn.
"Anh Ba (ông Lê Duẩn) là người rất sáng suốt, nhưng anh không phản đối gì. Anh nói sẽ bàn thêm với anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng). 2 giờ chiều cùng ngày, anh Ba mời cả Tổ trung tâm sang bàn thảo tiếp và liên quan" - tướng Đức nhớ lại.
5 vị tướng, tá (Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Tác chiến; Đại tá Nguyễn Trọng Yên và Thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Cục phó Tuyên huấn) đều đứng bật dậy hân hoan nhìn Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ gậy vào Dinh Độc lập trên tấm bản đồ chiến tranh, ăn mừng chiến thắng.
"Đó là những thời khắc không bao giờ quên. Nhưng cuộc đời binh nghiệp của tôi, như nhiều đồng đội khác, không dừng lại ở đấy. Tôi tiếp tục cùng đất nước tham gia "trọn gói" vào hai cuộc chiến khốc liệt nữa để bảo vệ tổ quốc" - tướng Đức bồi hồi.
Những năm tháng cuối đời của Trung tướng Lê Hữu Đức, tôi có may mắn gặp gỡ ông nhiều lần. Kể cả khi đã rất yếu, thì chất lính chiến máu lửa, quyết liệt của chàng trai Nghi Xuân — Hà Tĩnh thủa xưa, vẫn cháy ngùn ngụt qua những cái vung tay, cái giọng sang sảng và những ý kiến đanh thép trên báo chí.
Hai lần cuối cùng, chúng tôi tổ chức Giao lưu trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về thành tựu huyền thoại của ngành Quân y Việt Nam, tướng Đức đều nhận lời tham dự.
Nhưng bệnh huyết áp của ông trở chứng, khiến ông không thể đến tòa soạn tham dự. Ông nằm trên giường ở nhà để đọc câu trả lời cho phóng viên truyền về tòa soạn.
Rời đám tang, tôi điện thoại cho vị chiến tướng lừng danh khác, một đồng đội cũ trên mặt trận Tây Nguyên của tướng Đức. Ở đầu bên kia, giọng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đã 92 tuổi) sang sảng:
"Tôi vừa đi viếng anh Đức về. Đi theo đoàn cựu binh cũ của mặt trận Tây Nguyên. Hôm nay, anh ấy sẽ được gặp lại nhiều đồng đội.".
Vâng, cuối cùng thì ông đã được về với tổ tiên, thủ trưởng Võ Nguyên Giáp và biết bao đồng đội của cả 4 cuộc chiến bi tráng.
Vĩnh biệt ông!