Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 vừa kết thúc. Tuyên bố của chủ tịch hội nghị này đề cập đến “Ấn Độ - Thái Bình Dương” khiến dư luận rất quan tâm; tuy nhiên việc Thủ tướng Thái Lan là chủ tịch luân phiên của hội nghị không đề cập đến vấn đề Biển Đông tại buổi họp báo sau lễ bế mạc đã khiến giới truyền thông thất vọng. Tổng thống Philippines Duterte trong bài phát biểu tại hội nghị đã bày tỏ sự thất vọng về sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Malaysia – một học giả nổi tiếng, khi trả lời phỏng vấn trang tin Hoa ngữ độc lập Đa chiều (VT) về các vấn đề nội bộ ASEAN hiện nay đã cho rằng: ASEAN nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhất định phải đưa ra quan điểm của riêng mình về “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, không thể để các nước lớn ở ngoài nước dắt mũi; cục diện Biển Đông hiện có ổn định hay không, các quốc gia khác nhau có các quan điểm khác nhau; việc đề ra Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) rất khó khăn bởi quan điểm giữa Trung Quốc và các nước ASEAN quá khác nhau...
VT: Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh ASEAN đưa ra đã giành nhiều từ ngữ đề cập đến “Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của ASEAN” (ASEAN Outlook on the Indo-Pacific). Từ khi Nhật Bản lần đầu tiên đề ra, đến chính phủ Tổng thống Donald Trump thúc đẩy rồi Ấn Độ cũng đưa ra quan điểm của họ về “Ấn Độ - Thái Bình Dương”; tại sao ASEAN cũng bắt đầu nói đến “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương”?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được thúc đẩy bởi các nước lớn ngoài khu vực ASEAN như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ v.v...; nhưng vị trí của ASEAN nằm ở giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương. Tất nhiên, ASEAN cũng có lập trường của ASEAN, không thể để các nước lớn cho thứ gì thì nhận thứ đó. Các nước lớn đưa ra Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” có những cân nhắc nhất định của họ. Tôi cảm thấy các nước ASEAN không thể không có tiếng nói riêng trong vấn đề này, cho nên đây là lý do tại sao ASEAN cũng cần đề xuất quan điểm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của riêng mình. Thế nhưng, nội bộ 10 quốc gia trong ASEAN đến nay vẫn chưa thực sự đạt được sự đồng thuận về “Ấn Độ - Thái Bình Dương” và ít nhất một hoặc hai quốc gia vẫn có quan điểm khác về “Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
VT: “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đang được thảo luận ngày càng nhiều. Điều đó liệu có phải là địa chính trị toàn cầu vốn ban đầu lấy trung tâm là Đại Tây Dương nay đã thay đổi?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: Ở một mức độ nào đó, điều này là không thể phủ nhận. Nói một cách thẳng thắn, “Ấn Độ - Thái Bình Dương” bao hàm ý chí chủ quan của các nước như Mỹ, Ấn Độ muốn kiềm chế Trung Quốc. Nhưng nói một cách khách quan, các liên kết giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương thực sự đã trở thành một trong những mảng miếng quan trọng nhất của toàn bộ nền kinh tế quốc tế và là nơi năng động nhất. Dưới khái niệm địa lý làm thế nào định nghĩa lại, làm thế nào để tái cấu trúc một khuôn khổ? Tôi cảm thấy rằng “Ấn Độ - Thái Bình Dương” hiện đang ở trong trạng thái này, vì vậy mọi người trong giới chiến lược sẽ chú ý đến nó nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy hiện nay, tiếng nói của “Ấn Độ - Thái Bình Dương” về cơ bản chỉ được xem xét nhiều hơn về an ninh quân sự, chứ không phải biến nó thực sự trở thành một khái niệm về sự phát triển.
VT: ASEAN đã định vị mình là “cốt lõi” của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và hy vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Ông có cho rằng ASEAN đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này không? Từ “cộng đồng” đến “nhất thể hóa” bao gồm cả đàm phán RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) với Trung Quốc, ASEAN phải đối mặt với những thách thức gì để trở thành “cốt lõi” của “Ấn Độ - Thái Bình Dương”?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing : Một thách thức rất lớn đối với ASEAN là khoảng cách phát triển kinh tế trong nội bộ tổ chức này rất lớn. Ví dụ, sự cách biệt giữa Singapore với Lào và Myanmar là rất lớn. Tôi nghĩ đây luôn là vấn đề rất lớn đối với ASEAN. Nếu sự cách biệt trong sự phát triển của ASEAN ngày càng lớn, thách thức trong việc duy trì cốt lõi đoàn kết của ASEAN sẽ còn lớn hơn nữa. Tôi nghĩ đây là điều ASEAN phải chú ý nhiều hơn trong sự phát triển nội bộ của ASEAN, cố gắng đạt được sự phát triển cân bằng giữa các quốc gia khác nhau trong khu vực.
Đối với các cuộc đàm phán RCEP , nó không được đồng bộ hóa về thời gian với Hội nghị cấp cao ASEAN. Việc RCEP có đột phá hay không sẽ không phụ thuộc vào việc họp Hội nghị cấp cao ASEAN, việc đàm phán có bước đi riêng. Đương nhiên, nếu các cuộc đàm phán có thể ổn thỏa trước hội nghị cấp cao (chẳng hạn như trước khi hội nghị cấp cao ASEAN vào nửa cuối năm nay), sau đó được công bố tại hội nghị, điều này chắc chắn sẽ có tác dụng tăng cường hiệu quả đối với RCEP. Nhưng RCEP liệu có thể đạt được bước đó không? Nó phụ thuộc vào quá trình đàm phán của chính nó, chứ không bị ảnh hưởng bởi hội nghị cấp cao ASEAN.
VT: Từ sự tìm hiểu của ông, cuộc đàm phán RCEP hiện đã ở trong trạng thái như thế nào?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: Tôi nghĩ rằng bất đồng lớn nhất hiện nay không phải là giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc và ASEAN đã có quan điểm của họ, bao gồm tiêu chuẩn riêng của khu vực mậu dịch tự do, thúc đẩy nó cụ thể thế nào v.v. Cá nhân tôi nghĩ rằng sự bất đồng không lớn.
Bất đồng lớn nhất hiện nay là quan điểm của mấy quốc gia ngoài ASEAN có tham dự vào các cuộc đàm phán RCEP. Tôi tìm hiểu thấy là các thành viên khác của khu vực này về cơ bản không có vấn đề gì. Vấn đề lớn nhất là Ấn Độ. Có vẻ Ấn Độ có một khoảng cách lớn với các nước khác trong vấn đề này, mà hiện nay Ấn Độ được đưa vào RCEP; cho nên về cơ bản nó bị mắc kẹt bởi Ấn Độ.
VT: Bao gồm ASEAN, tất cả các bên đều có cách hiểu khác nhau về khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Có quan điểm cho rằng điều này cho thấy tất cả các bên đều coi mình là một cực quan trọng của toàn cầu hóa. Khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không thể trở thành một kế hoạch bị chi phối bởi chỉ một bên giống như cân bằng châu Á - Thái Bình Dương. “Ấn Độ - Thái Bình Dương” sẽ là thể hiện điển hình của sự đa cực hóa quốc tế. Ông thấy thế nào?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: Về cơ bản, tôi cũng cho rằng “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là một “chiến lược” với nhiều cách hiểu và ý tưởng khác nhau. Ngay cả ba cường quốc thúc đẩy “Ấn Độ - Thái Bình Dương” cũng có sự tưởng tượng khác nhau, và đôi khi cũng không dễ dàng để thống nhất họ thành một thể thống nhất; ASEAN cũng khó có thể có cùng quan niệm như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Do đó, về mặt này, “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là một kế hoạch tiến hành nằm trong trò chơi liên tục, bị chi phối bởi nhiều bên. Nếu “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” khi trước thực sự được khởi xướng bởi Hoa Kỳ, thì “Ấn Độ - Thái Bình Dương” lại có rất nhiều vai chính, đồng thời chủ thể thúc đẩy cũng có nhiều.
VT: Các tuyên bố của chủ tịch hội nghị cấp cao ASEAN từ năm 2015 chỉ trích việc “quân sự hóa Biển Đông” đến năm 2018 thì nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm nay thì sự chú ý của hội nghị cấp cao ASEAN về Biển Đông giảm hẳn. Có ý kiến cho rằng tình hình Biển Đông đang trong xu thế ổn định dần. Trước đây, tình hình ở Biển Đông nóng lên do bị Hoa Kỳ và Nhật Bản... can thiệp từ bên ngoài, nhưng hiện nay Hoa Kỳ và Nhật Bản về cơ bản khó có thể tạo nên sóng to gió lớn ở Biển Đông. Có phải vấn đề Biển Đông đã bước sang một giai đoạn mới sau khi đã thoát khỏi sự can dự của các thế lực bên ngoài?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: Tôi không cảm thấy rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã rút khỏi việc can dự vào Biển Đông. Trên thực tế, sự can thiệp của Hoa Kỳ và Nhật Bản càng sâu sắc hơn và trở thành kiểu “tiếp tục tham dự” (continue involvement). Tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ xảy ra trong một thời gian dài tới đây.
Biển Đông liệu có có xu thế đi tới trạng thái hòa bình và ổn định? Sự giải thích của các bên là khác nhau. Phía Trung Quốc sẽ cảm thấy rằng hiện tại rất ổn định, bởi vì tình hình hiện đang ngày càng phát triển theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc; nhưng đối với một số nước khác như Việt Nam, thì sẽ thấy tình hình Biển Đông đang ngày càng tồi tệ hơn.
Từ góc độ này mà xét, Biển Đông liệu có thực sự hòa bình và ổn định? Tôi cảm thấy rằng đứng trên lập trường khác nhau thì quan điểm không giống nhau. “Biển Đông đang ngày càng ổn định” là một cụm từ được sử dụng nhiều ở Trung Quốc, chứ không phải của toàn bộ Đông Nam Á. Ngay các nước có “Tranh chấp Biển Đông” cũng khó có thể hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, chứ đừng nói đến Hoa Kỳ và Nhật Bản.
VT: Đặc biệt là ở Hoa Kỳ, trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung càng sâu rộng, Hoa Kỳ đang ngày càng có xu hướng sử dụng Biển Đông như một con bài...
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chơi quân bài Biển Đông. Điều này là không thể phủ nhận. Trung Quốc và Hoa Kỳ gần như đã bước vào một cuộc đối đầu nhiều mặt, vì vậy Biển Đông trước đây là (quân bài), hiện nay chắc chắn vẫn sẽ như vậy. Hơn nữa, vấn đề Biển Đông là một trong số ít quân bài mà Hoa Kỳ có thể sử dụng khá hiệu quả ở khu vực này, bởi vì nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Họ đều cho rằng Trung Quốc là một nước lớn, không thể đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, cho nên cần có một sự cân bằng quyền lực, tất nhiên phải có một quốc gia tương đối mạnh tham dự vào. Đó đương nhiên là Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản, hoặc sự hợp lực giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Vì vậy, xét từ quan điểm này, Hoa Kỳ sẽ không buông bỏ quân bài Biển Đông.
VT: Trung Quốc hiện đang co kéo với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Có quan điểm cho rằng vấn đề Trung Quốc phải đối mặt là các vấn đề chi tiết cụ thể về phân chia các đảo và rạn san hô như thế nào. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có ích trong việc giải quyết tranh chấp các đảo và rạn san hô, nhưng công ước này không thể thực sự giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông. Ông có nghĩ rằng Trung Quốc và ASEAN trong tương lai sẽ đưa ra được một sản phẩm chung mới vượt trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển?
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing: Tôi cảm thấy ý tưởng này có vẻ quá lạc quan!
Trước tiên hãy xem câu đầu tiên mà ông đề cập. “Trung Quốc phải đối mặt với các chi tiết cụ thể về cách phân chia các đảo và rạn san hô”. Tôi nghĩ rằng đó có thể có một chút sai sót về nhận thức. Đây không phải là thứ cần nói đến trong “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”. “Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” không giải quyết các vấn đề cụ thể của việc phân chia các đảo và rạn san hô. Đó đã là thứ đi đến các điều rất chi tiết.
“Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” thực ra là một phiên bản nâng cấp của “Tuyên ngôn ứng xử ở Biển Đông” (DOC). Nó chủ yếu là căn cứ để xử lý hành vi, còn phân chia rạn san hô là thứ khó giải quyết trong mấy chục năm qua.
Tôi không lạc quan về việc liệu Trung Quốc có thể đưa ra một phương án giải quyết mới hay không, bởi vì về cơ bản các nước ASEAN đều tin rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là thứ duy nhất có thể dựa vào (chuẩn tắc). Làm sao có thể vượt qua được? Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, hầu hết các đảo và rạn san hô trên Biển Đông đều thuộc về các nước Đông Nam Á chứ không thuộc về Trung Quốc. Làm sao các nước Đông Nam Á có thể chấp nhận một luật mới? Luật mới nhất định sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc.
Vì vậy, nếu muốn nói đến giải pháp hoạch định, phân chia các đảo và rạn san hô, quan điểm của tôi là trong 10 - 20 năm tới đều không thể thực hiện được. “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” hiện nay là một cơ chế quản lý và cơ chế kiểm soát, chứ không phải là một phương án giải quyết.